'Nhạy cảm' chuyện đăng ký kỷ lục thế giới
Đúng ra là hôm nay (20/9), tại Yên Bái, việc xác lập kỷ lục Guinness 5 nghìn người tham gia màn đại xòe trong đêm khai mạc lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò và Khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2019 sẽ diễn ra...
Tuy nhiên, sau công văn của Bộ VHTT&DL đề nghị tỉnh cân nhắc việc tổ chức đăng ký xác lập kỷ lục thế giới, UBND tỉnh Yên Bái thông báo dừng đăng ký kỷ lục thế giới, dù màn biểu diễn vẫn được giữ nguyên.
Trước đó, ngay sau khi Bộ VHTT&DL nhận Công văn số 2521 của UBND Yên Bái xin ý kiến xác lập kỷ lục Guinness “màn đại xòe Việt Nam lớn nhất thế giới”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký Công văn số 3668 phản hồi đề nghị tỉnh cân nhắc việc tổ chức đăng ký xác lập kỷ lục thế giới.
Bộ nêu rõ, tháng 3 vừa rồi Việt Nam đệ trình hồ sơ di sản phi vật thể nghệ thuật xòe Thái đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Hồ sơ do cộng đồng chủ thể của di sản, chính quyền địa phương các cấp có di sản các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái đồng thuận trình và cam kết bảo vệ.
Công văn của Bộ nhắc đến việc UNESCO khuyến nghị các quốc gia đệ trình lưu ý thận trọng trong các biện pháp bảo vệ phát huy giá trị di sản bởi có thể vô tình gây nên sự ganh đua giữa các cộng đồng hoặc giữa các quốc gia, cũng như cần thiết phải lường trước sự nhạy cảm của cộng đồng khác trên khắp thế giới, bởi đảm bảo tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, nhóm người và cá nhân là nguyên tắc cơ bản của Công ước 2003…
Không phải không có nguyên do khi UNESCO đặc biệt lưu ý như trên, bởi đã từng có những sự việc như vậy xảy ra. Singapore và Malaysia từng tranh nhau di sản văn hóa ẩm thực đường phố.
Trước đó, Singapore tuyên bố sẽ đề xuất văn hóa hàng rong vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Singapore được coi là nơi có nhiều khu ẩm thực ngoài trời, nơi những người cung cấp được gọi là “người bán hàng rong” bán các món như thịt gà và cơm, mì và thịt xiên với giá tương đối rẻ. Một số người bán hàng rong thậm chí còn được tặng sao Michelin và các trung tâm hàng ăn được xem như là các nhà ăn cộng đồng tạo thành một phần bản sắc của đất nước.
Nhưng động thái này đã gây ra phản ứng ở Malaysia, bởi người dân nước này tuyên bố thức ăn đường phố của họ, vốn có nhiều nét tương đồng với Singapore, hơn bất cứ thứ gì có bên “hàng xóm”.
Đầu bếp nổi tiếng Malaysia Redzuawan Ismail, thường được biết dưới danh hiệu Chef Wan, đã công khai phản đối khi trả lời phỏng vấn về đề xuất của Singapore. Một đầu bếp khá nổi tiếng khác, ông Ismail Ahmad, nhấn mạnh rằng đất nước của ông mới là một “thiên đường” thức ăn đường phố cần được công nhận.
Nhưng Singapore đã bác bỏ sự phản ứng của Malaysia, lấy lý do là sự xếp hạng của UNESCO gồm nhiều thứ chứ không chỉ là thức ăn; di sản văn hóa thức ăn đường phố kết nối mọi người với nhau, được Chính phủ và ngành thực phẩm hỗ trợ, vì đó chính là cộng đồng…
Dự kiến, năm 2020 sẽ biết kết quả của việc Singapore trình đề cử lên UNESCO có thành công không và từ giờ cho đến lúc đó, những tranh cãi vẫn diễn ra giữa hai quốc gia láng giềng.
Thế mới biết, những chuyện liên quan đến công nhận và bảo tồn di sản cũng rất nhạy cảm…