Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 - hoàn thành kế hoạch giải ngân
Tuyên Quang là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Nhiều công trình, dự án tỷ lệ giải ngân rất thấp dưới 20%, thậm chí là 0%. Trước tình trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các tổ công tác làm việc với các huyện, thành phố, các chủ đầu tư dự án, công trình nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Trong 3 số báo liên tiếp (15, 16 và 18-9), Báo Tuyên Quang đăng loạt bài về vấn đề này.
Bài 1: Công trình giải ngân đạt thấp, đâu là nguyên nhân?
Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm công trình, đầu điểm công trình được xây dựng từ nguồn vốn của Nhà nước. Các công trình được xây dựng, đi vào sử dụng tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn có những công trình, dự án có tiến độ chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đạt rất thấp, thậm chí chưa thể giải ngân.
Những công trình chưa giải ngân vốn
Ngày 8-7-2020, UBND tỉnh có Quyết định số 854/QĐ-UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án kè chống sạt lở bờ suối tại thôn Bản Khiển, xã Lăng Can (Lâm Bình). Dự án kè bờ suối có tổng chiều dài khoảng 1.730 m, tổng mức đầu tư sơ bộ trên 31,3 tỷ đồng, trong đó nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 là 30 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn hợp pháp khác, thời gian thực hiện trong năm 2020 - 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án mới chỉ hoàn thành báo cáo kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu... do đó, công trình vẫn chưa thể khởi công, đồng nghĩa với việc nguồn vốn chưa thể giải ngân.
Công trình trường THCS Phù Lưu (Hàm Yên) với tổng vốn đầu tư 6,9 tỷ đồng, quy mô 10 phòng học, 4 phòng bộ môn và 6 phòng chức năng. Công trình nằm trong hạng mục các công trình xây dựng bảo đảm tiêu chí nông thôn mới cho xã vào cuối năm 2020. Nhưng đến nay dự án cũng mới chỉ xong các bước lập hồ sơ thiết kế, báo cáo kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, chấm thầu...
Cùng trên địa bàn xã Phù Lưu, Trạm Y tế Phù Lưu cũng đã có chủ trương xây dựng nhưng cũng vẫn chưa thể nhúc nhích do chủ đầu tư mới lập hồ sơ thiết kế, báo cáo kỹ thuật...
Công trình khắc phục sạt lở hệ thống kênh mương thủy lợi Pác Pàn, xã Tân An được UBND huyện Chiêm Hóa phê duyệt đầu tư từ tháng 6 với tổng vốn 250 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện. Dù đã có hồ sơ thiết kế, báo cáo kỹ thuật, chỉ định được đơn vị thi công nhưng hiện tại vẫn chỉ trên bàn giấy. Cũng chính vì chưa thể thực hiện nên ngoài lo ngại về vấn đề không thể giải ngân vốn, mỗi đợt mưa lớn, lũ về, diện tích đất sản xuất của bà con 2 bên bờ suối lại bị xói lở thêm, hệ thống kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn mới được lắp đặt cũng bị sạt lở, cuốn trôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân...
Đâu là nguyên nhân?
Tại các chương trình làm việc giữa tổ công tác của tỉnh với các huyện, thành phố, ngoài yếu tố về chủ trương, quy trình thủ tục đầu tư, nguồn vốn phân bổ về muộn làm chậm tiến độ giải ngân thì chủ đầu tư, các ngành, địa phương, đặc biệt là ở các xã vẫn còn lúng túng, chậm triển khai các thủ tục đầu tư; chưa có sự phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng còn chưa đáp ứng yêu cầu...
Thực tế nhiều dự án xây dựng mới trong năm 2020 đều được phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý 2, quý 3 khiến cho các chủ đầu tư gặp rất nhiều áp lực về thời gian. Bởi theo quy định từ lúc có chủ trương đến lập và phê duyệt dự án, báo cáo kỹ thuật; lựa chọn nhà thầu; đấu thầu; ký kết hợp đồng thi công với nhà thầu đủ năng lực cần một khoảng thời gian nhất định, trừ một số dự án cấp bách được ưu tiên thực hiện, còn lại mất ít nhất từ 3 - 4 tháng. Thêm vào đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhân công và vật liệu bị hạn chế đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các công trình. Một nguyên nhân nữa tác động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án, thời tiết khí hậu suốt từ tháng 7 đến nay, nhiều đợt mưa lớn, lũ ống cục bộ xảy ra ở nhiều địa phương khiến cho việc thi công các công trình gặp khó.
Ông Hà Bắc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Chiêm Hóa - đơn vị chủ đầu tư dự án công trình khắc phục sạt lở hệ thống kênh mương thủy lợi Pác Pàn, xã Tân An thừa nhận, công trình được đầu tư xây dựng đúng vào cao điểm mùa mưa, địa hình thi công là bờ suối, trong điều kiện mưa lũ xảy ra liên tiếp đơn vị thi công không thể thực hiện. Đợt mưa lũ hồi tháng 8 vừa qua đã làm điểm sạt lở bị mở rộng, với nguồn vốn được phê duyệt không thể đủ để thực hiện. Theo ông Dũng, Ban đang khẩn trương thực hiện đánh giá, thiết kế và lập báo cáo kỹ thuật lại trình huyện bổ sung nguồn vốn. Quyết tâm trong tháng 9 công trình sẽ được triển khai xây dựng để đảm bảo giải ngân nguồn vốn theo đúng kế hoạch.
Đồng chí Nguyễn Văn Dưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho rằng, công trình kè Bản Khiển mới được phê duyệt dự án hồi tháng 7, dù nằm trong dự án cấp bách được ưu tiên triển khai, nhưng đảm bảo ngày 20-9 phải lựa chọn được nhà thầu và ký kết hợp đồng thi công, để giải ngân nguồn vốn thực sự là áp lực lớn đối với huyện. Tuy vậy, huyện vẫn đặt quyết tâm, cố gắng, nỗ lực ở mức cao nhất, khi có nhà thầu, huyện sẽ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo đến 30-9 có khối lượng công việc để thực hiện giải ngân vốn theo đúng chỉ đạo của tỉnh.
Nguyên nhân đã được các địa phương, các chủ đầu tư nhìn nhận. Đây là yếu tố quan trọng để tỉnh, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương đề ra các giải pháp quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành xây dựng các công trình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho mỗi miền quê.
>>Bài 2: Nhiệm vụ "kép"
>>Bài 3: Bài học kinh nghiệm