Nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng

Những năm qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp ủy đảng xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 19 ngày 5/11/2012 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, thực hiện đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được cụ thể hóa trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Căn cứ tình hình thực tế của từng giai đoạn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các đề án, nghị quyết và kế hoạch triển khai thực hiện. Tỉnh ủy cũng ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động, tạo việc làm trên địa bàn. Các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện tốt mô hình 3 nhà (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp), gắn với thực tiễn cung - cầu thị trường lao động.

Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp đào tạo may, thêu cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp đào tạo may, thêu cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Các địa phương đã chủ động, linh hoạt về công tác đào tạo nghề thông qua những chủ trương, định hướng đề ra trong mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và phát huy thế mạnh của từng địa phương. Đơn cử như tại Si Ma Cai - một trong những huyện có tỷ lệ lao động nông thôn cao (chiếm hơn 80% dân số toàn huyện) - trong những năm qua đã cụ thể hóa Chỉ thị số 19 và coi đây là giải pháp đột phá để giảm nghèo bền vững. Huyện tập trung đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Si Ma Cai cho biết: Hằng năm, huyện chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề tại các xã và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sự cần thiết phải học nghề. Trung bình mỗi năm huyện mở 5 - 8 lớp đào tạo. Người học không đơn giản chỉ là học để làm chủ kỹ thuật, mà còn được học cách vận dụng vào thực tế để nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất, cải thiện thu nhập.

Giai đoạn 2012 - 2022, toàn tỉnh có hơn 170 nghìn người được đào tạo nghề từ ngắn hạn đến trung cấp, cao đẳng trong các cơ sở dạy nghề. Đến nay, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng đạt 66,7%. Theo ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề nông thôn. Cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh từ nông - lâm nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Các cấp, các ngành đã tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hằng năm phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế 275 chương trình, 283 giáo trình dạy nghề. Cấu trúc chương trình đào tạo theo modul tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp. 100% chương trình, giáo trình được rà soát xây dựng mới theo chương trình khung của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đảm bảo nguyên tắc từ 70 - 80% thời lượng thực hành.

Bước vào giai đoạn mới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Đào tạo nghề hướng tới nhu cầu xã hội, huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu đào tạo các trường chuyên nghiệp theo hướng phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo”.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục đào tạo mới, đồng thời bồi dưỡng lại cho khoảng 58 nghìn người lao động và hơn 80% lao động nông thôn sẽ được hỗ trợ trong quá trình đào tạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã và đang triển khai những giải pháp đồng bộ, trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xanh và nông thôn mới bền vững. Chú trọng đến việc đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề đáp ứng yêu cầu tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi số để phục vụ sản xuất.

Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo phương châm “Thấm từng nhà, ngấm từng đối tượng”, phấn đấu “mỗi hộ gia đình ở khu vực nông thôn có ít nhất một người trong độ tuổi lao động được tạo việc làm mới hoặc có thu nhập ổn định”.

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh, nắm chắc nhu cầu đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phải đạt mục tiêu cụ thể, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động. Chú trọng nhân rộng, phát huy những mô hình tốt, cách làm hay trong dạy nghề nhằm góp phần lan tỏa, tạo đột phá từ lượng sang chất.

Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được kỳ vọng tiếp tục góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/366245-nhiem-vu-quan-trong-cua-cac-cap-uy-dang