Nhếch nhác trước cổng bệnh viện
Trước cổng nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tồn tại tình trạng xe ôm, xe taxi, hàng rong lấn chiếm vỉa hè và lòng đường. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, mà còn làm xấu đi bộ mặt đô thị của thành phố.
Khi vỉa hè không còn dành cho người đi bộ
Trước cổng nhiều bệnh viện lớn, tình trạng người dân phải chen chúc nhau trên một đoạn vỉa hè nhỏ hẹp để có thể đi vào khám bệnh không hiếm. Nguyên nhân của việc này là vì họ đã bị cản trở bởi những chiếc xe ôm, xe taxi, hàng rong đã án ngữ ngay tại lối vào.
Tình trạng người dân phải đi dưới lòng đường, nhường vỉa hè cho những cá nhân buôn bán hàng quán, xe ôm chen chúc giành giật khách đã trở thành một vấn đề cố hữu, gây bức xúc với nhiều người suốt bao lâu nay.
Chỉ trên một đoạn đường dài 100m dọc bệnh viện Việt Đức (số 40 Tràng Thi), các hàng rong mọc lên nhiều chỗ bán nước, nơi bán đồ ăn. Không chỉ bán hàng theo gánh, nhiều người còn mang cả bàn ghế, nồi niêu đặt tại vỉa hè để kinh doanh. Phần lớn lòng đường ở đây đã trở thành bãi đỗ xe, một phần nhỏ dành cho người đi bộ lại bị những người bán hàng rong lấn chiếm.
Bên cạnh đó, một phần lòng đường ngay sát vỉa hè cũng bị các tài xế xe ôm, taxi dùng làm nơi bắt khách. Để có thể giữ an toàn khi di chuyển, người dân phải luồn lách qua những người bán hàng rong, những người tài xế để di chuyển, vô cùng bất tiện. Chẳng những người đi bộ, nhiều khi những chiếc xe cấp cứu khi phải ra vào cổng bệnh viện cũng phải đợi những người xe ôm, bán hàng rong di chuyển mới có thể tiến vào trong.
Đặc biệt vào những giờ cao điểm, số lượng lớn xe taxi, xe ôm đổ về cổng bệnh viện đón trả khách nhiều khiến cho tình hình giao thông trở nên ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới nhiều hoạt động điều trị, cấp cứu cho những bệnh nhân cần phải nhập viện gấp.
Tương tự như bệnh viện Việt Đức, nhưng tại bệnh viện Bạch Mai còn xuất hiện việc những người bán hàng bày bán ngay trên đường tàu bắc ngang qua cổng bệnh viện. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một quán nước nhỏ nằm ngay trên đường ray (đoạn trước cửa Bệnh viện Bạch Mai), hàng chục người vô tư kê ghế nhựa ngồi uống trên đường ray. Thấy tàu đến gần mới từ từ cầm ghế đứng dậy, coi đó là chuyện rất bình thường. Việc này gây nguy hiểm cho cả người bán cũng như người mua hàng.
Cùng với việc dừng đỗ xe trái phép, bày bán hàng rong thì tình trạng chèo kéo khách cũng rất phổ biến. Từ mời cơm, nhà nghỉ, đến việc chính những người xe ôm giành giật nhau để có khách. Và hầu như khi bị hành khách từ chối, những cò mồi tỏ ra khó chịu, thậm chí là nói những lời rất khó nghe.
Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Khi vừa bước ra khỏi cổng bệnh viện Việt Đức, một nhóm xe ôm ngay lập tức bám lấy mình để mời chào. Tuy nhiên, ngay khi mình từ chối với lý do đã đặt xe từ trước, họ thay đổi ngay thái độ và nói những lời khó nghe’’.
Xử phạt không phải cách duy nhất
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè hay những khu vực xung quanh cổng bệnh viện để làm bãi đỗ, trông và gửi xe đã diễn ra nhiều năm, gây bức xúc cho người dân nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ, vỉa hè lòng đường chỉ được sử dụng với mục đích giao thông, nghiêm cấm các hành vi mua bán, kinh doanh. Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ chịu mức phạt có thể lên đến 40 triệu đồng.
Ở một góc độ khác, với sức chứa của các bãi đỗ tập trung hiện nay chỉ dừng ở khoảng 5 - 7% tổng số lượng phương tiện tham gia giao thông tại nội thành, việc sinh ra những điểm gửi xe tự phát hay chiếm dụng không gian công cộng đã trở thành vấn đề chưa có một giải pháp bền vững. Thực trạng trên là một phần trong bức tranh tổng quát về áp lực giao thông trong lõi đô thị.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông), nhiều địa điểm có thể được sử dụng cho việc xây dựng bãi đỗ nhưng lại trở thành nơi xây dựng của các chung cư, tòa nhà cao tầng hay dịch vụ thương mại. Điều này dẫn đến việc người muốn gửi xe rất khốn đốn vì không có chỗ. “Hà Nội cần phải có tầm nhìn, trách nhiệm để xây dựng các chính sách giải quyết vấn đề này” - ông Thủy nói.
Còn theo TS. Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông): “Một trong những giải pháp hiện nay chưa được chú ý đến là việc kêu gọi vốn doanh nghiệp. Các quy định về giá vẫn đang khiến nhiều nhà đầu tư không mấy mặn mà hay muốn rót vốn xây dựng bãi đỗ tập trung. Mức giá thu phí lại quá thấp so với số vốn phải bỏ ra. Vì vậy, các cơ quan cần phải xem xét và có một chính sách phù hợp tạo điều kiện doanh nghiệp tham gia”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhech-nhac-truoc-cong-benh-vien-5686909.html