Nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả

Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, thấm sâu trong tâm hồn, khí phách của mỗi người dân đất Việt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp; cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới và tranh thủ các lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam ngày càng khó khăn, quyết liệt hơn bao giờ hết. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức lợi dụng internet và mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này. Do đó, việc làm tiên quyết là phải có những giải pháp đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, góp phần củng cố, giữ vững, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; nâng cao vị thế, uy tín và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định

Trong suốt chiều dài lịch sử oanh liệt của đất nước mà điển hình là thế kỷ XX, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng, sáng ngời bản anh hùng ca bất diệt. Mặc dù phải đương đầu với bọn thực dân, đế quốc xâm lược sừng sỏ với sức mạnh quân sự vượt trội, với tham vọng, dã tâm hiểm độc, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với truyền thống hào hùng, kiên cường bất khuất của dân tộc, chúng ta đã giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của đất nước trước những kẻ xâm lăng.

Khu dân cư trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước được đầu tư khang trang, kiên cố, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh - Ảnh: TL

Khu dân cư trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước được đầu tư khang trang, kiên cố, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh - Ảnh: TL

Hiện nay, trước những biến động nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Qua đó, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Thực tế cũng cho thấy, những bài học đau xót và đắt giá từ các cuộc chiến tranh trong quá khứ cũng như hiện tại đã khiến nhiều nước, trong đó có cả những quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, đã và đang đi theo hướng hòa bình, lấy đối thoại, lấy luật pháp quốc tế làm nguyên tắc, “kim chỉ nam” cho mọi hành động liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, thay vì cổ xúy cho xung đột, đối đầu và chiến tranh. Điều đó càng khẳng định quan điểm, chủ trương, đường lối, đối sách của nước ta trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia và giải quyết các vấn đề liên quan là hoàn toàn đúng đắn, chính xác và phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhân loại.

Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và gắn bó chặt chẽ với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Điều 1, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 chỉ rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Điều 11 Hiến pháp cũng khẳng định: “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”. Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác có hiệu quả với những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái, lợi dụng vấn đề lãnh thổ, chủ quyền, biên giới của các thế lực thù địch, chúng ta cần làm tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về tầm quan trọng của việc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia hiện nay. Đây là giải pháp mang tính nền tảng và phải được đặt lên hàng đầu bởi sức mạnh của nhân dân luôn là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại. Do đó, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, hiểu rõ những quy định pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam; về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là quần chúng nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thế hệ trẻ nhận thức rõ, hiểu đúng, đủ mục đích, dã tâm, âm mưu, thủ đoạn, cũng như các quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch, phản động sử dụng để chống phá, xuyên tạc vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước ta hiện nay… Qua đó, tạo “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” trước những âm mưu, thủ đoạn đó cho nhân dân.

Hai là, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong chủ động, tích cực đấu tranh làm thất bại các luận điệu xuyên tạc, phản động về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Cụ thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá, luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch. Kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá, mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ, kích động di dân tự do; âm mưu chia rẽ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân, chia rẽ đồng bào các dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân. Quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm cuộc sống, lao động, sản xuất ổn định, được thụ hưởng các giá trị văn hóa tốt đẹp cho đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới. Nâng cao trình độ dân trí, cung cấp đầy đủ, khách quan, kịp thời những thông tin cần thiết để người dân ở khu vực biên giới thuận lợi trong việc tiếp nhận, nắm, biết rõ mọi vấn đề.

Ba là, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động. Kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Chủ động, tích cực đăng tải các bài viết trên những phương tiện thông tin, nhất là trên internet, mạng xã hội, thể hiện rõ lập trường, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Nhanh chóng, kịp thời cập nhật, đưa tin chính xác, cụ thể, đồng thời phải định hướng đúng đắn về những diễn biến phức tạp, nhạy cảm trên khu vực biên giới… Qua đó, để định hướng dư luận, giữ vững niềm tin, không để xảy ra tình trạng “nhiễu loạn thông tin”, thật - giả, trắng - đen lẫn lộn, hoặc “lập lờ đánh lận con đen”, làm ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xử lý, giải quyết vấn đề liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, các giải pháp kỹ thuật để tìm kiếm, ngăn chặn, bóc gỡ những thông tin độc hại về tình hình chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Xử lý kiên quyết các đối tượng đăng tải, bình luận sai lệch, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phản động chống phá quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Bố trí, thiết lập các trang mạng, blog, tài khoản chính thống để huy động, tập trung sức lực, trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp đấu tranh phản bác, làm thất bại các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch trên internet và mạng xã hội, tạo thành thế trận đấu tranh, bảo vệ liên hoàn, vững chắc, rộng khắp.

Bốn là, bố trí, sắp xếp đưa dân ra khu vực biên giới, quy hoạch thành các cụm, điểm dân cư, từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Xây dựng, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với các đơn vị quân đội, công an trên địa bàn khu vực biên giới. Cấp ủy, chính quyền các địa phương trên khu vực biên giới cần tăng cường rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đồng thời bố trí lại dân cư trên tuyến biên giới. Có chính sách đặc thù về dân số, phát triển dân số khu vực biên giới; ưu tiên việc phát triển dân cư tại chỗ kết hợp với đưa dân cư từ các địa bàn khác đến khu vực biên giới, hình thành các cụm dân cư, như: “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”, “điểm dân cư liền kề đồn, trạm và chốt biên phòng”, tiến tới hình thành thôn, bản, phum, sóc biên giới ổn định, bền vững. Trên cơ sở đó, từng bước hình thành các trung tâm dân cư trên toàn tuyến biên giới để xây dựng lực lượng bảo vệ, chiến đấu tại chỗ, tạo thế vững chắc cho địa bàn biên giới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, tạo thế trận biên phòng toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; là vấn đề cực kỳ thiêng liêng, nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Các luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động về vấn đề này, bản chất là những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, mục đích nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, chúng ta phải luôn cảnh giác, đồng thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn thâm độc của chúng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Đại tá Hoàng Văn Thành, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/158905/nhiem-vu-thieng-lieng-cao-ca