Nhện đỏ bùng phát trên cây bưởi

Theo báo cáo của Hội Nông dân xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, một số vườn bưởi đang cho trái của nông dân trên địa bàn xã bị nhện đỏ gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lứa bưởi tết năm nay.

Trồng bưởi đã nhiều năm, nhưng chưa năm nào gia đình anh Nguyễn Duy Khang ở thôn Bình Tiến, xã Nghĩa Bình phải tỉa bỏ nhiều trái bưởi non khi chưa hình thành múi như bây giờ. Nguyên nhân do nhện đỏ phá hại, ăn hết lớp biểu bì, làm trái bưởi loang lổ, mất thẩm mỹ.

Anh Khang cho biết, gia đình có 3 ha bưởi. Năm nay, anh dự tính làm 100 tấn bưởi bán tết nên mẫu mã trái phải đẹp để chưng, nhưng khoảng 3 tháng nay, nhện đỏ bùng phát mạnh, phá hại lá, trái bưởi. Anh đã nhiều lần xịt thuốc nhưng nhện không chết, trái bưởi lớn đến đâu sần sùi đến đó nên đành phải tỉa bỏ để dưỡng cây làm lứa bưởi khác. “Nhện đỏ bùng phát rất nhanh, trong vòng 3 ngày nếu không thăm vườn, không phát hiện kịp thời, nhện đỏ tăng mật độ lên gấp nhiều lần, chúng chích lá và trái bưởi” - anh Khang ngậm ngùi.

Bưởi bị nhện đỏ phá hại phải cắt bỏ

Bưởi bị nhện đỏ phá hại phải cắt bỏ

Anh Nguyễn Duy Khang bần thần trước nạn nhện đỏ phá hại vườn bưởi của gia đình

Anh Nguyễn Duy Khang bần thần trước nạn nhện đỏ phá hại vườn bưởi của gia đình

Nhện đỏ là loại côn trùng phá hại cây trồng phổ biến, thường sống tập trung thành đàn và có khả năng sinh sản nhanh. Chúng có kích thước rất nhỏ nên khó có thể quan sát bằng mắt thường. Nhện đỏ sinh sản và phá hại quanh năm, đặc biệt vào mùa hè và mùa thu từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Nhện đỏ thường gây hại trên các loại rau màu và cây có múi.

Đối với cây bưởi, nhện đỏ xuất hiện trên nhiều bộ phận của cây. Trên lá, nhện sống và chích hút ở 2 mặt lá (mặt dưới nhiều hơn). Khi bị hại nặng, lá non thường nhỏ và xoắn lại, gân lá nổi gồ lên, vết chích hút để lại những chấm nhỏ li ti màu nâu bạc hoặc vàng, gỉ sắt, sau đó lan rộng làm lá mất màu, khô và rụng, quang hợp kém; cây còi cọc, sinh trưởng kém, cho năng suất, chất lượng thấp, khô và chết.

Còn trên trái bưởi, nhện thường tập trung ở cuống và đáy trái. Vết chích hút của nhện khi khô sẽ tạo thành lớp vảy màu nâu đậm như cám gạo làm vỏ sần sùi, rụng trái, giảm giá trị, khó tiêu thụ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.

Bà Ðinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình kiểm tra vườn bưởi của nông dân trên địa bàn xã bị nhện đỏ tấn công

Bà Ðinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình kiểm tra vườn bưởi của nông dân trên địa bàn xã bị nhện đỏ tấn công

Bà Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình cho biết, toàn xã có khoảng 30 ha bưởi đang cho trái, trong đó khoảng 12 ha bị nhện đỏ tấn công, làm giảm năng suất, chất lượng. Nhện đỏ xuất hiện phá hại rất nhanh, nếu nông dân không chủ động thăm vườn thì qua 1, 2 ngày nhện đỏ lây lan ra cả vườn cây. Do vậy, nông dân cần cắt tỉa cành tạo vườn thông thoáng, không trồng dày; bón phân cân đối và xịt thuốc phòng bệnh. “Bà con nên thăm vườn thường xuyên để phát hiện các loại sâu bệnh hại, xịt thuốc phòng bệnh cho vườn cây. Đối với nhện đỏ, nông dân cần quan sát kỹ để có thể phòng trừ ngay từ giai đoạn mới bắt đầu xuất hiện, tránh thiệt hại về kinh tế” - bà Trang khuyến cáo.

“Nhóm nhện gây hại trên cây có múi gồm nhện đỏ, vàng và nhện trắng. Nhện là loài đa thực có thể gặp trên nhiều loại cây trồng khác nhau, chúng tấn công lá, hoa và trái. Nông dân cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm, phòng trừ bệnh hiệu quả” - TS. Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam chia sẻ.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/162421/nhen-do-bung-phat-tren-cay-buoi