Choi choi vàng (Pluvialis fulva) dài 23-26 cm, là loài trú đông không phổ biến đến tương đối phổ biến trong cả nước, di cư qua Tây Bắc và Đông Bắc. Sinh cảnh của loài chim choi choi này là vùng ven biển, khu vực khô ráo, vùng canh tác đất thấp. Ảnh: eBird.
Choi choi xám (Pluvialis squatarola) dài 27-30 cm, là loài di cư, trú đông tương đối phổ biến tại các vùng ven biển trong cả nước. Chúng sống ở bãi bùn, cát ngập triều ven biển, bãi biển.
Choi choi chân vàng (Charadrius hiaticula) dài 18-20 cm, là loài lang thang tại Đông Bắc. Chúng sống ở đầm lầy, bãi triều, các ao nuôi trồng thủy hải sản ven biển, bờ các con sông lớn.
Choi choi lớn (Charadrius placidus) dài 19-21 cm, là loài trú đông hiếm đến không phổ biến tại Đông Bắc, Trung Trung Bộ. Chúng được ghi nhận ở ven các con sông lớn, nơi canh tác khô hạn, bãi bùn lầy ven sông, bãi biển.
Choi choi nhỏ (Charadrius dubius) dài 14-17 cm, là loài định cư, hiếm đến tương đối phổ biến tại Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ, trú đông tương đối phổ biến trong cả nước, di cư qua Đông Bắc. Sinh cảnh của chúng là dầm lầy, hồ nước, ao nuôi trồng thủy hải sản ven biển, sông lớn, đồng lúa.
Choi choi khoang cổ (Charadrius alexandrinus) dài 15-18 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Trung Bộ, trú đông không phổ biến đến phổ biến tại Đông Bắc, Trung Bộ và Nam Bộ, di cư qua Đông Bắc. Chúng sống ở bãi biển, các vùng cát và sình lầy ven biển, sông, hồ lớn.
Choi choi lưng đen (Charadrius peronii) dài 14-16 cm, là loài định cư tương đối hiếm tại Nam Bộ. Chúng được ghi nhận ở các bãi biển vắng vẻ, các vùng cát và sình lầy ven biển, thường đi theo đôi. Tình trạng bảo tồn: Sắp bị đe dọa (Sách Đỏ IUCN).
Choi choi Mông cổ (Charadrius mongolus) dài 19-21 cm, là loài di cư, trú đông ven biển tương đối phổ biến trong cả nước (trừ Tây Bắc). Chúng sống ở bãi bùn, cát ven biển, các ao nuôi trồng thủy hải sản ven biến, thỉnh thoảng ghi nhận ở các con sống lớn và sinh cảnh đất ngập nước nội địa.
Choi choi lưng hung (Charadrius leschenaultii) dài 22-25 cm, là loài di cư, trú đông không phổ biến đến phổ biến tại Đông Bắc, Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh của chúng là bãi bùn, cát ven biển, các ao nuôi trồng thủy hải sản ven biến, thỉnh thoảng gặp ở sông lớn trong quá trình di cư.
Te cựa (Vanellus duvaucelii) dài 29-32 cm, là loài định cư không phổ biến đến hiếm tại Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc và Trung Trung Bộ, từng ghi nhận tại Nam Bộ trong quá khứ. Chúng sống ven các con sống lớn và vùng phụ cận. Tình trạng bảo tồn: Sắp bị đe dọa (Sách Đỏ IUCN).
Te vàng (Vanellus cinereus) dài 34-37 cm, là loài trú đông không phổ biến đến tương đối phổ biến tại Đông Bắc, bắc, Trung Trung Bộ và Nam Bộ, di cư qua Đông Bắc. Chúng sống ở vùng đầm lầy, ruộng lúa nước, nơi canh tác, các sinh cảnh ven biển trong mùa di cư.
Te vặt (Vanellus indicus) dài 31-35 cm, là loài định cư, không phổ biến đến phổ biến trong cả nước, gặp nhiều hơn ở Nam Bộ. Chúng sống ở đầm lầy, hồ, các sông lớn, nơi canh tác nông nghiệp.
Mời quý độc giả xem video: Khám phá thế giới của loài bọ ngựa | VTV2.
T.B (tổng hợp)