Nhặt 'sạn' trong sách giáo khoa, chuyện không dễ với giáo viên?
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp công khai sách giáo khoa điện tử, xã hội hóa chuyện nhặt sạn sách giáo khoa trước khi phê duyệt.
Chuyện “sạn, rác” có trong sách giáo khoa ở nước ta không mới, thế nhưng thời gian gần đây rầm rộ lên là nhờ... mạng xã hội.
Khi chưa có mạng xã hội phát triển, “sạn, rác” trong sách giáo khoa vẫn cứ tồn tại một cách ... trong sáng, vô tư.
Nhặt “sạn” trong sách giáo khoa, chuyện không dễ với giáo viên?
Tác giả Kim Oanh viết “Những lỗi cứ mặc nhiên tồn tại trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học cơ sở!”, những lỗi đó, “sạn, rác” tồn tại cả 1 đời sách, chỉ đến khi chuẩn bị “hết đời” mới có người nói ra đó thôi!
Những “sạn, rác” đó giáo viên có biết không? Nếu nói không biết, chúng ta đang xúc phạm họ. Nếu nói biết, chúng ta có thể đang lừa dối mình.
Mới đây tác giả Phan Tuyết có viết bài “Dư luận bàn tán ầm ầm về Tiếng Việt 1 Cánh Diều, vì sao giáo viên im lặng?”. Bài viết đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của bạn đọc.
Tác giả Phan Tuyết viết “Ai ra lệnh cho giáo viên im lặng thì không biết, chỉ biết rằng trong các cuộc họp hội đồng, người thường xuyên nhắc nhở giáo viên không được chia sẻ, like, bình luận vào những bài viết về những tiêu cực của ngành giáo dục là những hiệu trưởng các trường học.
Người viết bài trước đây đã không ít lần được hiệu trưởng nhà trường “mời lên phòng uống nước” sau mỗi một bài viết phản ánh tiêu cực trong ngành giáo dục đăng trên báo.
Có hiệu trưởng đã gay gắt buộc không được viết bài, có hiệu trưởng lại khá nhẹ nhàng phân tích đừng làm gì để ảnh hưởng đến uy tín nhà trường”.
Giáo viên không nhìn thấy “sạn, rác” trong sách giáo khoa, vì từ trước đến nay họ mặc nhiên “sách giáo khoa là pháp lệnh”, “cấp trên luôn luôn đúng”, khái niệm phản biện gần như không có trong “từ điển nhà giáo”.
Nếu có phản biện, cũng đành giấu tên tuổi, địa chỉ công tác, tác giả Sơn Quang Huyến đã tổng kết trong bài “Giáo viên chưa dám nói thật thì còn ... khổ mãi!”.
Nhặt “sạn” trong sách giáo khoa, giáo viên phải thấy trước?
Từ đầu năm học đến nay, tuyệt nhiên chưa thấy bài viết nào ca ngợi cuốn sách nào trên phương tiện thông tin đại chúng.
Chưa thấy ai so sánh cái hay, cái đẹp của bộ sách này với bộ sách kia, giúp dư luận có cái nhìn toàn cảnh về 5 bộ sách được chọn cho chương trình lớp 1 năm nay.
Phải chăng chúng ta đang nhặt “sạn” một chiều?
Thực tế, giáo viên chúng ta mới chỉ ra được sách “nặng hay nhẹ”! Chuyện “sạn, rác” trong sách giáo khoa giáo viên không ... dám đề cập đến.
Một số chỉ đạo của Bộ về sách giáo khoa lớp 1 ở năm học này mang tính… chữa cháy
Giáo viên không thấy “sạn, rác” làm sao chọn được thức ăn bổ dưỡng cho học trò? Vì vậy nhặt “sạn” trong sách giáo khoa phải bắt đầu từ giáo viên.
Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, đã đến lúc có cái nhìn khách quan, sách cũng do con người viết, có thể đúng, có thể sai. Thấy cái sai dạy học trò tránh, thấy cái đúng dạy học trò nghe theo, đó mới là giáo viên tốt.
Năm sau, quyền chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân Tỉnh, khi đó số thành viên chọn sách sẽ rất ít so với năm học 2020 – 2021, ít người liệu có thấy hết “sạn” mà tránh?
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp công khai sách giáo khoa điện tử, xã hội hóa chuyện nhặt sạn sách giáo khoa trước khi phê duyệt, “Đông người “nhặt” thì “sạn” sẽ bớt đi”.
Để thích hợp với vùng miền, địa phương mình, các tỉnh cần lấy ý kiến thăm dò từ giáo viên, người dân để chọn được bộ sách, cuốn sách ít “sạn” nhất.
Sách giáo khoa là hàng hóa đặc biệt, loại hàng hóa không được phép có phế phẩm. Cần có cơ chế xử phạt đặc biệt với những bộ sách, cuốn sách có nhiều "sạn", có như thế người viết sách, nhà xuất bản mới có trách nhiệm nhặt “sạn” trước khi xã hội nhặt giùm.