Nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Bộ Công Thương cho biết đang cố gắng ở mức cao nhất để bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng của người dân, cùng với đó cần ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp đầu mối trong chủ động tìm kiếm nguồn cung thời gian qua.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, việc chưa đảm bảo nguồn cung của Nhá máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, khi tỷ lệ cung của Nhà máy Nghi Sơn chiếm khoảng 35% tổng cung của thị trường nội địa, dẫn đến thiếu hụt trong thời gian ngắn. Do vậy, Bộ Công Thương đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Nghi Sơn báo cáo về kế hoạch tái khởi động lại sản xuất cũng như kế hoạch đảm bảo cung ứng, giao hàng cho các thương nhân đầu mối.
Hiện nay, trong quá trình khắc phục, Nghi Sơn về cơ bản đã khởi động trở lại, nhưng về việc đảm bảo cung ứng trong quý II/2022, hiện nay Vụ Thị trường trong nước chưa nhận được báo cáo cụ thể về sản lượng giao cho các thương nhân đầu mối cụ thể như thế nào trong thời điểm tháng 5 và 6.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối ngoài đảm bảo tổng sản lượng cung ứng đã giao năm 2022 thì đẩy mạnh tăng kế hoạch nhập khẩu để bù đắp vào nguồn cung thiếu hụt trong nước.
“Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ thực rằng việc nhập khẩu không thể chỉ trong ngày một ngày hai”, ông Hoàng Anh Tuấn bày tỏ.
Cụ thể, giai đoạn dịch bệnh hai năm vừa qua, các thương nhân đầu mối chủ yếu lấy sản phẩm từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn để tiêu thụ, chỉ nhập khẩu về cơ bản những sản phẩm hai nhà máy này chưa đáp ứng được. Giờ đây, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng bởi những xung đột địa chính trị, đặc biệt tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều rơi vào tình trạng phải tìm kiếm nguồn cung để đảm bảo cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, sinh hoạt. Như vậy, việc kết nối lại, đàm phán mua lại dầu là không hề dễ dàng, hơn nữa chi phí cũng rất tốn kém cho doanh nghiệp đầu mối, đặc biệt là chi phí vận chuyển.
Dù vậy, cần phải ghi nhận, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp đầu mối, đặc biệt cánh chim đầu đàn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nguồn cung vẫn được đảm bảo trong thời gian qua và cả thời gian sắp tới.
Nhấn mạnh lại một lần nữa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định hiện nay “chúng ta đang điều hành không tính đến lượng xăng dầu cho Nhà máy Nghi Sơn cung cấp”.
Riêng tháng 2/2022, Nghi Sơn chỉ cung cấp được 50% những hợp đồng đã ký kết hoặc những cam kết đối với các doanh nghiệp đầu mối, có nghĩa còn thiếu 50%. Mà Nghi Sơn cung cấp 35-40% cho nhu cầu cả nước, như vậy việc Nghi Sơn thiếu hụt 50% đồng nghĩa với việc thiếu khoảng 17-20% thị phần của cả nước, vậy nên trong tháng 2, tháng 3 vừa qua để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân thì cần ghi nhận đó là sự cố gắng rất lớn.
“Nhân dịp này chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp đầu mối đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo và cũng đã tương đối chủ động trong việc nhập khẩu để bù đắp vào lượng xăng dầu mà Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn bị thiếu hụt”, Thứ trưởng bày tỏ.
Về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022, Bộ Công Thương vẫn thường xuyên cập nhật báo cáo của 10 doanh nghiệp và cả số liệu từ lực lượng hải quan.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong quý II Bộ Công Thương sẽ cố gắng ở mức cao nhất đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu của người dân. Đối với việc cung ứng trong Quý III, ngay đầu tuần tới Bộ Công Thương sẽ có cuộc gặp và làm việc với Nghi Sơn để bàn bạc kỹ xem nhà máy này liệu có thể cung cấp được bao nhiêu xăng dầu tính theo từng tháng, và “đối với sản lượng có cam kết một cách cụ thể, chúng tôi sẽ ưu tiên.
Còn lại phần thiếu thì chắc chắn lại phải yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động bởi mua xăng dầu không giống như chúng ta mua các loại hàng hóa khác, nhất là trong bối cảnh xung đột trên thế giới, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine như vậy, muốn mua cũng không phải chuyện dễ”.
Hiện nay Việt Nam chủ yếu nhập khẩu của Hàn Quốc, ASEAN do mức thuế thấp, nhưng nếu chỉ cần mua bất kỳ một thị trường khác thì mức thuế sẽ lên cao. Mua với thuế cao, giá cao thì với doanh nghiệp không hiệu quả nhiều, hoặc chưa chắc đã nhập được, nếu nhập được thì đến bao giờ về lại là một vấn đề khác nữa...
Đây là những khó khăn cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng như của các cơ quan quản lý, nhưng dù khó khăn thế nào thì "nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là làm sao đảm bảo đủ nguồn cung".
Liên quan đến vấn đề điều hành giá xăng dầu trong nước, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn cho biết, theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ, giá xăng dầu được điều hành 15 ngày/1 lần và hiện nay theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ thì kỳ điều hành diễn ra 3 lần/tháng (10 ngày/1 lần), vào ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Trong đó, giá xăng dầu thế giới được báo cáo theo bình quân 10 ngày, và đến ngày 31/3/2022 (tức ngày mai) sau khi có giá thế giới, Liên Bộ Công Thương - Tài chính mới tổ chức họp để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo hai Bộ xây dựng phương án điều hành tiếp theo.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bổ sung thêm, ở kỳ điều hành tới đây, một điểm khác trong công thức tính giá xăng dầu sẽ nằm ở việc thuế bảo vệ môi trường vừa giảm. Tuy nhiên, giá trong nước vẫn còn phụ thuộc vào xu thế của giá thế giới.
Cụ thể, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến ngày 31/12/2022, tức thuế bảo vệ môi trường của các loại xăng giảm 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít. Song, cần làm rõ, Nghị quyết có hiệu lực từ 1/4/2022, tức cùng ngày điều hành giá.
“Ví dụ, thuế bảo vệ môi trường của xăng RON95 trước đây là 4.000 đồng, nay còn 2.000 đồng, nghĩa là chúng ta đã được giảm 2.000 đồng, nhưng giá còn phụ thuộc vào giá thế giới. Nếu chẳng may theo giá thế giới phải tăng 3.000 đồng, thì dù chúng ta đã được giảm 2.000 đồng, nhưng trừ hao đi vẫn phải tăng 1.000 đồng nữa, dù chúng ta không mong muốn như vậy”, Thứ trưởng phân tích.
Đặc biệt, do tình hình giữa Nga và Ukraine đang có tiến triển tích cực hơn, nên trong khoảng 2 ngày gần đây giá dầu thế giới có dấu hiệu giảm, nhưng những ngày ngay trước đó thì đã tăng rất cao.
Do vậy, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ sẽ căn cứ vào các yếu tố này để điều hành giá làm sao mang lại lợi ích cao nhất cho người dân và những doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào sản xuất.