Nhiệm vụ 'bất khả thi' của Ngoại trưởng Mỹ: Giành lại kênh đào Panama
Ngoại trưởng Mỹ đã có mặt tại Panama City với một sứ mệnh đầy tham vọng từ Nhà Trắng, một động thái táo bạo khiến chính quyền Panama không khỏi dè chừng.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có mặt tại Panama vào cuối tuần qua với một nhiệm vụ quan trọng: giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama – công trình do Mỹ xây dựng mà Tổng thống Donald Trump cho rằng lẽ ra không bao giờ nên trao cho quốc gia Trung Mỹ này cách đây 25 năm.
Yêu cầu này ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội. Tổng thống Panama José Rául Mulino gọi đây là điều “bất khả thi”, trong khi các nhà lãnh đạo khu vực cực lực chỉ trích. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định đây có thể chỉ là đòn mở đầu để đàm phán về việc giảm phí vận chuyển hàng hóa của Mỹ qua kênh đào hoặc thúc đẩy hợp tác về vấn đề di cư.
Dưới sức ép liên tục của ông Trump, Tổng thống Panama hôm 3/2 bất ngờ tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên rút khỏi sáng kiến này.
Nhưng ông Trump không vẫn chưa muốn dừng ở đó. “Chúng ta sẽ lấy lại nó”, ông từng tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức, và Rubio cũng không có dấu hiệu lùi bước. “Tổng thống đã nói rõ rằng ông muốn Mỹ quản lý kênh đào trở lại”, ông Rubio nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Megyn Kelly hôm thứ Năm.
Cuộc đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra tại Panama, điểm dừng chân mở màn trong chuyến công du của ông Rubio đến khu vực Trung Mỹ, bao gồm El Salvador, Guatemala, Cộng hòa Dominica và Costa Rica.
Việc chọn Trung Mỹ làm điểm đến đầu tiên – thay vì châu Âu hay châu Á như các Ngoại trưởng tiền nhiệm – phản ánh sự chú trọng của ông Rubio với khu vực này với tư cách là Ngoại trưởng gốc Latinh đầu tiên của Mỹ, đồng thời thể hiện định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Trump: tập trung vào khu vực Tây Bán Cầu.
Nước đi rủi ro
Tuy nhiên, yêu cầu giành lại quyền kiểm soát kênh đào không chỉ gây tranh cãi mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn.
Việc ông Trump không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu này đã khiến nhiều nước Mỹ Latinh tức giận. Họ vẫn chưa quên quá khứ can thiệp quân sự và các chiến dịch lật đổ của CIA trong khu vực suốt thế kỷ 20.
Giới chức Mỹ cho rằng hợp tác với các nhà lãnh đạo Trung Mỹ sẽ là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu lớn hơn của ông Trump, như kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Tây Bán Cầu và siết chặt kiểm soát nhập cư, bao gồm cả việc thuyết phục các nước tiếp nhận người bị trục xuất khỏi Mỹ.
Tổng thống Panama Mulino, dù lãnh đạo một chính phủ thân Mỹ, vẫn khẳng định chủ quyền của nước này đối với kênh đào. “Tôi không thể đàm phán về chuyện đó. Việc này đã xong rồi. Kênh đào thuộc về Panama”, ông tuyên bố gần đây.
Kênh đào Panama, một công trình mang tính biểu tượng do Mỹ xây dựng vào đầu thế kỷ 20, đã được chuyển giao cho Panama vào năm 1999 theo hiệp ước do Tổng thống Jimmy Carter ký kết từ trước đó.
Đây là một thỏa thuận mà ông Trump không ngừng chỉ trích. “Trao kênh đào Panama cho Panama là một sai lầm lớn”, ông Trump nói trước tang lễ của Tổng thống Carter. “Chúng ta đã mất 38.000 người và tốn hàng nghìn tỷ USD”.
Phí vận chuyển và những tính toán chiến lược
Ông Trump cũng cáo buộc Panama cho phép Trung Quốc hiện diện quân sự tại kênh đào. Tuyên bố này là sai sự thật. Trên thực tế, một công ty có trụ sở tại Hong Kong, CK Hutchison Holdings, đã vận hành hai cảng biển tại khu vực này trong nhiều thập kỷ."
Mauricio Claver-Carone, đặc phái viên của ông Rubio về khu vực Mỹ Latinh, cho biết chính quyền Trump sẽ đặt vấn đề về “sự xâm nhập của các công ty và nhân tố Trung Quốc trong khu vực kênh đào” lên bàn đàm phán.
Ngoài ra, ông Trump cũng cáo buộc Panama áp đặt mức phí cao hơn đối với hàng hóa Mỹ đi qua kênh đào – một cáo buộc bị giới chức Panama bác bỏ. Tuy nhiên, ông Rubio cho biết phí vận chuyển sẽ là một trong những nội dung đàm phán quan trọng. “Chúng ta lẽ ra phải được giảm giá, thậm chí đi qua miễn phí, vì chính chúng ta đã xây dựng nó”, ông nói.
Theo María Fernanda Bozmoski, chuyên gia về Trung Mỹ tại Hội đồng Đại Tây Dương, Panama sẽ nỗ lực bảo vệ lập trường rằng chủ quyền của họ đối với kênh đào là bất khả xâm phạm, đồng thời bác bỏ những cáo buộc về sự kiểm soát của Trung Quốc.
Về phía Mỹ, thành công trong các cuộc đàm phán có thể giúp ông Trump đạt được một số nhượng bộ: từ việc Panama ủng hộ chính sách nhập cư của Mỹ, hạn chế đầu tư của Trung Quốc, đến ưu tiên tàu hàng Mỹ khi qua kênh đào.
“Vấn đề trục xuất người nhập cư sẽ là ưu tiên trong tất cả các điểm dừng chân của ông Rubio”, Shannon O’Neil, chuyên gia Mỹ Latinh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định. “Mỹ đặc biệt muốn thuyết phục các nước Trung Mỹ nhận lại những người bị trục xuất, kể cả những người không mang quốc tịch của của những nước này”.