Nhiễm trùng nặng vì bôi cao sim chữa bỏng bô xe máy
Thay vì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân lại sử dụng cao sim để bôi, tự chữa bỏng khiến vết thương nhiễm trùng, viêm loét sâu và co kéo nghiêm trọng các khớp ngón tay...
Đại diện Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, mới đây đơn vị đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân nam Đ.V.Đ (28 tuổi, trú tại thôn 15, xã Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên). Đây là một trường hợp bỏng nặng gây biến chứng nghiêm trọng do tự chữa trị không đúng cách bằng cao sim.
Theo lời kể của bệnh nhân Đ., trong lúc sửa xe giúp bố đã vô tình chạm tay vào ống bô xe máy còn nóng, dẫn đến bỏng vùng mu bàn tay và các ngón tay.
Sau khi xảy ra tai nạn, bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên để rửa vết bỏng và được hướng dẫn chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, thay vì tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân lại sử dụng cao sim - một loại cao bôi truyền thống để tự chữa bỏng. Việc bôi cao sim không chỉ khiến vết thương không lành mà còn dẫn đến nhiễm trùng, viêm loét sâu và co kéo nghiêm trọng các khớp ngón tay, gây ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động.
Hơn 1 tháng sau, bệnh nhân nhập viện lần thứ hai trong tình trạng nhiễm trùng nặng, vết bỏng chảy dịch mủ viêm kèm đau nhức, vận động khó. Bệnh nhân được đội ngũ y bác sĩ tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên tiến hành đánh giá toàn diện: vết bỏng nhiễm trùng, chảy dịch mủ, bị hoại tử sâu, da và mô mềm tại khu vực tổn thương bị mất, co kéo; các khớp đốt bàn ngón I, II, IV,V tay phải bị dính khiến bệnh nhân không thể cử động ngón tay.
Để khôi phục chức năng tay, bệnh nhân được thực hiện cắt lọc loại bỏ hoại tử và tổ chức nhiễm trùng, xơ dính, giải phóng gân các ngón; đồng thời nẹp duỗi các ngón tay bị co rút, phẫu thuật ghép da tay cho bệnh nhân.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ mô hoại tử làm sạch hoàn toàn vùng tổn thương để ngăn chặn sự lan rộng của nhiễm trùng, cắt bỏ các mô sẹo co rút, gỡ dính các tổ chức xơ và hệ thống gân gấp. Ghép da mỏng tự thân từ cẳng tay của bệnh nhân được lấy để ghép vào vị trí bỏng.
Quá trình ghép được thực hiện tỉ mỉ nhằm đảm bảo độ bám của da ghép và khả năng phục hồi. Sau ghép da, các bác sĩ đã tiến hành cố định tay và hướng dẫn bài tập phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân dần lấy lại khả năng cử động.
Hiện, bệnh nhân đang được theo dõi và phục hồi chức năng dưới sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y tế. Sức khỏe bệnh nhân ổn định, vùng da ghép bắt đầu bám dính và cải thiện tốt.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Hoàn – Khoa Ngoại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, cao sim trước đây được xếp vào nhóm se khô màng có tác dụng làm khô tổ chức bỏng để chuyển sang giai đoạn tái tạo, biểu mô hóa. Cao sim thường được sử dụng sau giai đoạn tiết huyết tương và nhiễm khuẩn (ít nhất 3 – 14 ngày sau bỏng).
Tuy nhiên, theo sự phát triển của Y học hiện đại, hiện nay đã thay thế các chất se màng truyền thống bằng các thuốc se khô, rụng hoại tử giúp liền thương theo sinh lý tránh sẹo bỏng mà còn khắc phục được nhược điểm