Nhất trí trình Quốc hội phê chuẩn hai hiệp định thương mại và đầu tư với EU tại Kỳ họp thứ 9

Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 28-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012. Sau khi kết thúc đàm phán và tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định thì nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại giữa EU và từng nước thành viên, do đó EU đề xuất tách Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU thành 2 hiệp định riêng biệt, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) chính là toàn bộ nội dung đã được hai bên thống nhất trước đây nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài; Hiệp định này thuộc thẩm quyền phê chuẩn của EU. Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư; Hiệp định này phải được sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và Nghị viện các nước thành viên. Hiệp định EVFTA sau đó được hai bên thống nhất và hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký Hiệp định.

Ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Ru-ma-ni (đại diện Chủ tịch EU) và Cao ủy Thương mại EU đã ký Hiệp định EVFTA. Cũng trong ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Ru-ma-ni (đại diện Chủ tịch EU) và Cao ủy Thương mại EU đã ký Hiệp định EVIPA.

Việc tổ chức đàm phán và ký kết 2 hiệp định giữa Việt Nam và EU là phù hợp với chủ trương và đường lối hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định. Đặc biệt, việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.

Đồng thời, việc Việt Nam ký và phê chuẩn FTA với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19 qua các thị trường CPTPP và EU. Đáng chú ý, về chính trị, trong lúc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch AIPA năm 2020, sẽ góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế...

 Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung tại Tờ trình, Báo cáo thuyết minh và Báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, một số thành viên UBTVQH đề nghị, Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế; đề ra được các giải pháp xử lý bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh chính trị và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc áp dụng tự động hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhóm ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày..., do đó cần đánh giá cụ thể hơn cả tác động tích cực, tiêu cực đến các ngành và nhìn nhận lại năng lực của Việt Nam để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phát huy thế mạnh để tận dụng các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ Hiệp định, có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ hiệp định.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cần giải thích rõ để đại biểu Quốc hội rõ hơn những thách thức, cạnh tranh như thế nào. Ví dụ, lĩnh vực cạnh tranh trong nông nghiệp ra sao, việc tác động với hàng hóa trong nước, hàng rào kỹ thuật của châu Âu, của các nước về chất lượng hàng hóa như thế nào… Vấn đề tổ chức lao động trong các doanh nghiệp, vấn đề cạnh tranh của các nước lớn. Cùng với đó là câu chuyện tham gia đấu thầu trực tiếp đối với Việt Nam ra sao...

Còn Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì cho rằng, việc cho ý kiến vào 2 Hiệp định thể hiện ý chí của Việt Nam trong việc tham gia các Hiệp định, điều ước quốc tế. Tuy vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần dự báo được những khó khăn, thách thức đặt ra khi tham gia 2 hiệp định này.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Việc UBTVQH cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA là rất quan trọng. Hồ sơ, trình tự, thủ tục của 2 hiệp định này đầy đủ, thể hiện quan điểm của Đảng về hội nhập quốc tế. Việc thành công trong đàm phán về 2 hiệp định này không chỉ riêng của đoàn đàm phán mà còn có sự đóng góp không nhỏ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. UBTVQH đều nhất trí sẽ trình ra Quốc hội phê chuẩn 2 hiệp định này tại Kỳ họp thứ 9.

UBTVQH đề nghị tiếp tục rà soát các Luật có liên quan để hoàn thiện thêm một bước khi các Hiệp định có hiệu lực; đề nghị có Nghị quyết riêng của Quốc hội về điều chỉnh mối quan hệ mới này để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam; Nghị quyết này sẽ được trình tại Phiên họp tháng 5 của UBTVQH.

* Cũng trong chiều 28-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 44.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Với tinh thần tập trung, trách nhiệm, quyết tâm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành 6 ngày làm việc cho phiên họp thứ 44, phiên họp dài nhất của UBTVQH từ đầu năm đến nay. Các nội dung đều đã được UBTVQH thảo luận kỹ lưỡng và xem xét thận trọng trước khi quyết định. Tổng Thư ký Quốc hội đã sớm ra thông báo Kết luận của UBTVQH về một số nội dung để các cơ quan hữu quan có căn cứ tiếp thu, hoàn chỉnh các nội dung, tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần hết sức lưu ý, khẩn trương rà soát các nội dung đã có thông báo kết luận tại phiên họp của UBTVQH để phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các báo cáo tờ trình.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với sự vào cuộc quyết liệt, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, đến thời điểm này, cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nước ta đã đạt những kết quả đáng tự hào; giai đoạn nguy hiểm nhất của dịch bệnh đã từng bước qua nhưng không vì thế mà chủ quan, không được lơ là để tránh tái lây nhiễm trong cộng đồng. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan của dịch bệnh, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 sắp tới; đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt bảo vệ thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mặc dù đã qua thời gian nguy hiểm nhất nhưng Quốc hội, UBTVQH vẫn quyết định tổ chức kỳ họp Quốc hội thành 2 đợt, một đợt là trực tuyến, một đợt là họp tập trung nếu tình hình tốt dần lên. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần phải tiếp tục nỗ lực, chủ động hơn nữa triển khai nhiệm vụ, giãn cách xã hội nhưng không nới lỏng công việc, gấp rút hoàn thành các công việc để trình Quốc hội tại kỳ họp. UBTVQH cũng đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương tích cực, chủ động để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, kỳ họp đặc biệt lần đầu tiên Quốc hội tiến hành họp trực tuyến. Trong đó, UBTVQH và Chính phủ sẽ có phiên họp như thông lệ để rà soát lại những nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp.

NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/nhat-tri-trinh-quoc-hoi-phe-chuan-hai-hiep-dinh-thuong-mai-va-dau-tu-voi-eu-tai-ky-hop-thu-9-615399