Nhiệm kỳ nhiều thách thức
Quốc hội Philippines ngày 25-5 chính thức tuyên bố ông Ferdinand Bongbong Romualdez Marcos Jr (Ferdinand Marcos Jr), trở thành Tổng thống thứ 17 của đảo quốc Đông Nam Á, sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử diễn ra hồi đầu tháng với hơn 31,6 triệu phiếu bầu - gấp đôi so với đối thủ chính là đương kim Phó Tổng thống Leni Robredo. Tuy nhiên, giới quan sát dự báo, vị Tổng thống 64 tuổi này sẽ có một nhiệm kỳ nhiều thách thức.
Tổng thống thứ 17 của Philippines Ferdinand Marcos Jr (người đứng giữa) giành chiến thắng áp đảo trước các đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2022.
Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr là con trai của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, có bề dày kinh nghiệm chính trị. Ông từng là Phó Thống đốc của Ilocos Norte ở tuổi 23, trước khi trở thành Thống đốc Ilocos Norte giai đoạn 1998-2007, rồi giành được ghế tại Hạ viện Philippines vào năm 2007. Ba năm sau đó, ông trúng cử vào Thượng viện nước này.
Theo kế hoạch, Tổng thống đắc cử Philippines sẽ nhậm chức vào ngày 30-6 tới, mở đường cho tiến trình đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến dịch tranh cử như thúc đẩy phát triển đất nước bằng cách giải quyết những tác động trước mắt của đại dịch, tạo ra việc làm mới, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nông nghiệp, nâng cao sức khỏe cộng đồng và kích cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, để đạt được những mục tiêu này sẽ không dễ dàng vì nhiều lý do.
Thứ nhất, nền kinh tế Philippines đã suy giảm ở mức tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, tính ổn định chưa cao vì phụ thuộc nhiều vào nguồn kiều hối từ lực lượng lao động ngoài nước gửi về. Nguồn tài chính từ hơn 2,2 triệu người làm việc trong các ngành nghề như y tá, thủy thủ, người giúp việc gia đình và lao động xây dựng… chiếm tới 11% trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 373 tỷ USD (năm 2021). Du lịch - chiếm khoảng 10,4% GDP của Philippines, cũng đang chật vật phục hồi sau hàng loạt thiệt hại do đại dịch gây ra.
Thứ hai, Philippines hiện đối mặt tình trạng nghèo đói, tỷ lệ thất nghiệp cao, gia tăng bất bình đẳng và sự chia rẽ chính trị sâu sắc. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát cao được cho là sẽ tác động tới các hộ gia đình bị giảm thu nhập do đại dịch; cơ sở hạ tầng quan trọng ứng phó với các vụ phun trào núi lửa, siêu bão, động đất… còn vô cùng thiếu thốn.
Thứ ba, trên phương diện quốc tế, việc các nước lớn coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm chính trị mới khiến Philippines được dự báo sẽ chịu nhiều áp lực. Nhận thức rõ thách thức, Tổng thống đắc cử Philippines đã có những bước đi ban đầu, bao gồm việc mới đây thảo luận với Mỹ về khả năng gia hạn thỏa thuận hợp tác quân sự có tên Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) - khuôn khổ pháp lý cho phép quân đội của Mỹ hoạt động trên lãnh thổ Philippines. Cùng với đó, nhà lãnh đạo này đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về củng cố quan hệ song phương; thảo luận về các dự án viện trợ với Nhật Bản, tài chính vi mô với Ấn Độ và Hàn Quốc...
Bên cạnh khó khăn, nhiệm kỳ tới đây của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cũng có những thuận lợi nhất định, như việc nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, đạt mức tăng trưởng 5,6% trong năm 2021, sau quý IV-2021 có mức tăng “bùng nổ” 7,7% nhờ các quy định giãn cách chống dịch được nới lỏng. Nền kinh tế nước này hiện cũng được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng tốt nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022.
Giới quan sát cho rằng, trước hàng loạt thách thức to lớn, Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr sẽ cần tận dụng hiệu quả “tuần trăng mật” của nhiệm kỳ - khoảng thời gian 6-12 tháng kể từ khi nhận nhiệm vụ, để nhanh chóng triển khai các các biện pháp mới, đặc biệt táo bạo nhưng cần thiết. Qua đó sớm đưa đất nước đi đúng quỹ đạo phát triển phù hợp với tình hình mới, tạo dựng đà tăng trưởng và thuyết phục được thêm sự ủng hộ của người dân.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/quoc-te/196965/nhiem-ky-nhieu-thach-thuc