Nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng từ châm cứu, 1 người bị áp xe cổ nặng

Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 56 tuổi, ở Hải Phòng với tình trạng 'áp xe cổ' sau khi người này châm cứu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Qua khai thác cho thấy người bệnh có tiền sử thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nhiều năm, thường xuyên đau vai gáy và vận động cổ khó khăn. Gia đình và người bệnh đã quyết định tìm đến phương pháp điều trị châm cứu, thủy châm…

Gần đây, người bệnh xuất hiện sốt, đau cổ tăng, gia đình đã lập tức đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức) cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng, đau cổ nhiều, nuốt vướng.

Trên phim chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ xác định có 2 ổ áp xe phía trước cột sống và cạnh cổ trái. Người bệnh đã được chỉ định phẫu thuật nhằm dẫn lưu, phá bỏ ổ áp xe, kết quả vi sinh đúng như dự đoán từ trước là nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.

Kíp mổ có sự phối hợp các bác sĩ khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng của bệnh viện. Ngay sau phẫu thuật, người bệnh đã đỡ khó thở, ngày thứ 3 ăn uống trở lại bình thường, người bệnh ổn định và đã ra viện sau 7 ngày phẫu thuật.

Lãnh đạo Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương đang xem phim chụp 2 ổ áp xe của bệnh nhân

Lãnh đạo Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương đang xem phim chụp 2 ổ áp xe của bệnh nhân

PGS.TS Nguyễn Đức Chính, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương BV Việt Đức cho biết:Thực tế điều trị châm cứu cũng như điều trị đông y đã có từ lâu và hiệu quả trong nhiều bệnh lý. Tuy nhiên cũng như những can thiệp điều trị cần tuân thủ việc vô khuẩn vô trùng khi thực hiện kỹ thuật. Vi khuẩn phân lập được là bằng chứng việc lây nhiễm dụng cụ. Hơn nữa chúng tôi cũng khuyến cáo áp xe trung thất là bệnh lý nặng và phức tạp cần được phát hiện và xử lý sớm ở các trung tâm y tế có uy tín.

Áp xe trung thất là một bệnh lý nhiễm trùng nặng của tổ chức liên kết nên có tính chất lan rộng, đặc biệt những trường hợp lan rộng vùng ngực rất nguy hiểm nguy cơ tử vong cao do biến chứng vỡ vào mạch máu lớn, vào màng tim, tràn mủ màng phổi.

Mặc dù có những tiến bộ về điều trị và hồi sức nhưng cho đến nay tử vong do bệnh lý áp xe trung thất vẫn cao (gần 60% trong một số các báo cáo). Bệnh nhân chủ yếu tử vong trong bệnh cảnh nhiễm trùng nhiễm độc nặng hoặc chảy máu cấp tính.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/nhiem-vi-khuan-tu-cau-vang-tu-cham-cuu-1-nguoi-bi-ap-xe-co-nang-633787/