Nhiễm khuẩn máu sau tự ý tiêm đau cột sống
Bệnh nhân nam 41 tuổi, đau cột sống nhưng không vào viện điều trị, tìm thầy lang tiêm thuốc vào cột sống, phải cấp cứu.
Bệnh nhân P.X.B. (41 tuổi, trú tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) bị đau cột sống thắt lưng nhiều năm. Gần đây, qua giới thiệu của người quen, anh B. tìm đến một người tự nhận có khả năng điều trị tiêm cột sống.
Sau khi tiêm, không những không đỡ đau mà bệnh tiến triển nặng dần lên, đau cột sống tăng, đau lan xuống mặt sau đùi, sốt cao 39,5 độ C.
Bệnh nhân vào nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sốt cao, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, đau nhiều vùng cột sống thắt lưng.
Các bác sĩ đã làm các xét nghiệm máu ghi nhận có nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus. Sau khi chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng phát hiện hình ảnh rách vòng xơ và thoát vị đĩa đệm L4-L5, L5-S1 có chèn ép rễ.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, người bệnh cắt sốt, đỡ đau cột sống thắt lưng. Hiện, sức khỏe người bệnh đã ổn định.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Thị Hương Giang - Trưởng đơn vị Nội yêu cầu, không phải bệnh nhân nào bị đau cột sống cũng tiêm thuốc. Việc can thiệp sai chỉ định khiến bệnh nặng hơn, như trường hợp trên không rõ tiêm loại thuốc nào, lại thực hiện ở cơ sở kém chất lượng, chưa đảm bảo vô trùng, dẫn đến nhiễm khuẩn từ cột sống lan rộng theo đường máu. Tuy nhiên, bệnh nhân may mắn đến viện kịp thời, được điều trị theo phác đồ, dùng thuốc cắt sốt, sức khỏe ổn định dần.
Tiêm vào cột sống là kỹ thuật chống đau can thiệp với nhiều hình thức khác nhau như tiêm diện khớp, nhánh trong, rễ chọn lọc, ngoài màng cứng, đĩa đệm, lỗ cùng, khớp cùng chậu... Bác sĩ cần có chuyên môn và chỉ định đúng kỹ thuật cho từng bệnh nhân cụ thể, tùy theo tổn thương bệnh lý. Ngoài ra, tiêm vào cột sống hiện nay đòi hỏi thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, C-arm... để đảm bảo tiêm chính xác vào đích tổn thương, sử dụng lượng thuốc tối thiểu và tránh biến chứng.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tuân thủ chỉ định và tới các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị đúng. Không nên nghe lời người bán thuốc, hàng xóm, bạn bè khuyên tới các cơ sở tiêm thuốc trôi nổi "rước hại vào người".
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nhiem-khuan-mau-sau-tu-y-tiem-dau-cot-song-208607.html