Chọn phương án tối ưu nhất làm đường sắt cao tốc Bắc Nam

Với tốc độ thiết kế đạt 350km/h, thời gian từ TPHCM đi Hà Nội dài 1.730km chỉ mất gần 5 giờ, đường sắt cau tốc Bắc Nam sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để hành khách di chuyển, thay thế các phương tiện khác như máy bay.

Việt Nam sẽ triển khai đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2026-2027

Chiều 25/6 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC).

Tại buổi gặp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo kế hoạch, Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài hơn 1.500 km, dự kiến triển khai trước năm 2030, cụ thể vào giai đoạn 2026-2027. Để triển khai, ông cho hay, Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu.

"Đây là ba cấu phần giữ vai trò quyết định an toàn của các tuyến đường sắt, kể cả đường sắt cao tốc và đô thị", Bộ trưởng Thắng nói và cho rằng Trung Quốc có công nghệ tốt về phát triển đường sắt, giá thành hợp lý, nên đây là cơ hội tốt để hai bên hợp tác thông qua cơ chế hỗ trợ như vay vốn ODA, tín dụng xuất khẩu.

Phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế.

Phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế.

Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 có 3.000 km đường cao tốc và tăng lên 5.000 km vào 2030. Hạ tầng đường sắt, nhất là dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cuối tháng 11/2023, Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc - Nam, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt cao tốc (ĐSCT) trên trục Bắc - Nam có quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm với chiều dài khoảng 1.545 km, lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Trong văn bản góp ý dự thảo đề án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị lựa chọn kịch bản 3. Tuy nhiên, dự án có chiều dài 1.545 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong khi đó, các địa phương đang trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các đồ án quy hoạch xây dựng.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các địa phương có dự án chạy qua để giữ nguyên thỏa thuận hướng tuyến, tránh phải điều chỉnh hướng tuyến làm phát sinh chi phí đầu tư. Bộ Xây dựng cũng lưu ý Bộ GTVT cần bổ sung các căn cứ pháp lý để đề xuất sơ bộ tổng vốn đầu tư.

Hồi cuối năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc - Nam. Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2, xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam, vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Tốc độ bao nhiêu km/h là hợp lý?

Các chuyên gia cho rằng, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế cần đạt 350km/h. Nếu đạt tốc độ này, thời gian từ TPHCM đi Hà Nội dài 1.730km chỉ mất gần 5 giờ. Đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 tuyến đường sắt cao tốc chiến lược nêu trên.

Tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia diễn ra ngày 26/3, Bộ GTVT đã báo cáo phương án thiết kế đường sắt tốc độ cao. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ thiết kế là 350 km/h, vận tải hành khách và hàng hóa khi có nhu cầu; còn tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chuyển sang phục vụ vận tải hàng hóa.

PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), ủng hộ quan điểm lựa chọn phương án tốc độ thiết kế chạy tàu 350 km/h. Cho rằng Việt Nam cần đi tắt đón đầu trong đầu tư đường sắt tốc độ cao, PGS. TS Trần Chủng nêu dẫn chứng thực tế chúng ta đã có kinh nghiệm nắm bắt cơ hội, đi tắt đón đầu và thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Từ đó, đã tạo ra đột phá với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn.

Theo ông, việc xây dựng luôn đường sắt tốc độ 350 km/h nằm trong mục tiêu tiến tới Net Zero (cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Bên cạnh đó, ông cho rằng muốn đường sắt cạnh tranh với hàng không, nếu chọn phương án tàu chạy 350 km/h đi từ Hà Nội vào TP.HCM chỉ hết khoảng 5,5 giờ, hành khách sẽ chọn đường sắt.

Ở góc độ khác, GS.TS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng nên chọn làm tuyến đường sắt tốc độ cao trên, dưới 200k m/giờ để vừa chở được khách và hàng. Nếu tốc độ cao không thể vừa chở khách và hàng, trường hợp muốn chở cả khách và hàng phải giảm tốc độ, khiến năng lực thông quan giảm.

"Mặc dù vận tải đường thủy nội địa, đường biển có ưu thế về chi phí, nhưng thời gian kéo dài, bốc dỡ nhiều lần, nên đây là cơ hội rất lớn để ngành đường sắt tăng thị phần vận tải hàng hóa đường dài, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế", GS.TS Lã Ngọc Khuê phân tích.

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: "Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam" và đặt mục tiêu đến năm 2025 phần đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chon-phuong-an-toi-uu-nhat-lam-duong-sat-cao-toc-bac-nam-16924062612003266.htm