Nhiếp ảnh gia, đạo diễn Nguyễn Tuấn Khôi: 'Hình ảnh không chỉ để ngắm, mà còn để nhớ'
Nhiếp ảnh gia, đạo diễn Nguyễn Tuấn Khôi, thành viên Ban giám khảo cuộc thi ảnh 'Sài Gòn - Sắc màu mới' do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, đã chia sẻ bí quyết chụp ảnh đẹp về Sài Gòn, cùng khoảnh khắc ghi lại hình ảnh ấn tượng của vợ anh - Hoa hậu H'Hen Niê.
Với nhiều năm theo đuổi nghệ thuật thị giác, từ nhiếp ảnh đến đạo diễn hình ảnh, Nguyễn Tuấn Khôi là cái tên quen thuộc trong giới sáng tạo trẻ. Anh được biết đến với những góc nhìn rất riêng về TP.HCM - nơi mà dưới ống kính của anh, thành phố không chỉ sôi động, đa sắc mà còn ẩn chứa nhiều câu chuyện đời thường đầy cảm xúc.
Trong vai trò là giám khảoCuộc thi ảnh Sài Gòn - Sắc màu mới do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, nhiếp ảnh gia, đạo diễn Nguyễn Tuấn Khôi đã có một buổi trò chuyện với PLO, để chia sẻ về quan điểm của anh về nghề và về truyền cảm hứng đến cộng đồng, nhất là những người yêu nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh gia, đạo diễn Nguyễn Tuấn Khôi - thành viên Ban giám khảo Cuộc thi ảnh "Sài Gòn - Sắc màu mới".
Thành phố giàu chất liệu thị giác
. Phóng viên: Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, anh đánh giá TP.HCM có những yếu tố hình ảnh nào đáng để kể lại?.
+ Nhiếp ảnh gia, đạo diễn Nguyễn Tuấn Khôi: Trong quá trình làm nghề, tôi dần hình thành mindset (tư duy) riêng, đó là luôn thử thách đôi mắt mình phải nhìn mọi thứ theo một cách khác.
Ai cũng có thể nhìn thấy TP.HCM, nhưng nếu thay đổi góc máy, cúi thật thấp sát mặt đất, quan sát từ trên cao nhìn xuống, hay thậm chí ngắm thành phố qua ống kính fish-eye với trường nhìn uốn cong đầy lạ lẫm thì bức tranh quen thuộc ấy lập tức trở nên khác biệt – mới mẻ hơn, bất ngờ hơn và cuốn hút hơn rất nhiều.

Theo đạo diễn Nguyễn Tuấn khôi, TP.HCM là một thành phố giàu chất liệu thị giác, nhưng để tạo nên một tác phẩm thực sự đọng lại trong lòng người xem, không thể chỉ dừng lại ở cảnh vật bề nổi.
"TP.HCM là một thành phố giàu chất liệu thị giác, nhưng để tạo nên một tác phẩm thực sự đọng lại trong lòng người xem, tôi tin rằng, không thể chỉ dừng lại ở cảnh vật bề nổi".
Nhiếp ảnh gia, đạo diễn NGUYỄN TUẤN KHÔI, thành viên Ban giám khảo cuộc thi ảnh "Sài Gòn - Sắc màu mới".
Nghệ thuật thị giác là sự kết tinh của nhiều yếu tố: Ánh sáng, màu sắc, bố cục, không gian và quan trọng nhất là cảm xúc, là sự nhạy cảm của người đứng sau ống kính. Khi tất cả những yếu tố ấy được đặt vào đúng một khoảnh khắc, dưới một góc nhìn đủ sáng tạo, thì bức ảnh không chỉ tái hiện lại hiện thực, mà còn kể cho người xem nghe một câu chuyện, một câu chuyện rất riêng của người đứng sau ống kính.

Hình ảnh không chỉ để ngắm, mà để nhớ
. Một bức ảnh đẹp chưa chắc được nhớ. Theo anh, điều gì tạo nên giá trị lâu dài, bền vững cho một tác phẩm ảnh?
+ Với tôi, giá trị lâu dài của một bức ảnh không nằm ở kỹ thuật hoàn hảo, mà ở ba yếu tố, theo đúng thứ tự: khoảnh khắc – cảm xúc – và câu chuyện. Chụp đúng khoảnh khắc là khởi đầu quan trọng nhất, vì đó là lúc cảm xúc chân thật nhất được lưu giữ. Chính cảm xúc ấy mới khiến người xem dừng lại, tò mò, muốn hiểu điều gì đã diễn ra phía sau khung hình. Khi ấy, câu chuyện trong bức ảnh không cần phải kể bằng lời, nó tự khơi mở trong tâm trí mỗi người.
Có những bức ảnh nhìn qua tưởng như vụng về như bố cục chưa chỉnh chu, ánh sáng chưa hoàn hảo, nhưng vẫn khiến ta ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thậm chí nhiều năm sau, người ta vẫn nhắc về nó, không phải vì đẹp, mà vì nó đánh thức ký ức.

Khoảnh khắc nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Khôi chụp vợ mình - Hoa hậu H'Hen Niê ở Sài Gòn nhiều năm về trước. Ảnh: NVCC


Tôi luôn tin, ảnh không chỉ để ngắm, mà để nhớ. Nhớ về khoảnh khắc đó, về cảm xúc thật nhất của chính mình và chính đối tượng được chụp. Nếu một bức ảnh làm được điều đó, thì nó đã vượt qua ranh giới của cái đẹp để trở thành một phần của ký ức.
. Giữa truyền tải câu chuyện qua ảnh và qua video, theo anh hình thức nào khó hơn?
+ Ảnh và video đều là những công cụ kể chuyện rất mạnh mẽ, nhưng mỗi hình thức lại có cách tiếp cận và những thách thức rất riêng.
Với nhiếp ảnh, khó nhất chính là làm sao truyền tải được cảm xúc, thông điệp và không khí chỉ trong một khoảnh khắc duy nhất. Không có âm thanh, không có chuyển động, người xem chỉ đứng trước một khung hình tĩnh lặng.
Chính vì vậy, việc bắt được khoảnh khắc "đắt giá" đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ năng quan sát, cảm nhận tinh tế và khả năng xử lý kỹ thuật - từ bố cục, ánh sáng đến thời điểm bấm máy. Một bức ảnh tốt là bức ảnh có thể tự kể một câu chuyện mà không cần lời.

Hình ảnh và video đều là những công cụ kể chuyện rất mạnh mẽ, nhưng mỗi hình thức lại có cách tiếp cận và những thách thức rất riêng, theo nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Khôi.
Còn với video, lợi thế rõ ràng hơn: Có chuyển động, có âm thanh, có nhạc nền, có lời thoại, có cả nhịp cắt dựng để dẫn dắt cảm xúc. Người xem dễ dàng tiếp nhận câu chuyện, dễ hiểu và dễ rung động hơn. Nhưng chính sự phong phú đó cũng đi kèm yêu cầu cao hơn về mặt tổ chức.
Làm ra một video chạm đến cảm xúc người xem không chỉ cần kỹ thuật quay phim tốt, ánh sáng đẹp, âm thanh rõ ràng, mà còn phải có sự ăn ý giữa các yếu tố: nhịp dựng hợp lý, không gian phù hợp và đặc biệt là cảm xúc chân thật từ chính nhân vật.
Mỗi hình thức đều có ngôn ngữ riêng. Ảnh tĩnh lặng nhưng cô đọng, mạnh về khoảnh khắc và chiều sâu nội tâm. Video chuyển động liên tục, dễ tạo cảm xúc tức thì nhưng đòi hỏi sự kết nối mượt mà của nhiều yếu tố. Để kể được một câu chuyện trọn vẹn, hiểu rõ sự khác biệt ấy là điều không thể thiếu với bất kỳ người làm sáng tạo nào.




Nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Khôi và vợ - Hoa hậu H'Hen Niê.
. Khi nhìn vào tác phẩm của một người trẻ, anh thường quan tâm điều gì hơn: Kỹ thuật, cá tính, hay thông điệp?.
+ Cả ba yếu tố đều quan trọng, nhưng nếu phải chọn một điều tôi quan tâm nhất ở người trẻ, thì đó là cá tính – cái tôi cá nhân của một người. Kỹ thuật có thể học, thông điệp có thể được phát triển theo thời gian, nhưng cá tính tức là cái chất riêng trong cách nhìn, cách kể chuyện là thứ tạo nên dấu ấn của một người làm sáng tạo.
"Một bức ảnh có thể chưa hoàn hảo về mặt kỹ thuật, nhưng nếu trong đó có tình yêu chân thật, có góc nhìn rất riêng của người chụp, thì bức ảnh ấy đã có giá trị. Với tôi, đó chính là điểm bắt đầu quan trọng nhất của một người làm sáng tạo" - Nhiếp ảnh gia, đạo diễn Nguyễn Tuấn Khôi.

. Với vai trò giám khảo, đồng thời cũng là người dành nhiều tình cảm cho thành phố này, anh muốn nhắn gửi điều gì để mời gọi mọi người cùng lan tỏa tình yêu với thành phố qua những bức ảnh?
+ Là một giám khảo, nhưng hơn hết là một người dành nhiều tình cảm cho thành phố này, tôi tin rằng ai cũng có thể lan tỏa tình yêu với thành phố này. Bạn không cần là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chỉ cần bạn yêu thành phố này và sẵn sàng chia sẻ những khoảnh khắc bạn cảm nhận được.



Không khí TP.HCM vào những ngày rộn ràng đón đại lễ 30-4 vừa qua do đạo diễn, nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Khôi ghi lại.
Hãy cứ cầm điện thoại, máy ảnh hoặc bất cứ thiết bị nào bạn có trong tay, chụp lại một góc phố quen, một khung cảnh bất ngờ, một nụ cười trên đường hay đơn giản là những sắc màu bình dị của Sài Gòn mà bạn vô tình bắt gặp mỗi ngày.
Chỉ cần bạn nhìn Sài Gòn - TP.HCM bằng sự chân thành và những cảm xúc rất thật của riêng mình, thì chính những điều giản dị ấy, khi được ghi lại và chia sẻ, sẽ góp phần kể nên câu chuyện đa sắc về Sài Gòn - một thành phố sôi động, đầy màu sắc và chan chứa yêu thương.
Bạn có thể chia sẻ bức ảnh ấy lên trang cá nhân, hoặc gửi về cuộc thi “Sài Gòn – Sắc màu mới” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức. Biết đâu chính từ khoảnh khắc giản dị đó, bạn sẽ thấy mình thêm gắn bó với thành phố này. Và biết đâu nữa, người thắng cuộc tiếp theo lại chính là bạn.
. Xin cảm ơn anh!

Giải thưởng hấp dẫn
Cuộc thi ảnh đẹp “Sài Gòn - Sắc màu mới” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức đón nhận những tác phẩm dự thi từ ngày 6-6 đến hết ngày 31-7, với nhiều giải thưởng hấp dẫn. Cụ thể:
. 1 giải Đặc biệt trị giá 50 triệu đồng.
. 1 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng.
. 1 giải Nhì trị giá 15 triệu đồng.
. 2 giải Ba, mỗi giải 7 triệu đồng.
. 5 giải Khuyến khích, mỗi giải 3 triệu đồng.
. 3 giải Yêu thích, mỗi giải 3 triệu đồng, trao cho các tác phẩm có lượt tương tác cao nhất trên mạng xã hội của cuộc thi.
. Top 50 bài thi vào vòng chung kết sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/tác phẩm.
Mời bạn đọc quét mã QR bên dưới để biết thêm thông tin chi tiết về cuộc thi ảnh "Sài Gòn- Sắc màu mới" và tham gia gửi ảnh dự thi.