Nhiệm vụ cấp bách
Hội nghị cấp bộ trưởng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa bế mạc, cam kết đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học. Hội nghị một lần nữa khẳng định mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 nhằm tăng nguồn tài chính cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Hội nghị cấp bộ trưởng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa bế mạc, cam kết đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học. Hội nghị một lần nữa khẳng định mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 nhằm tăng nguồn tài chính cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tại hội nghị, do Anh chủ trì theo hình thức trực tuyến, các bộ trưởng của G7 thể hiện quyết tâm của các cường quốc đi đầu trong nỗ lực kiềm chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC; nhất trí đặt vấn đề khí hậu, đa dạng sinh học và môi trường vào trọng tâm của tiến trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh thế giới cần hành động khẩn cấp nhằm giảm và thích ứng hơn nữa với biến đổi khí hậu, ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và suy thoái môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, các nước G7 thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, thiết lập chuỗi cung ứng bền vững và lồng ghép vấn đề khí hậu và đa dạng sinh học trong tiến trình ra quyết định về kinh tế. Các nước G7 nhất trí ngừng tài trợ trực tiếp cho các nhà máy nhiệt điện ở những nước nghèo từ cuối năm 2021, động thái nhằm đẩy nhanh mục tiêu giảm lượng khí thải vào năm 2030, hướng tới sử dụng các phương tiện không phát thải.
Các quyết định của G7 được đưa ra sau khi Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngay bây giờ thế giới cần ngừng phát triển các dự án mới về than, dầu mỏ và khí đốt. Tất cả các thành viên G7 đã đăng ký tham gia sáng kiến toàn cầu “30 x 30” nhằm bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất liền và 30% đại dương trên thế giới vào năm 2030. G7 cũng cam kết thúc đẩy mục tiêu giảm sâu hơn lượng khí thải nhằm đạt trung hòa các-bon muộn nhất vào năm 2050. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, các nước giàu cần tăng cường hỗ trợ chuyển đổi sang năng lượng xanh ở các nước khác, trong đó chú trọng hỗ trợ các giải pháp thay thế năng lượng sạch, như năng lượng mặt trời và gió. G7 đồng ý tăng tài chính cho hành động vì khí hậu để đáp ứng mục tiêu dành 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, G7 cam kết thực hiện một loạt các mục tiêu đa dạng sinh học toàn cầu, trong đó hướng tới thỏa thuận về khuôn khổ đa dạng sinh học vào cuối năm nay. Các biện pháp để giải quyết nạn phá rừng cũng được đề cập, trong đó G7 sẽ tăng cường hỗ trợ các chuỗi cung ứng bền vững nhằm ngăn chặn sản xuất nông nghiệp khỏi nạn phá rừng và suy thoái rừng. Hội nghị của G7 cũng đưa ra cam kết chấm dứt tình trạng mất rừng tự nhiên và khôi phục 350 triệu héc-ta rừng vào năm 2030, đồng thời nỗ lực hướng tới việc chấm dứt tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp và cải thiện đa dạng sinh học biển ở các vùng biển quốc tế.
Có thể nói, những quyết định được đưa ra tại hội nghị bộ trưởng G7 vừa qua là bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP-26), dự kiến diễn ra tại Anh tháng 11 tới.
Cộng đồng quốc tế đã đạt thỏa thuận hạn chế lượng khí thải, cũng như nhất trí tăng tốc hành động chống biến đổi khí hậu, song khoảng cách giữa cam kết và hành động hiện còn rất lớn. Vẫn tồn tại sự bất công, khi các nước giàu chiếm phần lớn lượng khí thải, song hậu quả của biến đổi khí hậu thì phần lớn các nước nghèo phải hứng chịu. Bởi thế, cam kết cần được hiện thực hóa bằng hành động thực tiễn nhằm hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, qua đó thế giới mới có thể hoàn thành các mục tiêu đầy tham vọng trong cuộc chiến không tiếng súng, nhưng cam go và nhiều thách thức này.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/nhiem-vu-cap-bach-647332/