Nhật Tiến: Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồngTin khácNgành dân số Lạng Sơn: 60 năm xây dựng và phát triểnĐội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của xã.

Ông Hoàng Đức Bình, thôn Tự Nhiên là một trong những hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả ở xã. Ông Bình cho biết: Trước đây, trên 1 ha đất vườn, tôi đầu tư trồng hồng Nhân Hậu. Tuy nhiên, đến thời kỳ cây ra quả thì giá thành xuống thấp, bán không có lãi. Năm 2011, tôi đã tìm hiểu và quyết định phá vườn hồng chuyển sang trồng bưởi. Trong vòng 3 năm, tôi vừa làm vừa mở rộng diện tích lên 300 gốc bưởi. Đến năm 2015, vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Từ đó đến nay, mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch từ 10.000 đến 10.700 quả, thu nhập trung bình sau khi trừ chi phí đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.

Người dân thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến thu hoạch bưởi

Người dân thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến thu hoạch bưởi

Ngoài hộ ông Bình, gia đình ông Nguyễn Văn Lai, thôn Tân Nhiên cũng là hộ điển hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Lai cho biết: Trước đây, tôi chủ yếu trồng ngô trên đất vườn nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế. Sau khi được sự định hướng của xã và tìm tòi học hỏi mô hình phát triển sản xuất, năm 2015, tôi tập trung phát triển trồng cây ăn quả. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cây ăn quả của gia đình phát triển tốt. Từ năm 2019 đến nay, tôi có 200 gốc bưởi và 400 gốc na cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu được trên 10.000 quả bưởi và 3 đến 4 tấn na, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng.

Không chỉ 2 trường hợp kể trên, nhiều hộ dân đã nhìn thấy hiệu quả và chủ động học tập, chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả giá trị cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2010, năm 2011, UBND xã đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến năm 2016, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã trở thành phong trào phát triển mạnh trên địa bàn.

Ông Lô Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để người dân ở xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đem lại giá trị cao, UBND xã đã phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình chăm sóc cây trồng. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, UBND xã phối hợp từ 2 lớp tập huấn trở lên cho người dân tại 7/7 thôn.

Bên cạnh đó, năm 2018, UBND xã đã tổ chức cho 10 cán bộ xã, thôn và người dân đi tham quan các mô hình trồng cây ăn quả tại các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Tĩnh để học tập, áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 17 hộ tại thôn Tân Nhiên, Tự Nhiên phục vụ tưới 10,08 ha cây ăn quả.

Ngoài ra, xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 428 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 14 tỷ đồng.

Từ sự định hướng của UBND xã và sự chủ động vươn lên phát triển kinh tế của người dân, đến nay, toàn xã đã chuyển đổi trên 100 ha đất vườn sang trồng các loại cây ăn quả như: na, bưởi, táo, nhãn… trong đó, tập trung tại các thôn Tân Nhiên, Tự Nhiên. Tổng cây ăn quả trên địa bàn xã hiện có 377 ha (tăng 105 ha so với năm 2016). Năm 2021, giá trị từ các loại cây ăn quả đem lại khoảng 12 tỷ đồng. Việc chuyển đổi cơ cấy cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ đạt 300 đến 400 triệu đồng/năm như: ông Nguyễn Văn Thắm, Nguyễn Văn Xuyên, Nguyễn Văn Báo (thôn Tân Nhiên)…

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cuộc sống của người dân xã Nhật Tiến ngày càng được nâng lên. Theo kết quả rà soát, đánh giá, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,22% (giảm 18,02% so với năm 2016), thu nhập bình quân trên địa bàn hiện đạt 36,92 triệu đồng/người/năm.

“Thời gian qua, thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó, Nhật Tiến là xã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập của người dân mà còn góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội chung của huyện”.

Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng

CÁT TIÊN

TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/470630-nhat-tien-hieu-qua-chuyen-doi-co-cau-cay-trong.html