Nhiễm virus hợp bào hô hấp trong năm đầu đời có thể gây tăng nguy cơ bị bệnh hen ở trẻ
Trẻ em bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) trong năm đầu đời thì có nguy cơ mắc bệnh hen cao hơn trẻ không nhiễm virus hợp bào hô hấp. Đây là kết quả một nghiên cứu mới được đăng trên Tạp chí The Lancet.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Tina Hartert tại Trung tâm nghiên cứu Khoa học môi trường và bệnh hen thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho biết: "Trong 60 năm qua, các nhà khoa học đã nhiều lần tìm hiểu mối liên quan giữa nhiễm virus hợp bào hô hấp nặng và bệnh hen. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm ra mối liên quan này một phần là do đặc tính di truyền chung giữa tình trạng nhiễm virus hợp bào hô hấp nặng và bệnh hen. Giải pháp trong nghiên cứu của chúng tôi là xem xét mối liên quan giữa nhiễm virus hợp bào hô hấp và bệnh hen bằng cách đảm bảo tất cả các trường hợp nhiễm virus hợp bào hô hấp sẽ được ghi lại bằng kỹ thuật phân tử và huyết thanh học sau mùa dịch".
Theo các chuyên gia, hầu như tất cả trẻ em đều bị nhiễm virus hợp bào hô hấp khi được 2 tuổi. Virus hợp bào hô hấp là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp dưới kèm theo ho và thở khò khè ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các triệu chứng biểu hiện nhẹ ở hầu hết trẻ em và thường kéo dài 1 tuần. Tuy nhiên, nhiễm virus hợp bào hô hấp cũng có thể dẫn đến tình trạng nặng và tử vong, đặc biệt ở trẻ sinh non hoặc trẻ nhỏ và những trẻ mắc bệnh phổi mạn tính hoặc bệnh tim bẩm sinh.
Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Christian Rosas-Salazar, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Vanderbilt, cho biết: "virus hợp bào hô hấp là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ phải nhập viện trên toàn thế giới do các vấn đề về hô hấp trong năm đầu đời".
"Trong nghiên cứu, những đứa trẻ khỏe mạnh sinh đủ tháng, không bị nhiễm virus hợp bào hô hấp trong năm đầu đời có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh hen ở trẻ em, căn bệnh ảnh hưởng đến khoảng 8% trẻ em ở Mỹ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối liên quan phụ thuộc vào tuổi giữa nhiễm virus hợp bào hô hấp trong thời thơ ấu và bệnh hen ở trẻ em" - Rosas-Salazar cho biết thêm.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu năm đầu đời của trẻ vì họ cho rằng: "Khi một đứa trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp vào năm đầu đời, trong khi phổi và hệ thống miễn dịch vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, điều này có thể dẫn đến một số bất thường mà sau này có thể gây ra bệnh hen".
Nghiên cứu bao gồm hơn 1.900 trẻ khỏe mạnh từ 6 tháng tuổi trở xuống khi bắt đầu mùa nhiễm virus hợp bào hô hấp (từ tháng 11 đến tháng 3 ở tiểu bang Tennessee, Mỹ). Trong đó, có khoảng 54% trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp trong năm đầu đời, trong khi 46% còn lại không bị nhiễm. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra trẻ hàng năm và đánh giá chúng về bệnh hen ở tuổi lên 5.
Kết quả cho thấy, trẻ không bị nhiễm virus hợp bào hô hấp trong năm đầu đời có nguy cơ mắc bệnh hen thấp hơn 26% khi lên 5 tuổi.
Các nhà khoa học hy vọng rằng: "Kết quả nghiên cứu này sẽ thúc đẩy việc theo dõi lâu dài tình trạng hô hấp ở trẻ em trong các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra đối với các sản phẩm phòng ngừa virus hợp bào hô hấp, bao gồm vaccine và kháng thể đơn dòng".
"Việc chứng minh hiệu quả của vaccine phòng virus hợp bào hô hấp đối với bệnh hen ở trẻ em sẽ giúp làm tăng sự quan tâm đến sức khỏe cộng đồng và việc sử dụng vaccine" – Các nhà hoa học cho biết thêm.
Mời xem video nhiều người quan tâm: