Nhiệm kỳ mới sẽ đạt những kết quả toàn diện hơn

Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) là sự kiện chính trị quan trọng mở ra chặng đường phát triển mới của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong bối cảnh mới; đặc biệt khi Thành phố đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng Thủ đô 'Văn hiến - Văn minh- Hiện đại'. Nhân dịp này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai đã chia sẻ với Báo Lao động Thủ đô về thời gian giữ cương vị Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cũng như những góp ý, gợi mở một số vấn đề để hoạt động Công đoàn ngày càng hiệu quả hơn.

Phóng viên: Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn Thủ đô đã đạt được nhiều thành tích với những dấu ấn đậm nét. Đồng chí có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về thời gian giữ cương vị Chủ tịch LĐLĐ Thành phố?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Tôi đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, trong đó thời gian công tác tại LĐLĐ thành phố Hà Nội tuy ngắn, song giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm quý báu, trưởng thành hơn. Nhiệm kỳ qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ phát huy bản lĩnh tổ chức của giai cấp công nhân, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới trong tư duy lẫn hành động nên hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô đã đạt những kết quả toàn diện như đánh giá trong dự thảo Báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2018 - 2023 và phương hướng nhiệm kỳ tới trình Đại hội.

Đồng chí Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Đồng chí Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và lao động khu vực phi chính thức. Điều kiện làm việc, thu nhập, nhà ở, đời sống của người lao động luôn được các cấp các ngành và tổ chức Công đoàn Thành phố quan tâm; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Tình hình quan hệ lao động ổn định, số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc có chiều hướng giảm so với nhiệm kỳ trước.

Như đã nói, tuy công tác tại LĐLĐ thành phố Hà Nội thời gian chưa dài, song điều tôi ấn tượng nhất và rút ra bài học bổ ích chính là yếu tố lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm trong hoạt động của tổ chức Công đoàn. Mọi hoạt động đều phải hướng về cơ sở, cơ sở có mạnh thì tổ chức Công đoàn mới mạnh. Phương châm này đúng với quan điểm, đường lối của Đảng trong mọi hoạt động của tổ chức chính trị là phải gần dân, sát dân, lắng nghe nhân dân và cũng là cụ thể hóa mục tiêu Đại hội XIII của Đảng ta “thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”. Một khi hoạt động hướng mạnh về cơ sở, lấy người lao động là trung tâm thì không những hoàn thành các nhiệm vụ căn cốt của tổ chức mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh - trật tự của Thành phố. Điều cần nói thêm, trong thời gian tôi trên cương vị là Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, cũng là thời điểm Đảng bộ thành phố Hà Nội chuẩn bị tiến hành Đại hội lần thứ XVII, với tư cách là tổ chức của hệ thống chính trị - đoàn thể, Công đoàn Thủ đô và đội ngũ CNVCLĐ Thành phố đã góp phần vào sự thành công của Đại hội.

Phóng viên: Hiện nay, trong vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động Công đoàn và phong trào CNVCLĐ Thủ đô?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Trong vị trí công tác mới, tôi vẫn luôn dõi theo và phối hợp với các cấp Công đoàn để cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ theo chức năng của từng cơ quan.Tôi nhận thấy các cấp Công đoàn Thủ đô đã tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới; xây dựng được niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức Công đoàn. Đồng thời, nâng cao được chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động như: Chính sách việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhà ở và các thiết chế phục vụ đoàn viên, người lao động.

Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng chủ động phối hợp với người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động, kịp thời chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị Người lao động và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và tăng cường giám sát thực hiện Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; chú trọng thương lượng về tiền lương, thưởng, chất lượng bữa ăn giữa ca, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và những vấn đề cơ bản về phúc lợi tiến bộ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động…

Đồng thời, Công đoàn đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên và người lao động. Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng đảm bảo quyền an sinh xã hội và tạo sự khác biệt về quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn so với người lao động, tạo gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên và tổ chức Công đoàn.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đổi mới cách thức tiếp cận cơ sở, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, chú trọng công tác định hướng thông tin trên Internet, Trang Fanpage “Công đoàn Hà Nội”, trang Thông tin điện tử tổng hợp LĐLĐ Thành phố, Báo Lao động Thủ đô và Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở.

Việc phát động, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là các phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, tổ chức các hội thi thợ giỏi… được thực hiện thiết thực, thu hút sự tham gia của đoàn viên, người lao động.

Đồng chí Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội trao quà cho các cháu là con công nhân lao động.

Đồng chí Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội trao quà cho các cháu là con công nhân lao động.

Phóng viên: Theo đồng chí, để phong trào CNVCLĐ hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ mới, các cấp Công đoàn Thủ đô cần chú trọng những vấn đề gì?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Để nâng cao hiệu quả công tác Công đoàn, tôi cho rằng, các cấp Công đoàn cần nhận định một cách toàn diện những thuận lợi, khó khăn khách quan và chủ quan tác động đến hoạt động Công đoàn, đời sống của người lao động, trên cơ sở đó làm tốt công tác định hướng, nắm chắc diễn biến, tình hình tư tưởng người lao động, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người lao động.

Hoạt động Công đoàn phải bám sát quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong tình hình mới theo đúng tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy. Trong quá trình hoạt động phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn; sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, hoạt động Công đoàn phải hướng về cơ sở, coi trọng nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn; coi trọng quyền, trách nhiệm của người lao động khi gia nhập tổ chức Công đoàn và tham gia quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Lựa chọn phong trào thi đua phù hợp cho từng đối tượng, loại hình Công đoàn cơ sở và đặc thù của mỗi cấp Công đoàn Thủ đô để tăng tính hiệu quả.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, đội ngũ cán bộ công nhân, viên chức, người lao động quận Thanh Xuân xin gửi tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII lời chúc tốt đẹp và thành công. Tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố, sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự đổi mới, sáng tạo, Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đạt được những kết quả toàn diện trọng nhiệm kỳ tới, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phương Thảo (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhiem-ky-moi-se-dat-nhung-ket-qua-toan-dien-hon-161222.html