Nhất trí đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh

Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương với Anh

Sáng 8/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, Hiệp định CPTPP được chính thức ký kết vào ngày 8/3/2018 tại Santiago de Chile bởi 11 nước thành viên và đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018.

Theo quy định tại Điều 5 của Hiệp định CPTPP về việc kết nạp thành viên mới, bất kỳ một quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt nào đều có thể gia nhập Hiệp định này; và Điều 1 Nghị định thư gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh quy định: Nghị định thư này cùng các phụ lục và chú giải kèm theo sẽ cấu thành một phần không tách rời của Hiệp định CPTPP, Hiệp định CPTPP mà Vương quốc Anh gia nhập sẽ được coi là Hiệp định CPTPP sửa đổi, bổ sung.

Do đó, căn cứ khoản 3 Điều 54 Luật Điều ước quốc tế 2016, việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, có nội dung sửa đổi, bổ sung Hiệp định CPTPP thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Văn kiện như đã nêu tại Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo Thuyết minh của Chính phủ.

Về thời điểm phê chuẩn, theo Báo cáo bổ sung của Chính phủ, ngày 16/5/2024, Vương quốc Anh đã gửi văn kiện phê chuẩn Nghị định thư gia nhập CPTPP đến New Zealand - nước lưu chiểu của CPTPP.

Đến nay, đã có 3 thành viên CPTPP thông báo hoàn tất thủ tục trong nước gồm Singapore, Nhật Bản và Chile. Bên cạnh đó, New Zealand, Brunei, Malaysia, Peru có thể sẽ hoàn tất việc phê chuẩn trong ít tháng tới.

"Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư và nếu đến ngày 16/10/2024 có đủ 6 thành viên của CPTPP thông báo hoàn tất thủ tục phê chuẩn thì Văn kiện sẽ có hiệu lực sau 60 ngày đối với các nước đã phê chuẩn (tức là ngày 16/12/2024)" - ông Vũ Hải Hà nhấn mạnh.

Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương với Vương quốc Anh nói riêng và giữa CPTPP với Vương Quốc Anh nói chung, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.

"Do đó, Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV" - ông Hà nói.

Tăng cường công tác dự báo về thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh

Trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh đúng với quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 và Luật Điều ước quốc tế 2016. Hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh đảm bảo theo quy định tại Điều 31 Luật điều ước quốc tế.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Về dự kiến Kế hoạch thực hiện Văn kiện của Chính phủ, Ủy ban Đối ngoại cơ bản nhất trí với dự thảo Kế hoạch đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kết luận Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, một số nội dung của Kế hoạch còn chưa chặt chẽ về lộ trình triển khai.

Ủy ban Đối ngoại cho rằng, việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 và khả năng sẽ có đủ 6 thành viên của CPTPP hoàn tất thủ tục phê chuẩn trước ngày 16/10/2024 (đến nay, đã có 4 nước phê chuẩn nếu tính cả Việt Nam) thì Văn kiện sẽ sớm có hiệu lực (từ ngày 16/12/2024).

Do đó, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Chính phủ chỉnh sửa Kế hoạch, xác định cụ thể thời gian hoàn thành các nội dung công việc về xây dựng pháp luật, thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh không có quy định trái với quy định của Hiến pháp Việt Nam và phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào liên quan đến Việt Nam trong Nghị định thư gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh và không có kiến nghị phản đối bảo lưu của Vương quốc Anh; đồng thời, kiến nghị áp dụng toàn bộ nội dung của Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh.

Ở cấp độ dưới luật, dự kiến Chính phủ cần ban hành Nghị định về biểu thuế CPTPP và tiến hành rà soát, nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới để hướng dẫn thực thi các cam kết của Văn kiện, trong đó có cam kết về mua sắm chính phủ và dịch vụ - đầu tư.

Đối với các lĩnh vực còn lại, Việt Nam áp dụng trực tiếp như cơ chế thực thi Hiệp định CPTPP hiện hành, tiếp tục thực hiện theo các văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để thực thi CPTPP từ khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam vào năm 2019.

Việc áp dụng toàn bộ nội dung của Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh như một phần không thể tách rời của Hiệp định CPTPP cũng có nghĩa sẽ bao gồm cả việc áp dụng trực tiếp các cam kết/nhóm cam kết quy định tại Phụ lục 2 về các cam kết áp dụng trực tiếp của Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về phê chuẩn Hiệp định CPTPP đối với Vương quốc Anh.

"Việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - ông Vũ Hải Hà khẳng định.

Ủy ban Đối ngoại trình Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh và đề nghị Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá tác động khi Văn kiện có hiệu lực, so sánh lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đã phê chuẩn Văn kiện. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách nhằm giảm tác động rủi ro với các đối tượng chịu tác động của Văn kiện và bảo đảm lợi ích quốc gia của Việt Nam khi Văn kiện có hiệu lực.

Bên cạnh đó, ban hành Nghị định của Chính phủ về ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong Hiệp định CPTPP để áp dụng với Vương quốc Anh; rà soát việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới hướng dẫn thực thi các cam kết của Việt Nam (trong đó bao gồm cả lĩnh vực về mua sắm chính phủ và dịch vụ - đầu tư) để áp dụng với Vương quốc Anh trong CPTPP; chỉ đạo rà soát các văn bản pháp quy do địa phương ban hành để sửa đổi, bổ sung phù hợp với các nội dung cam kết tại Văn kiện; đảm bảo việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Văn kiện vào thời điểm Văn kiện có hiệu lực.

Mặt khác, triển khai các thủ tục nộp lưu chiểu hồ sơ phê chuẩn Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về cam kết gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh; tăng cường công tác dự báo về thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực để tận dụng hiệu quả những cam kết về mở cửa thị trường của Vương quốc Anh dành cho Việt Nam, đồng thời tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhat-tri-de-xuat-quoc-hoi-phe-chuan-van-kien-gia-nhap-cptpp-cua-vuong-quoc-anh-325032.html