Nhiệm vụ không dễ dàng
Giới chuyên gia sử dụng cụm từ này để miêu tả việc châu Âu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra khiến tình hình trở nên phức tạp.
Từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tới nay, liên tục có những lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt nhập khẩu LNG của Moscow. Tuy nhiên, trên thực tế, dòng LNG của Nga sang châu Âu vẫn đang đóng vai trò là một phần nguồn thu ngân sách của Điện Kremlin bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nga cho thấy, doanh thu từ tất cả hoạt động xuất khẩu khí đốt, bao gồm cả khí hóa lỏng và khí đốt qua đường ống, đều tăng kể từ mùa Thu năm 2022. Khi xuất khẩu khí đốt qua đường ống giảm, lợi nhuận từ lĩnh vực khí đốt tự nhiên, cả qua đường ống và khí đốt hóa lỏng, đều tăng lên.
Các chuyên gia giải thích rằng, do phụ thuộc nặng nề vào thị trường LNG đầy biến động trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra khiến tình hình trở nên phức tạp, các nhà nhập khẩu châu Âu đã và đang phải sử dụng các biện pháp khẩn cấp, bao gồm tăng cường mua LNG, bất kể nguồn gốc ở đâu, để thay thế cho khí đốt của Nga.
Trong khi đó, Điện Kremlin sẵn sàng duy trì xuất khẩu LNG như một "cửa hậu" sang châu Âu và EU ưu tiên nhập LNG bất kể nguồn gốc xuất xứ, nên nhập khẩu LNG của Nga đã tăng khoảng 20% vào năm 2022 so với năm trước đó. Trong quý đầu tiên của năm 2023, Nga chiếm tới 25% tổng lượng LNG đến Bán đảo Iberia, nơi có công suất LNG lớn nhất châu Âu. Bỉ, Pháp và Hà Lan là những khách hàng lớn khác mua LNG của Nga. Nghịch lý này nảy sinh khi châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt qua đường ống của Nga bằng cách tăng nhập khẩu khí hóa lỏng của Nga.
Để hạn chế thị phần LNG của Nga ngày càng tăng trên thị trường EU, hồi tháng 2 vừa qua, Estonia đã đề xuất áp giá trần đối với LNG của Nga để hạn chế dòng tiền đổ vào Novatek. Mục tiêu là hạn chế lợi nhuận của công ty này mà không ảnh hưởng đến các lựa chọn cung cấp cho châu Âu. Một phương pháp tương tự đã được áp dụng trên thị trường dầu mỏ sau quyết định của G7 áp giá trần dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính hiệu quả của biện pháp trần giá đang bị nghi ngờ. Ủy ban châu Âu (EC) sau đó đã bắt đầu thảo luận về các biện pháp khác nhau nhằm hạn chế nhập khẩu LNG của Nga. Tuy nhiên, việc thực hiện giá trần sẽ đòi hỏi những hành động tương tự từ các nhà nhập khẩu khí đốt lớn khác và Mỹ để tạo ra các điều kiện thị trường phù hợp. Ngoài ra, hiệu quả của các hạn chế đối với nhập khẩu LNG của Nga sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
EC hồi tuần trước thông báo, mức dự trữ khí đốt của EU cao bất thường, với các mục tiêu đặt ra cho ngày 1/11 tới đã đạt được trước thời hạn nhiều tháng, mặc dù thị trường vẫn còn bất ổn trước mùa Đông sắp tới. Cụ thể, các kho chứa khí đốt của các nước thành viên hiện đang ở mức hơn 90% - vượt qua mục tiêu lấp đầy 90% mà Brussels bắt buộc phải đáp ứng về mặt pháp lý vào tháng 11 năm nay. Như vậy, dự trữ khí đốt tự nhiên của EU đạt mức cao lịch sử tính đến thời điểm hiện tại, được lấp đầy trước mùa sưởi ấm cho mùa Đông khi khối này tiếp tục thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng của Nga.
Tin tức trên dường như nhấn mạnh sự thành công của EU trong việc loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt vận chuyển qua đường ống của Nga. Nhưng giảm nguồn cung của Nga cũng khiến EU phải đối mặt với những biến động giá lớn hơn của thị trường LNG toàn cầu. Cụ thể, chi phí khí đốt vẫn cao hơn so với trước xung đột, với mức giá khi đó dao động khoảng 20 euro mỗi megawatt giờ, nghĩa là, hiện nay, các hóa đơn thanh toán sẽ lớn hơn cho các hộ gia đình và năng suất thấp hơn cho ngành công nghiệp châu Âu.
Theo ông Tom Marzec-Manser, Trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại công ty phân tích thị trường ICIS, giá khí đốt bán buôn có thể thấp hơn đáng kể so với một năm trước, nhưng chúng vẫn đắt hơn đáng kể so với giá khí đốt trung bình trong thập niên qua. Ông đồng thời lưu ý rằng, khí đốt dự trữ chỉ có thể giúp vượt qua một mùa đông và nếu mùa đông lạnh này lạnh hơn sẽ dẫn đến một số rủi ro nhất định và đó là điều khiến giá tăng cao.
Các nhà phân tích cũng dự đoán, đây sẽ là mùa Đông cuối cùng mà tình trạng thiếu hụt là mối lo ngại nghiêm trọng, do năng lực sản xuất LNG tăng lên từ các nhà cung cấp như Qatar và Mỹ sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2024. Tuy nhiên, một số quốc gia Trung Âu, đặc biệt là Austria, vẫn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Nga được vận chuyển bằng đường ống chạy qua Ukraine. Kiev cho biết họ không có ý định đàm phán lại thỏa thuận quá cảnh, vốn sắp hết hạn. Điều đó tạo ra một thời hạn khó khăn cho những nước vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Một hiện tượng giao dịch "liều lĩnh" đang thịnh hành giữa các tập đoàn năng lượng: lưu trữ khí đốt tự nhiên trong các bể chứa ngầm dưới lòng đất ở Ukraine, quốc gia đang có xung đột với Nga. Vụ đặt cược này có thể giúp các công ty đa quốc gia như Trafigura Group, Vitol và Gunvor Group thu về hàng trăm triệu USD.
Theo đó, hiện các thương nhân đang được trả tiền để dự trữ khí đốt phục vụ việc phát điện và sưởi ấm cho châu Âu trước mùa Đông thứ hai kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine đẩy lục địa này vào một cuộc khủng hoảng năng lượng. Một lượng lớn khí đốt từ những nơi khác được chuyển đến châu Âu để thay thế nhiên liệu của Nga khiến giá đã giảm hơn 80% trong năm qua. Điều đó cũng làm cho các giao dịch trở nên sinh lợi, nếu mọi việc suôn sẻ. Trong những tuần gần đây, các dòng khí đốt đã tăng tốc chảy vào các bể chứa của Ukraine, vốn cho đến nay vẫn là các địa điểm lưu trữ lớn nhất ở châu Âu.
Khí đến từ khắp nơi trên thế giới: một số được vận chuyển dưới dạng LNG từ Mỹ, Nigeria và nhập vào mạng lưới đường ống của châu Âu. Các lô hàng khác đến trực tiếp từ các mỏ lớn ở Norway và Anh. Thậm chí còn có cả lượng khí đốt nhỏ từ Nga, được chuyển tới Slovakia và vào Ukraine. Nguồn khí đốt tăng nhanh sau một loạt cuộc gặp giữa các thương nhân châu Âu và các quan chức từ các công ty năng lượng nhà nước Ukraine.
Giám đốc điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine Dmytro Lyppa cho biết, mạng lưới của họ có công suất dự phòng do lượng khí đốt của Nga giảm kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Do đó, các thương nhân nước ngoài có thể lưu trữ 3,5 tỷ mét khối khí đốt ở Ukraine trước mùa đông. Ông Marco Saalfrank, Trưởng bộ phận thương mại tại Axpo thông báo, gần đây, họ có thể kiếm được hơn 10 euro mỗi megawatt giờ. Đó là, sau khi tính đến phí lưu kho và phí vận chuyển, cũng như lãi suất và phí tín dụng. Với 3,5 tỷ mét khối như đề cập ở trên, con số này mang lại hơn 340 triệu euro, tương đương 370 triệu USD, lợi nhuận tiềm năng.
Tuy nhiên, song hành với "cơ hội kiếm lời" đó là những rủi ro tiềm tàng. Rủi ro ở đây không phải là khí đốt sẽ tự bốc hơi. Chúng được chứa ở sâu dưới lòng đất khoảng 1 km, hầu hết cách xa tiền tuyến ở phía Tây Ukraine. Nhưng lợi nhuận của các công ty có thể "bốc hơi" nếu đạn pháo tấn công vào đường ống hoặc trạm nén khí và khiến khí đốt bị tắc nghẽn, không thể được chuyển đi từ Ukraine.
Một rủi ro khác là "Chính phủ Ukraine sẽ tịch thu khí đốt nếu tình hình năng lượng của nước này trở nên tồi tệ hơn. Do đó, các công ty cần đánh giá lợi nhuận tiềm năng so với những tổn thất mà họ có thể gặp phải trong những tình huống này". Ngoài ra, các công ty cũng gặp phải một thách thức đối với việc chuyển khí đốt đến kho lưu trữ ở Ukraine, đặc biệt trong việc bảo hiểm nhiên liệu trong khu vực xung đột hoặc thuyết phục các ngân hàng cho vay liên quan đến lĩnh vực này.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nhiem-vu-khong-de-dang-i705194/