'Nhiệm vụ kép' của người lính quân hàm xanh

Nhiệm vụ của những người lính biên phòng - những chiến sĩ mang quân hàm xanh - không chỉ là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, mà còn hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng biên phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Khởi công xây dựng và sửa chữa nhà tình thương tại xã Lý Nhơn (Cần Giờ, TPHCM)

Khởi công xây dựng và sửa chữa nhà tình thương tại xã Lý Nhơn (Cần Giờ, TPHCM)

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Tiếp chúng tôi, Đại tá Trần Thanh Đức, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TPHCM, nhấn mạnh, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng TPHCM là quản lý, bảo vệ bờ biển có chiều dài 23,5km, vùng biển có diện tích 5.000km2 và hàng chục cảng, cầu cảng, cặp phao trên 2 luồng hàng hải ở khu vực nội địa, kéo dài 150km. Cùng với giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, đơn vị phải làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu cảng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển.

Mỗi ngày tại khu vực cửa khẩu cảng, trung bình có 70-80 lượt tàu cùng hàng trăm phương tiện thủy nội địa ra vào, neo đậu. Trên cảng, hàng ngàn phương tiện vận tải đường bộ, với hàng chục ngàn container vận chuyển và 7.000-8.000 lượt người xuất nhập cảnh. Yêu cầu đặt ra là, các đơn vị phải làm nhanh thủ tục cho mỗi chuyến tàu cập, rời cảng, nhưng phải chặt chẽ, không để sót lọt tội phạm, vi phạm. Bộ đội Biên phòng TPHCM đã áp dụng công nghệ vào quản lý, hoạt động nghiệp vụ, thời gian làm thủ tục được rút ngắn.

“Trước đây, thời gian làm thủ tục cho tàu xuống hàng phải mất 5-7 giờ, còn nay tàu vào cảng là có thể xuống hàng ngay”, Thượng tá Nguyễn Tiến Lũy, Chính trị viên Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu cảng TPHCM, cho biết.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, không những làm công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mà bộ đội biên phòng còn bảo đảm an ninh, trật tự nội địa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bên cạnh đó là xây dựng được “lũy thép lòng dân” ở biên giới vững chắc. Ở biên giới trên bộ, lực lượng biên phòng đã thành lập 1.587 tổ tự quản, có 49.724 hộ gia đình và 60.493 cá nhân đăng ký tham gia tự quản hơn 4.215km đường biên giới, 3.141 mốc quốc giới, 78 công trình biên giới.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết, cùng với nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và ngăn chặn, bắt giữ đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới được chú trọng. Năm 2022, lực lượng biên phòng đã lập và phá 109 chuyên án về buôn bán, vận chuyển ma túy, số lượng thu giữ trên 1.000kg ma túy các loại.

Dân ổn định, biên giới vững chắc

Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, an ninh trật tự vùng biên vững chắc, lực lượng biên phòng chú trọng xây dựng nền biên phòng toàn dân, với mong muốn mỗi người dân vùng biên là một chiến sĩ biên phòng. Thông qua các chương trình, hoạt động, bộ đội biên phòng không chỉ nâng cao ý thức về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn hỗ trợ, giúp người dân nâng cao đời sống, góp phần đưa kinh tế - xã hội vùng biên giới phát triển.

Trong những năm qua, nhiều chương trình được bộ đội biên phòng triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân như: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”, “Tàu thuyền an toàn”, “Bến bãi văn hóa”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Áo ấm biên cương”, “Con nuôi đồn biên phòng - nâng bước em đến trường”, “Ngày hội biên phòng toàn dân”...

Theo Thượng tá Nguyễn Hùng Vương, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ đội Biên phòng TPHCM, “Ngày hội biên phòng toàn dân” đã đi vào thực chất, là dịp để các đoàn thể, bộ đội biên phòng giúp người dân vùng biên giới xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu như trao phương tiện sinh kế, trao xe đạp, thẻ bảo hiểm y tế tặng gia đình chính sách, người nghèo... tại xã biên giới Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, TPHCM). Bên cạnh đó, còn khởi công xây dựng và sửa chữa 12 căn nhà cho các gia đình khó khăn về nhà ở và khánh thành công trình “Thắp sáng vùng biên” tại tuyến đường cầu đò Lý Nhơn, gắn 5 bộ chiếu sáng năng lượng mặt trời…

Không riêng người dân xã Lý Nhơn, những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã sôi nổi tổ chức “Ngày hội biên phòng toàn dân” như tại xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), xã An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng), xã Tân Tiến (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)… Vừa tham dự Ngày hội biên phòng toàn dân ở xã biên giới Tân Lập (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) trở về, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương cho biết, đại diện MTTQVN địa phương đã trao 5 căn nhà Đại đoàn kết cùng 10 phần quà cho người dân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao 20 phần quà và 20 suất học bổng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tặng 30 phần quà cho các gia đình khó khăn ở địa phương.

“Cùng với các chương trình, hoạt động được tổ chức thường xuyên, Ngày hội biên phòng toàn dân đã giúp người dân nâng cao kiến thức về chủ quyền lãnh thổ, cũng như xây nhà ở, tặng phương tiện sinh kế để làm ăn, phát triển kinh tế. Khi cuộc sống người dân vùng biên ổn định, sung túc, mỗi người dân là cột mốc sống, sẽ trở thành người lính biên phòng để cùng tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”, Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng TPHCM, chia sẻ.

Năm 2022, Bộ đội Biên phòng TPHCM thực hiện kiểm soát hơn 11.000 lượt tàu nội địa đi/đến cùng hơn 200.000 thuyền viên và 50 triệu tấn hàng hóa; kiểm soát hơn 180.000 lượt người lên tàu làm việc, hơn 5.000 lượt phương tiện thủy cập cảng với hơn 21.000 lượt người.

TRẦN YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhiem-vu-kep-cua-nguoi-linh-quan-ham-xanh-post680701.html