Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài 9: Người thợ tiện làm sản phẩm độc bản

'Tôi cũng không làm hàng chợ, ở đây chỉ những sản phẩm thủ công, độc bản', ông Lê Đình Thắng (SN1967), chủ cửa hàng tiện thủ công còn lại duy nhất trên phố Tô Tịch (Hà Nội), bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.

Cửa hàng tiện gỗ cuối cùng ở Tô Tịch

Ông Lê Đình Thắng mời chúng tôi vào cửa hàng. Không ghi biển hiệu, không bày biện trang hoàng, cửa hàng của ông lọt thỏm giữa những khách sạn, nhà hàng lấp lánh. Nhưng cửa hàng vẫn khiến người qua đường chú ý bởi một nét rất riêng của phố cổ Hà Nội xưa.

Ông Lê Đình Thắng đang tiện con lăn bột cho khách

Ông Lê Đình Thắng đang tiện con lăn bột cho khách

Trong gian nhà khoảng 17m2, ngổn ngang những khúc gỗ, mùn cưa cùng dụng cụ đục đẽo, máy tiện. Trên các tủ chủ yếu bày những đồ thờ trong chùa chiền như: Cây cắm nến, đĩa đựng hoa quả, mâm hứng tàn hương, dùi gõ mõ, ống hương, tràng hạt...

Một góc nhỏ phía trong cửa hàng được bày bàn trà để tiếp khách. Phía trên, bức ảnh của cha ông Thắng đang cần mẫn làm việc bên chiếc máy tiện đạp bằng chân, được treo trang trọng. Thấy chúng tôi nhìn, ông Thắng cho biết: “Tôi bày biện cửa hàng như thời cha tôi là cụ Lê Đình Trai làm. Cụ sinh năm 1925, người làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội), là một thợ tiện mang nghề ra lập nghiệp tại Hà Nội từ khoảng năm 1945. Sở dĩ tôi biết thời gian đó vì anh trai cả tôi sinh ra ở đây, vào năm 1947. Ban đầu cụ làm nghề ở phố Hàng Điếu có các cửa hàng bàn, ghế. Khi cửa hàng bị cháy thì cụ chuyển về đây thuê làm hàng. Ban đầu sản xuất bằng công cụ khá đơn giản với cưa, dùi, đục và những chiếc máy tiện thô sơ hoạt động bằng sức đạp của đôi chân. Sau này máy tiện mới lắp mô-tơ điện để tăng năng suất”.

“Nghề tiện gỗ đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó và tỉ mỉ thì mới có được những sản phẩm tinh xảo. Dù con nhà nòi nhưng tôi cũng mất 3 năm mới lành nghề”.

Thợ tiện gỗ Lê Đình Thắng

Tôi hỏi: “Nhiều hộ cửa hàng đồ tiện ở đây đã không còn tiếp tục những nghề thủ công mà chuyển đổi để đảm bảo thu nhập, vì sao ông vẫn bền bỉ giữ lại nghề của cha ông?”. Ông Thắng trầm ngâm một hồi rồi bảo rằng, đó là lòng đam mê và muốn giữ nghề truyền thống của gia đình. “Nghề này không truyền cho người ngoài và với nghề tiện này, cụ ông đã nuôi 5 anh em tôi khôn lớn trưởng thành. Trong 5 anh em tôi, chỉ có tôi nối nghiệp cha và đến giờ đã gắn bó với nó 34 năm rồi. Con cái của tôi cũng đã lớn, đứa đi làm, đứa học đại học và kinh tế gia đình tôi cũng không thiếu thốn gì cả”, ông Thắng cho hay.

Cửa hàng tiện gỗ còn lại duy nhất trên phố Tô Tịch

Cửa hàng tiện gỗ còn lại duy nhất trên phố Tô Tịch

Thời thơ ấu, ông Thắng gắn bó với tiếng đục, gõ lách cách vui tai, lớn dần thì quen với mùi thơm nồng của từng thớ gỗ. Năm 1986 ông đi bộ đội. Năm 1990 ông ra quân, rồi về tiếp quản cửa hàng này.

Giữa tiếng máy kêu rè rè, ông Thắng cầm một khúc gỗ đã được đẽo sơ chế, đưa vào máy bắt đầu tiện. Để có được một sản phẩm ưng ý người thợ phải khéo léo tính toán từng công đoạn và cần thời gian chế tác tương ứng. “Gỗ để khô vừa đủ, trước khi đưa vào chế tác phải được sơ chế đẽo bớt các góc cạnh. Mỗi sản phẩm đều có yêu cầu và có độ khó riêng nhưng đều đòi hỏi người thợ phải chú ý từng chi tiết”, ông Thắng nói.

Phố Tố Tịch (thường được gọi là Tô Tịch) là một con phố ngắn có một đầu thông ra phố Hàng Gai, một đầu thông ra phố Hàng Quạt, gần bờ hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội. Tên phố Tố Tịch theo nghĩa chữ là “chiếu trắng”. Ngoài ra, phố còn được dân gian gọi bằng tên gọi khác là phố Thợ Tiện hay Hàng Tiện. Điều này có nguồn gốc từ một ngành nghề đặc trưng còn được duy trì trên phố cho đến nay là nghề tiện gỗ. Từ hàng thế kỷ trước, những người làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) đã mang nghề tiện gỗ, khắc gỗ ra đất Hà thành lập nghiệp. Họ cư ngụ tập trung ở một nửa phố Tô Tịch, đoạn giáp phố Hàng Gai dãy số lẻ.

Sản phẩm độc bản, không bao giờ vắng khách

Ông Thắng lấy một đoạn gỗ dài đã khoan rỗng bên trong, giới thiệu một sản phẩm khó làm nhất: “Đây là phần thô của một chiếc kèn nam. Cả một làng ở Hải Dương vẫn đặt tôi khoan để chế tạo kèn. Để có âm thanh hay thì đường khoan phải đều, lỗ khoan phải to dần. Chỉ cần một chút sơ ý, khoan lệch là hỏng cả sản phẩm. Kỹ thuật khoét vòng tròn cho các vật dụng hình tròn như hộp bút, gạt tàn cũng là một kỹ thuật rất khó. Để có được sản phẩm ưng ý, người thợ đôi khi rất dày công. Ví dụ như cặp lục bình bằng gỗ mít đặc, đế liền này, người thợ phải khỏe, khéo, lúc khoan phải đặt dọc, đưa mũi khoan to vào trong để khoét. Phải mất 3-4 ngày mới xong 1 chiếc. Mỗi cặp có giá khoảng vài chục triệu đồng. Những cặp bình này để cả vài trăm năm, nhiều người hoài cổ rất thích, trân trọng nó và thường đến đây hỏi mua về để ở nhà thờ, để cung tiến vào chùa...”, ông Thắng cho hay.

Rồi ông lấy một đôi đèn nến cao, ông đã khoét cả đui để luồn dây điện và bảo: “Cặp đèn nến này là hàng độc bản, có giá khoảng 5 triệu. Nhiều người đến đây họ thích những cái tôi làm ra, người ta mua. Tôi cũng không làm hàng chợ, đây chỉ những sản phẩm thủ công, độc bản”.

Bức ảnh cụ Lê Đình Trai (bố ông Thắng), người đưa nghề tiện gỗ từ làng Nhị Khê ra Hà Nội lập nghiệp

Bức ảnh cụ Lê Đình Trai (bố ông Thắng), người đưa nghề tiện gỗ từ làng Nhị Khê ra Hà Nội lập nghiệp

Ông Thắng kể rằng, trước đây, có những thời điểm, khách hàng đặt nhiều làm không kịp đơn hàng, vất vả nhưng vui và còn khỏe, còn nhiều mơ ước, hoài bão và được sự yêu thích. Những sản phẩm gỗ được chế tác theo lối thủ công tạo nên sức hấp dẫn riêng. Khách chủ yếu là người Việt và người Trung Quốc. Họ cứ thấy đồ đẹp, gỗ thơm, tốt là mua hết. “Có ngày bán hàng kiếm tiền mua được vài chỉ vàng hoặc kiếm cả vài nghìn nhân dân tệ (tiền Trung Quốc) là đơn giản”, ông Thắng kể.

Hỏi về thu nhập hiện nay, ông Thắng bảo đã qua thời vàng son rồi, có cửa hàng thì cứ để và túc tắc làm. Rảnh rỗi thì vợ chồng ông đi dạo bờ hồ, thích ăn, uống gì thì mua, cuộc sống khá đơn giản. Tuy nhiên, ông cho biết, để duy trì công việc và cạnh tranh với sản phẩm công nghệ, sản xuất hàng loạt, bản thân vẫn thường xuyên học hỏi, tiếp thu những mẫu mã mới, để cho ra những sản phẩm chất lượng, đa dạng nhưng phải là sản phẩm truyền thống và độc đáo. Hiện tại, khách hàng của ông đều là khách quen, có nhu cầu đặt hàng vật dụng gì ông cũng cố gắng tìm tòi để đáp ứng yêu cầu.

(Còn nữa)

ĐỨC ANH - THÀNH ĐẠT

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhat-nghe-tinh-nhat-than-vinh-bai-9-nguoi-tho-tien-lam-san-pham-doc-ban-post1690962.tpo