Nhạy bén, quyết đoán, mở đường

Đặt những kết quả đạt được trong bối cảnh tình hình cấp bách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tại phiên họp sáng nay, 11.10, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cũng cần phải nhấn mạnh, làm nổi bật sự chủ động, đồng hành, vào cuộc, nhạy bén, quyết đoán và quyết liệt của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nói cách khác, những kết quả đạt được thể hiện quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội, Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị.

Phải có những giải pháp rất cụ thể

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Đồng thời, nêu một số ý kiến như sau:

Trong năm 2022, Quốc hội, Chính phủ cùng với các cấp, các ngành đã và đang chỉ đạo triển khai thực hiện rất quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chủ động, tích cực trong triển khai nhiệm vụ, trong đó nhiều nội dung Quốc hội đã rất chủ động đề nghị với Chính phủ nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và những nội dung liên quan kinh tế - xã hội.

Dẫn ví dụ cụ thể với vấn đề về xăng, dầu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Chúng ta đã rất kịp thời, rất trách nhiệm để cùng với Chính phủ tháo gỡ khi thời điểm giá xăng, dầu tăng cao. Cùng với đó, Quốc hội cũng đã làm việc ngoài giờ hành chính, xem xét quyết định việc giảm thuế... Và đây chỉ là một trong những ví dụ để khẳng định rằng, chúng ta đã rất quyết liệt.

Và thành quả của sự quyết liệt đó cùng sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022, và sự tham gia rất tích cực của các bộ, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan, thì những vấn đề thực tiễn đặt ra đều được chỉ đạo giải quyết. “Chúng ta đã có những kết quả hết sức đáng phấn khởi, tăng trưởng vượt kỳ vọng đặt ra - đây là một điểm sáng rất đáng ghi nhận”, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ, song Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị, trên cơ sở những hạn chế, tồn tại chỉ ra, thì “mỗi nội dung cũng cần phải có giải pháp chỉ đạo mang tính cụ thể để giải quyết”. Ví dụ, giải ngân vốn đầu tư công chậm thì nguyên nhân vì đâu và giải pháp thế nào, thậm chí những nơi chậm cũng phải gắn trách nhiệm, phải kiểm điểm và phải bằng công tác cán bộ, thì mới có thể chuyển biến được, Tổng Thư ký Quốc hội thẳng thắn. Nếu không, cứ như vậy thì sẽ không thay đổi được, chậm vẫn cứ chậm. Phải có những giải pháp rất cụ thể; như thế giải pháp mới khả thi, Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Phấn khởi nhưng không chủ quan

Phân tích kết quả đạt được từ bối cảnh rất đặc biệt, ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ: Chỉ sau 3 ngày Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc, chúng ta đã có bàn thảo trên cơ sở xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Chính phủ đã trình và Quốc hội đã bàn. Đến ngày 28.7.2021, Quốc hội đã ra được Nghị quyết 30/2021/QH15, trong đó cho phép Chính phủ áp dụng một số cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù để ứng phó kịp thời với dịch bệnh. Sau đó, Quốc hội đã liên tục có các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó đã mở đường, tạo điều kiện, đồng hành cùng Chính phủ để Chính phủ ra các Nghị quyết, như Nghị quyết 128, Nghị quyết 11... để quyết định những vấn đề khác với quy định của pháp luật hiện hành. “Đây là một trong những quyết định có tính chất nhạy bén, quyết đoán, có tính chất mở đường và có ý nghĩa lịch sử, chưa có tiền lệ trong hoạt động của Quốc hội”.

Khẳng định điều này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cũng cần phải nhấn mạnh bối cảnh, tình hình nêu trên. Cụ thể là sự chủ động, đồng hành, vào cuộc, nhạy bén, quyết đoán và quyết liệt của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nói cách khác, đó là thể hiện quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội, Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trưởng ban Công tác đại biểu cũng nêu rõ, cần phải thấy rất rõ là Việt Nam đang được đánh giá rất ấn tượng bởi tăng trưởng “hai con số”, lạm phát được kiểm soát ở con số hợp lý, trong khi thế giới đang ngược lại, kinh tế suy giảm trầm trọng và lạm phát tăng cao.

Về những vấn đề cần quan tâm trong năm 2023, theo Trưởng ban Công tác đại biểu, “chúng ta phấn khởi nhưng cũng không chủ quan”, bởi tốc độ tăng trưởng của chúng ta tăng cao là so với năm ngoái chúng ta giảm và tăng thấp. Và, các yếu tố rủi ro về suy giảm kinh tế, bất ổn tài chính thế giới vẫn đang hiện hữu. Thực tế, dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, nguy cơ của dịch đậu mùa khỉ, bất ổn thương mại, thị trường tài chính toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trên thế giới, nguy cơ khủng hoảng năng lượng và lương thực, rủi ro nghĩa vụ nợ quốc gia do ảnh hưởng của lãi suất và tỷ giá ở các nước trên thế giới. Lạm phát tuy được kiểm soát tốt trong 9 tháng qua, chỉ tăng 2,8%, tuy nhiên chúng ta là quốc gia có độ mở thương mại cao, do vậy chính sách luôn có độ trễ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lạm phát của những tháng cuối năm và 6 tháng đầu năm 2023. “Đề nghị các đồng chí rất lưu ý về độ trễ của cùng kỳ những giai đoạn trước, ví dụ với vấn đề lạm phát chúng ta đều có độ trễ khoảng 6 tháng”, Trưởng ban Công tác đại biểu nêu rõ.

Dẫu vậy, theo Trưởng ban Công tác đại biểu, bên cạnh những khó khăn, thì nội tại nền kinh tế nước ta cho thấy, vẫn còn dư địa để có thể đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của 3 tháng cuối năm để cả năm 2022 có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, bù đắp và đỡ gánh nặng cho những năm còn lại của nhiệm kỳ này. Đó là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Cùng với đó, lĩnh vực xuất khẩu cũng đang là lợi thế. Theo kết quả 9 tháng qua, chúng ta vẫn còn dư địa cho cho lĩnh vực xuất khẩu.

Trên cơ sở đồng tình với các giải pháp của Chính phủ và 8 điểm nhấn trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị, cần tiếp tục kiên trì lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững làm căn cứ để đưa ra định hướng chính sách. Chúng ta nhất quyết không vì mục tiêu tăng trưởng trước mắt mà hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn.

Cùng với đó, cần tính toán, đo lường “kịch bản” lạm phát để có các giải pháp phù hợp, thích ứng. Lạm phát thấp sẽ giúp ổn định giá trị đồng tiền nội tệ và duy trì tỷ giá phù hợp, tránh biến động lớn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo duy trì cán cân thương mại và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt.

Liên quan đến vấn đề phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, Trưởng ban Công tác đại biểu chia sẻ quan tâm đến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý theo hướng thận trọng, hiệu quả, đặc biệt chú trọng đến chất lượng tăng trưởng tín dụng để làm sao dòng vốn dẫn dắt được đến ngành sản xuất và xuất khẩu. Bởi lẽ, dư địa và sản xuất liên quan đến xuất khẩu còn khá nhiều, thì vấn đề liên quan đến tín dụng cũng nên dẫn dắt dòng vốn để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế và thủ tục để chúng ta thực hiện tốt nhất giải ngân đầu tư công, tạo ra được động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, cần quan tâm đến đầu tư cho các danh mục xây dựng hạ tầng chiến lược, cơ sở vật chất và công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế và hướng tới mục tiêu tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam, tức là “chúng ta giải ngân cho ngày hôm nay nhưng nghĩ cho tăng trưởng những năm sau và những giai đoạn sau”, Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị.

Anh Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nhay-ben-quyet-doan-mo-duong-i303259/