Nhếch nhác tại các ngôi trường bỏ hoang sau sáp nhập
Thực hiện Quyết định số 2414 về đề án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện (gọi tắt là Đề án 2414), nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp lại, nhiều trường được sáp nhập. Tuy nhiên, hầu hết trụ sở các trường học sau khi sáp nhập không được chuyển công năng sử dụng, cơ sở vật chất bị bỏ hoang, xuống cấp.
Thực hiện Đề án 2414, ngành Giáo dục và Đào tạo sắp xếp các đơn vị trường học giảm 81/521 đơn vị. Cụ thể, khối trung học phổ thông giảm 5/31 trường, khối trung học cơ sở giảm 4/105 trường, khối tiểu học giảm 60/261 trường và mầm non, mẫu giáo giảm 12/123 trường. Sau sáp nhập, ngoài một số trường học được sử dụng làm nhà văn hóa ấp, trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng, số còn lại do không được sử dụng và không quản lý trở nên nhếch nhác, xuống cấp.
Tại huyện Bến Cầu, UBND huyện đã ban hành đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường học công lập trên địa bàn huyện giai đoạn 2018–2021, định hướng đến năm 2025. Sau khi sáp nhập có 18 trường học dôi dư, 10 trụ sở trường học đã chuyển công năng sử dụng làm nhà văn hóa ấp hoặc trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng, 8 trụ sở bỏ hoang.
Ghi nhận tại Trường tiểu học Long Chữ B, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, sau khi sáp nhập với Trường tiểu học Long Chữ A thành Trường tiểu học Long Chữ. Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, học sinh chuyển đến học địa điểm mới, từ đó đến nay ngôi trường Long Chữ B bỏ hoang, nhiều hạng mục bị xuống cấp, rong rêu, cỏ mọc ở mọi nơi.
Một người dân sống gần Trường tiểu học Long Chữ B cho biết: “Phía trong lót gạch men đẹp lắm, mới sửa lại năm trước qua năm sau cái tự nhiên bỏ đi, để trường cỏ mọc cao lắm. Cách đây 2, 3 ngày mới có thầy giáo sống gần trường xịt thuốc cỏ chứ trước cỏ cao muốn đến đầu gối”.
Ông Trần Thanh Mềm- Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu cho biết: Hiện nay, toàn huyện còn 8 trụ sở trường học dôi dư sau khi sáp nhập, cơ sở vật chất trường đã xuống cấp, hết niên hạn sử dụng. Do đó, huyện đề nghị tỉnh bán đấu giá theo Nghị định 167.
Tại thành phố Tây Ninh có đến 9 trụ sở trường học bị bỏ hoang sau khi sáp nhập, cơ sở vật chất đang xuống cấp.
Ông An, một người dân ở gần Trường THCS Nguyễn Trãi tại đường Lạc Long Quân, phường IV, thành phố Tây Ninh cho biết, sau khi sáp nhập trụ sở trường cũ dôi dư, chưa chuyển công năng nên không ai quản lý, cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục hư hỏng.
Mới đây, trường được tạm thời sử dụng làm trụ sở của Ban Chỉ huy công trình hệ thống thoát nước khu vực thành phố Tây Ninh – Hòa Thành (BCH). Tuy nhiên, do xe tải trọng lớn thường xuyên ra vào, cộng thêm việc hạ tầng không được bảo quản, nâng cấp, sửa chữa nên trụ sở Trường THCS Nguyễn Trãi càng xuống cấp, nhếch nhác thấy rõ.
Ông An nói: “Việc sáp nhập trường theo tôi là một chủ trương đúng, được người dân đồng tình, nhưng việc quản lý, thanh lý cơ sở vật chất trường học dư thừa để tránh lãng phí thì chính quyền địa phương và ngành Giáo dục chưa làm được. Như Trường THCS Nguyễn Trãi, sau nhiều năm bỏ hoang, mặc dù được cho mượn tạm thời làm trụ sở BCH nhưng nay cũng đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, lãng phí quá”.
Việc sắp xếp, sáp nhập trường học tại các xã, phường, thị trấn nhằm giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được một số kết quả tích cực. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và chất lượng dạy học.
Thế nhưng, việc để hàng loạt trường học trên địa bàn tỉnh bị bỏ hoang, cơ sở vật chất xuống cấp làm người dân bức xúc, mong chính quyền địa phương và ngành Giáo dục sớm có phương án giải quyết, tránh gây lãng phí tài sản công.