Nhật từ chối mời Israel tới Nagasaki và phản ứng của phương Tây
Nhật vẫn giữ nguyên quyết định từ chối mời Israel dự lễ tưởng niệm hòa bình năm nay dự kiến diễn ra ở TP Nagasaki, bất chấp sự quan ngại từ đại sứ các nước G7.
Việc Nhật từ chối mời Israel tới dự lễ tưởng niệm 79 năm ngày thành phố Nagasaki bị Mỹ ném bom nguyên tử đã khiến các nhà ngoại giao phương Tây lạnh nhạtvới sự kiện này, hãng tin CNN cho hay.
Mỹ, cùng với các đồng minh châu Âu là Anh, Đức và Ý, đã thông báo không cử đại sứ các nước này tới dự lễ tưởng niệm hòa bình ngày 9-8 tại TP Nagasaki, một trong hai thành phố của Nhật bị Mỹ ném bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Việc phương Tây lạnh nhạt với lễ tưởng niệm hòa bình ở Nagasaki bắt nguồn từ quyết định của Thị trưởng Suzuki Shiro không mời đại sứ Israel tới sự kiện thường niên này.
Các nhà ngoại giao từ hơn 100 quốc gia nhận được lời mời tới lễ tưởng niệm hòa bình ở Nagasaki. Hoạt động chính của lễ tưởng niệm là phút mặc niệm sự kiện Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ hai (mang tên “Fat Man”) xuống Nhật ngày 9-8-1945, ba ngày sau quả bom nguyên tử “Little Boy” được thả ở TP Hiroshima.
Trả lời báo giới hôm 8-8, ông Suzuki cho biết đại sứ các nước G7 và đại diện của Liên minh châu Âu (EU) tại Nhật hồi giữa tháng 7 đã cùng nhau gửi thư bày tỏ quan ngại về quyết định không mời phái đoàn cấp cao của Israel.
Đại sứ Mỹ tại Nhật Rahm Emanuel và các đồng nghiệp phương Tây chỉ trích việc Nagasaki từ chối mời Israel tới dự sự kiện như đánh đồng nhà nước Do Thái với Nga và Belarus - những nước hiếm hoi không được mời vì liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Washington vẫn cử một nhà ngoại giao làm việc trong Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP Fukuoka tới dự lễ tưởng niệm ở Nagasaki, trong khi Đại sứ Emanuel sẽ tham gia phút mặc niệm tại chùa Zojoji ở TP Tokyo.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Đại sứ Israel tại Nhật Gilad Cohen lấy làm tiếc cho quyết định của TP Nagasaki, cho rằng việc từ chối mời Israel tại sự kiện này sẽ “gửi tới thế giới thông điệp sai lầm” và làm chệch hướng thông điệp cốt lõi về hòa bình mà Nagasaki đã thúc đẩy trong nhiều năm qua.
Bất chấp sự bất bình của các nhà ngoại giao phương Tây, Thị trưởng Nagasaki bảo vệ quyết định của mình và giải thích rằng việc từ chối Israel tới dự lễ tưởng niệm hòa bình không vì lý do chính trị. Ông Suzuki cũng bày tỏ thất vọng trước phản ứng của các nhà ngoại giao phương Tây, song mong rằng các đại sứ sẽ tham dự sự kiện từ năm sau trở đi.
Hôm 6-8, sự kiện tưởng niệm tương tự tại Hiroshima đã diễn ra với sự tham gia của cả Đại sứ Mỹ Emanuel, Đại sứ Israel Cohen và đại sứ các nước châu Âu.