Nhen lửa văn hóa đọc, vượt khó xây nền tri thức
Từ phòng đọc báo làng đến thư viện trường học, mạng lưới thư viện ở Thanh Hóa đang từng bước khơi dậy niềm yêu sách trong cộng đồng. Song hành cùng thành quả ấy vẫn là những khoảng trống về cơ sở vật chất, nhân lực và công nghệ, đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ để thư viện thật sự trở thành nền tảng của xã hội học tập.
Mạng lưới rộng khắp, nỗ lực giữ lửa văn hóa đọc
Không ồn ào, rầm rộ, hệ thống thư viện cơ sở từ xã, thôn đến các trường học vẫn lặng lẽ làm công việc “gieo chữ” vào cộng đồng. Theo thống kê từ Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có 27 thư viện cấp huyện, thị xã, thành phố; 445 thư viện xã, phường, thị trấn và hơn 3.290 phòng đọc tại các thôn, bản, khu phố.
Mỗi điểm đến ấy không chỉ lưu giữ hàng nghìn đầu sách mà còn là nơi khơi nguồn cảm hứng, hình thành thói quen đọc và học suốt đời cho người dân.

Thư viện tỉnh Thanh Hóa với kiến trúc hiện đại, là điểm đến quen thuộc của người dân yêu sách trên địa bàn
Nhiều địa phương đã chủ động đầu tư cải tạo không gian đọc, bổ sung đầu sách, tăng thời gian phục vụ, tổ chức các hoạt động ngoại khóa như ngày hội đọc sách, trưng bày sách, thư viện lưu động... Nhờ vậy, văn hóa đọc từng bước được khơi dậy và lan tỏa.
Tại Thư viện Đông Sơn (TP Thanh Hóa) là điểm sáng trong phong trào này. Hiện thư viện có tới 22.000 đầu sách, được phân loại khoa học theo từng nhóm đối tượng như sách thiếu nhi, sách tham khảo, sách nâng cao...
Không chỉ phục vụ tại chỗ, từ đầu năm 2023 đến nay, thư viện đã tổ chức luân chuyển sách đến 4 xã, phường: Đông Quang, Đông Nam, Đông Tiến, Đông Thịnh, với hơn 1.600 đầu sách được đưa xuống tận cơ sở, giúp người dân nông thôn tiếp cận kho tri thức phong phú, đa dạng.
Song hành với thư viện cộng đồng, hệ thống thư viện trường học cũng từng bước được đầu tư, đổi mới. Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo các nhà trường phát triển mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”, “Góc đọc sách ngoài trời”, góp phần xây dựng văn hóa đọc học đường.
Tiêu biểu như Trường THCS Vĩnh Phúc (huyện Vĩnh Lộc), hiện đang vận hành một thư viện “thân thiện” với hơn 2.180 đầu sách. Trường đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động phụ huynh, doanh nghiệp hỗ trợ sách vở, trang thiết bị thư viện.

Thư viện trường Tiểu học Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) được thiết kế gần gũi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận sách và phát triển văn hóa đọc
Ngoài ra, các hoạt động giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề, thi thuyết trình về sách, câu lạc bộ đọc sách... cũng được tổ chức định kỳ, góp phần hình thành thói quen đọc cho học sinh.
Một lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lộc chia sẻ: “Hệ thống thư viện trong trường học đã trở thành một phần quan trọng trong việc chia sẻ tri thức, khơi dậy đam mê đọc sách trong học sinh. Nhiều trường còn mạnh dạn xây dựng thư viện điện tử, ứng dụng công nghệ trong quản lý sách và tìm kiếm tài liệu, hướng tới sự hiện đại, tiện ích cho người dùng”.
Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Dù được ghi nhận với nhiều nỗ lực và thành quả tích cực, nhưng thực tế cho thấy hệ thống thư viện cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn.
Trước hết là tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất và trang thiết bị. Nhiều thư viện xã, phòng đọc thôn bản còn hoạt động trong các phòng nhỏ hẹp, xuống cấp, thiết bị đơn sơ, thiếu ánh sáng, không gian không đáp ứng nhu cầu đọc sách đông người. Một số nơi, thư viện chỉ tồn tại về mặt hình thức, không có người trực, không mở cửa thường xuyên, gây lãng phí.
Nguồn tài nguyên sách cũng là một bài toán khó. Số lượng đầu sách ở các thư viện cơ sở nhìn chung còn hạn chế, nhiều đầu sách đã cũ, nội dung lạc hậu, thiếu tính cập nhật. Những tài liệu phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu theo lứa tuổi hay theo ngành nghề vẫn còn nghèo nàn. Các đầu sách dành cho thanh thiếu niên, học sinh lại càng khan hiếm.

Thực tế cho thấy hệ thống thư viện cơ sở vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất và trang thiết bị
Một trong những rào cản khác là đội ngũ cán bộ thư viện chưa được đào tạo bài bản, đa phần là kiêm nhiệm, thiếu nghiệp vụ quản lý thư viện, chưa chủ động tổ chức các hoạt động chuyên đề nhằm lôi cuốn người đọc. Điều này khiến thư viện trở thành không gian “tĩnh”, ít tương tác, kém hấp dẫn.
Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế. Việc tra cứu, mượn trả sách phần lớn vẫn theo phương thức thủ công, gây bất tiện cho người đọc và mất nhiều thời gian. Các thư viện điện tử, phần mềm quản lý sách tuy đã được một số trường học triển khai, nhưng mới dừng ở mức thử nghiệm, chưa có sự đầu tư đồng bộ và rộng khắp.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống, việc đổi mới hệ thống thư viện đặc biệt là thư viện cơ sở là yêu cầu tất yếu nếu muốn nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc bền vững.
Trước hết, cần có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và tài nguyên sách từ ngân sách nhà nước, đồng thời phát huy nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp không gian đọc tại các xã, thôn và trường học. Việc xây dựng những thư viện xanh, thân thiện, hiện đại không chỉ tạo môi trường học tập lý tưởng mà còn truyền cảm hứng đọc sách cho cộng đồng.
Song song đó, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thư viện chuyên nghiệp, có kỹ năng tổ chức hoạt động, sáng tạo trong xây dựng chương trình nhằm thu hút người đọc, đặc biệt là học sinh, thanh thiếu niên đối tượng quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc lâu dài.
Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống thư viện là giải pháp then chốt để đáp ứng nhu cầu tra cứu, học tập trong thời đại số. Việc ứng dụng phần mềm quản lý thư viện, phát triển thư viện điện tử, tích hợp kho sách trực tuyến sẽ giúp người dân, học sinh ở mọi nơi đều có thể tiếp cận nguồn tài liệu phong phú.
Thư viện cơ sở, dù nhỏ bé, thầm lặng nhưng chính là những “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho xã hội học tập. Việc phát triển bền vững và hiện đại hóa hệ thống thư viện từ cơ sở không chỉ là nhu cầu cấp thiết của ngành văn hóa, giáo dục mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội để tiếp tục lan tỏa tri thức, nuôi dưỡng những thế hệ công dân ham học, ham đọc trong kỷ nguyên mới.