Nhiệm vụ biên phòng

Quy định 'nhiệm vụ biên phòng' trong Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) - cơ sở pháp lý thống nhất và gắn kết trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Kim Nhượng

Điều 5, Luật BPVN quy định về nhiệm vụ biên phòng, với 7 nhóm vấn đề như sau:

“1. Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia.

2. Quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở khu vực biên giới.

3. Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

4. Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới.

5. Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện biên giới, phòng thủ dân sự; phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới.

6. Hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài.

7. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang”.

Đây là một trong những quy định mới được chính thức ghi nhận trong Luật BPVN. Vì thế, theo quy định của Điều 35, Luật

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến về dự án luật, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan đề xuất chính sách đó có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách. Đánh giá tác động của chính sách là việc phân tích, dự báo tác động của chính sách đang được xây dựng đối với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách.

Tác động của chính sách được đánh giá gồm: Tác động về kinh tế; tác động về xã hội; tác động đối với hệ thống pháp luật và tác động về giới, tác động của thủ tục hành chính (nếu có). Tại Báo cáo số 13176/BC-BQP ngày 25-11-2019 của Bộ Quốc phòng về đánh giá tác động chính sách dự án Luật BPVN, Bộ Quốc phòng đã trình bày đầy đủ các nội dung có liên quan và xác định rõ vấn đề bất cập, mục tiêu, giải pháp giải quyết vấn đề. Trên cơ sở phân tích các tác động của chính sách với những ưu điểm, hạn chế cụ thể, Bộ Quốc phòng đề xuất phương án quy định nhiệm vụ biên phòng trong Luật BPVN.

Quy định nhiệm vụ biên phòng trong Luật BPVN đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-4-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược quốc phòng Việt Nam”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”.

Trong đó, quy định trên được hình thành trên cơ sở quán triệt sâu sắc “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, phù hợp với mục tiêu chung “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia...; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước” và mục tiêu cụ thể “Phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm biên giới quốc gia, phá hoại mốc quốc giới, cửa khẩu, công trình biên giới trên đất liền, trên biển, đảo...”; “Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng và lực lượng chức năng của các nước có liên quan;... quản lý, bảo vệ đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

Quy định của Luật BPVN về nhiệm vụ biên phòng đã tạo cơ sở thống nhất và gắn kết trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Thực tế hiện nay, tham gia vào hoạt động xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có nhiều chủ thể thuộc các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương như: Công an, BĐBP, Cảnh sát Biển, Cảng vụ, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm dịch, Kiểm ngư, Quản lý thị trường... Nhiệm vụ của các cơ quan này trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được quy định tại nhiều văn bản khác nhau. Điều này dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành.

Với việc quy định nhiệm vụ biên phòng trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao - Luật BPVN sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thống nhất về nhận thức, tạo căn cứ pháp lý đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Đây cũng chính là cơ sở để cụ thể hóa nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Quy định về nhiệm vụ biên phòng đã có sự phân biệt rõ ràng với nhiệm vụ của BĐBP (tại Điều 14, Luật BPVN) và không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, lực lượng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Trong đó, nhiệm vụ biên phòng là nhiệm vụ chung, khái quát của cả hệ thống chính trị. Nhiệm vụ của BĐBP là nhiệm vụ cụ thể của lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, quy định về nhiệm vụ biên phòng có mối quan hệ mật thiết với các quy định khác trong Luật BPVN như: Nguyên tắc, lực lượng, phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng...

Như vậy, trong quy định của Luật BPVN, bên cạnh việc kế thừa những quy định pháp luật có liên quan, đã ghi nhận nhiều quy định mới, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Một trong những quy định mới, lần đầu tiên được quy định là “nhiệm vụ biên phòng”.

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Huế - Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhiem-vu-bien-phong-post436360.html