Hành động vô tình khiến người phụ nữ nhiễm khuẩn 'ăn thịt người'

Người phụ nữ 38 tuổi vô tình nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người' do rửa rau bám nhiều đất, trong khi ngón tay đang có vết thương hở.

 Người phụ nữ hồi phục sau hơn 2 tuần được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC.

Người phụ nữ hồi phục sau hơn 2 tuần được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC.

Chị H.T.H. (38 tuổi, ngụ tại TP.HCM) vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định sau 3 tuần sốt cao kéo dài, uống thuốc không khỏi.

Trước đó, chị H. từng về quê ở Thái Nguyên thăm người thân và có triệu chứng sốt, phải nằm viện 5 ngày tại bệnh viện địa phương. Sau đó, người phụ nữ tiếp tục chuyển tuyến lên bệnh viện ở Hà Nội điều trị nhưng tình trạng không giảm, nguyên nhân gây bệnh cũng không được làm rõ.

Sau đó, chị H. trở về TP.HCM, phát hiện gối phải sưng đau nên đến bệnh viện kiểm tra.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thùy Trang, khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, khi nhập viện, bệnh nhân sốt cao (39-40 độ C). Qua khám lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận khớp gối của người bệnh sưng to, sờ ấm, ấn đau, hạn chế cử động. Ngoài ra, bệnh nhân bị cũng khô môi, lưỡi dơ, lừ đừ, hạch cổ sưng to...

"Với những triệu chứng này, chúng tôi xác định người bệnh bị nhiễm trùng, cần xét nghiệm, chọc dịch khớp gối, cấy máu, cấy dịch khớp và dùng kháng sinh phổ rộng ngay lập tức", bác sĩ Trang cho biết.

Kết quả xét nghiệm cấy máu cho thấy bệnh nhân H. nhiễm khuẩn huyết do Burkholderia Pseudomallei (vi khuẩn "ăn thịt người"). Vi khuẩn này gây bệnh Whitmore rất nguy hiểm, có tỷ lệ không qua khỏi cao.

Sau 15 ngày được điều trị kháng sinh, người bệnh đã hết sốt, khớp gối hết sưng, giảm đau nhiều và có thể đi lại bình thường. Các chỉ số xét nghiệm nhiễm trùng cải thiện tốt.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước khi sốt 1 tuần, chị bị đứt tay trong khi làm phụ bếp ở nhà hàng. Trong thời gian này, chị nhiều lần rửa rau dính đất nhưng không mang găng tay. Điều này có thể là nguyên nhân khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Dương Minh Trí, Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền. Vi khuẩn chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán. Người bệnh có thể không qua khỏi do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.

Hiện nay, Whitmore là căn bệnh chưa có vaccine đặc hiệu, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

- Sử dụng đồ bảo hộ đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, người dân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu buộc phải tiếp xúc, mọi người cần sử dụng băng chống thấm và đảm bảo vết thương sạch và vô trùng.

- Những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, mọi người cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hanh-dong-vo-tinh-khien-nguoi-phu-nu-nhiem-khuan-an-thit-nguoi-post1498315.html