Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump - Ý nghĩa đối với Trung Đông và Ukraine
Ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức và bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng ông Trump có thể tạo ra những thay đổi nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Trung Đông và Ukraine.
Khi Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2017, ưu tiên chính sách đối ngoại của ông là theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc. Chính quyền Trump 2.0 nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng đó. Nhưng khi quay trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1, ông Trump cũng sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý 2 cuộc xung đột phức tạp, nóng bỏng mà ông đã may mắn tránh được trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Trong chương trình vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã tự giới thiệu mình với cử tri là một người gìn giữ hòa bình, một nhà lãnh đạo sẵn sàng cắt giảm các thỏa thuận cần thiết để khôi phục trật tự và hạn chế chi phí cho sự tham gia của Mỹ vào các cuộc chiến tranh ở nước ngoài (và các cuộc chiến tranh tiềm tàng). Tổng thống sắp nhậm chức đã lên tiếng đánh giá cao thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, có hiệu lực từ ngày 19/1.
Ngoài cuộc chiến ở Gaza, cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào những thay đổi tích cực mà nhà lãnh đạo Mỹ có thể mang lại trong cuộc đối đầu Israel với Hezbollah, và có thể là với Iran, cũng như cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.
Tình hình Trung Đông
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas chính thức có hiệu lực từ ngày 19/1 cho phép các bên tạm dừng giao tranh và trả tự do cho một số con tin mà Hamas đang giam giữ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thỏa thuận này còn tương đối mong manh và rất khó có thể đem lại hòa bình toàn diện cho dải Gaza. Điều này đặt ra kỳ vọng về một chiến lược lớn có thể có của Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy hòa bình ở dải Gaza, cũng như khu vực Trung Đông.
Tổng thống Donald Trump có quan hệ chặt chẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các nhà lãnh đạo của các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh. Đây là nơi ông bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, với các chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Ả Rập Xê Út và Israel. Trung Đông cũng là nơi ông đạt được thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu. Hiệp định Abraham giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập, trong bối cảnh những bất đồng giữa hai bên kéo dài nhiều thập niên.
Ngay trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng, Trung Đông chứng kiến một biến động bất ngờ, quân nổi dậy Syria đã lật đổ Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Đến nay tình hình ở Syria vẫn diễn biến phức tạp khi chính phủ chuyển tiếp đang gặp khó trong việc cân bằng quyền lực giữa các lực lượng chính trị trong nước, cũng như sự can thiệp của các nước trong và ngoài khu vực. Israel đã tận dụng cơ hội để tiến hành chiến dịch quân sự nhằm tạo ra một vùng đệm an ninh chiến lược rộng lớn ở khu vực biên giới với Syria.
Nhưng câu hỏi lớn nhất ở Trung Đông vào năm 2025 có lẽ vẫn là nguy cơ một cuộc chiến tranh trên diện rộng giữa Israel và Iran. Trong năm 2024, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thành công trong việc làm tê liệt phong trào Hamas ở dải Gaza và lực lượng Hezbollah ở Lebanon khiến Tehran mất đi những lực lượng ủy nhiệm có giá trị nhất trong “Trục kháng chiến”. Các nhà lãnh đạo Iran hiểu rằng, vai trò, vị thế của Iran ở khu vực đã bị suy giảm đáng kể và đất nước chưa bao giờ dễ bị tổn thương như bây giờ. Ngược lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có động lực lớn để tấn công Tehran và phá hủy chương trình hạt nhân của đối thủ. Các nhà lãnh đạo Iran cũng hiểu rằng họ sẽ phải đối mặt với một chính quyền cứng rắn, hung hăng hơn ở Washington vào năm 2025. Vụ ám sát chỉ huy đơn vị tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qasem Soleimani chứng minh cả sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của Tổng thống Donald Trump với Iran lẫn sự bất lực của Tehran trong việc giải quyết căng thẳng với Mỹ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng ý thức được rằng không thể tấn công vào các cơ sở hạt nhân ngầm, sâu được bảo vệ nghiêm ngặt của Iran nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ. Một cuộc tấn công sẽ đòi hỏi nhiều đợt ném bom phối hợp quy mô lớn mà chỉ quân đội Mỹ mới có thể thực hiện. Bất kỳ một cuộc tấn công nào cũng sẽ thúc đẩy Iran tiến hành các hành động trả đũa cứng rắn và gây ra mối đe dọa rất lớn. Bản thân ông Trump vẫn nhiều lần khẳng định, ông sẽ không để Mỹ tham gia vào cuộc chiến của quốc gia khác. Với những rủi ro đối với tất cả những bên liên quan, cộng đồng quốc tế kỳ vọng nhìn thấy một động thái thúc đẩy ngoại giao rộng rãi giữa Mỹ với Iran vào năm 2025. Một thỏa thuận tiềm năng sẽ đặt ra các hạn chế tên lửa đạn đạo đối với Iran; Iran cũng sẽ phải chấm dứt các hoạt động hỗ trợ cho các nhóm chiến binh trong khu vực để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tổng thống theo chủ trương cải cách của Iran Masoud Pezeshkian hiện vẫn đang để mở cánh cửa đàm phán với phương Tây. Và việc ông Pezeshkian chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran vào năm 2024 cũng đã thể hiện phần nào mong muốn của người dân Iran trong việc hạ nhiệt căng thẳng với phương Tây. Như vậy, khả năng đạt được một thỏa thuận ổn định tại Trung Đông hiện đang phụ thuộc vào cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump - vào việc ông cân nhắc như thế nào giữa lợi ích mà Mỹ có thể đạt được trong việc đẩy “nóng” căng thẳng hay thúc đẩy một thỏa thuận ngoại giao với Iran.
Vấn đề Ukraine
Trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine càng trở nên “nóng” hơn. Chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden và một số quốc gia châu Âu đã cho phép quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Biden cũng đã cung cấp mìn và nhiều vũ khí hiện đại cho Kiev nhằm làm chậm bước tiến của quân đội Nga ở phía đông Ukraine. Mục tiêu của Mỹ và đồng minh là củng cố vị thế của Tổng thống Volodymyr Zelensky trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai. Moscow ngay lập tức đáp trả động thái của Mỹ và phương Tây bằng một loạt đe dọa về Thế chiến III và tấn công thành phố Dnipro của Ukraine bằng một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạt hạt nhân Oreshnik.
Chiến sự leo thang tại Ukraine là một phép thử khó khăn đối với Tổng thống Donald Trump để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Moscow mô tả Tổng thống Donald Trump như một sự thay thế tích cực cho chính quyền Tổng thống Joe Biden “hiếu chiến”, trong khi đó cục diện hiện nay đã đẩy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: chấp nhận một thỏa thuận do Tổng thống Trump làm trung gian, trong đó nhiều khả năng sẽ phải nhượng bộ lãnh thổ, hay sẵn sàng thách thức Tổng thống Trump và hy vọng các đồng minh ở châu Âu sẽ giúp đỡ.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang chuẩn bị cho sự trở lại của Tổng thống Donald Trump. Châu Âu lo ngại rằng, ông Trump khó có thể đưa các nước này vào các kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine, và hiện tại các nước này đang nỗ lực để duy trì sự thống nhất của châu Âu trước cả Donald Trump và Vladimir Putin. Theo quan điểm từ nhiều nước châu Âu, tương lai của Ukraine và “các mối đe dọa” từ Nga còn quan trọng hơn so với Washington. Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic và các nước Bắc Âu đều sẽ cảm thấy bị đe dọa bởi bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm buộc Ukraine phải đàm phán trong thế yếu với Nga. Mặc dù họ biết rằng, cái giá cho việc duy trì ủng hộ Kiev trong cuộc đối đầu với Nga là rất lớn.
Câu hỏi trong năm 2025 là liệu người châu Âu có tiếp tục ủng hộ Ukraine nếu Tổng thống Donald Trump đảo ngược chính sách của Mỹ đối với Kiev hay không? Người châu Âu hiện nay cũng đang bị chính Tổng thống Donald Trump gây sức ép trong vấn đề thu hẹp thâm hụt thương mại giữa hai bên và gia tăng mức chi tiêu cho quốc phòng. Trong bối cảnh đó, liệu người châu Âu có sẵn sàng thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và coi đây là một giải pháp dài hạn chống lại sự phụ thuộc liên tục vào quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương ngày càng gặp nhiều rắc rối?
Có thể khẳng định, chưa bao giờ vai trò của Mỹ trên thế giới lại trở nên khó đoán như hiện nay. Tổng thống Donald Trump vẫn luôn biết cách khiến thế giới bất ngờ bằng các quyết định thất thường. 3 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây nhất đã tạo ra những thay đổi đột ngột trong các ưu tiên và chính sách của Mỹ - từ Barack Obama sang Donald Trump, Donald Trump sang Joe Biden, và bây giờ là Joe Biden trở lại Donald Trump. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine có thể kết thúc vào năm 2025 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhưng đây quả thực là nhiệm vụ không dễ dàng vì tất cả các bên tham chiến đều chưa có cái nhìn đủ rõ ràng về tương lai để giải quyết những bất đồng sâu sắc giữa họ. Vẫn còn sự khác biệt rất lớn giữa các giải pháp toàn diện và các thỏa thuận mong mạnh có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Do đó, cần có một yếu tố khác biệt, tạo ra đột phá, bước ngoặt để mang lại hòa bình lâu dài cho Trung Đông và Ukraine, mà không ai phù hợp hơn, được kỳ vọng nhiều hơn Tổng thống Mỹ Donald Trump.