Hành trình tái sinh văn hóa dân tộc trong trái tim thế hệ trẻ từ những sản phẩm âm nhạc mang chất liệu dân gian

Họa sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Có thể nói sự thành công của Bóng Phù Hoatrên đấu trường quốc tế là một ví dụ điển hình về việc nghệ thuật không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn có khả năng chạm đến trái tim công chúng. Sản phẩm này đã dung hòa được chiều sâu văn hóa và tính giải trí, từ đó không chỉ “viral” trên mạng xã hội mà còn để lại dư âm nghệ thuật lâu dài. Đó là một hướng đi quý giá mà nhiều nghệ sĩ trẻ nên học hỏi và tiếp nối. Nghệ thuật truyền thống không hề lỗi thời. Khi được làm mới bởi tư duy sáng tạo, kỹ thuật hiện đại và trái tim yêu văn hóa, những chất liệu cũ hoàn toàn có thể trở thành xu hướng mới.

Thành công của ca khúc Bóng Phù Hoa đã được khẳng định khi không chỉ chiếm lĩnh Top 1 thịnh hành YouTube tại Việt Nam mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ thị trường quốc tế. (Ảnh: VMAS)

Thành công của ca khúc Bóng Phù Hoa đã được khẳng định khi không chỉ chiếm lĩnh Top 1 thịnh hành YouTube tại Việt Nam mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ thị trường quốc tế. (Ảnh: VMAS)

Những tác phẩm như vậy đã và đang tạo ra một “cơn gió mới” trong thị trường âm nhạc, nơi cảm xúc nghệ thuật và tính giải trí không đối lập mà cùng cộng hưởng. Việt Nam không đứng ngoài làn sóng toàn cầu này. Việc lấy cảm hứng từ truyền thuyết Người con gái Nam Xương, sử dụng làn điệu dân gian, hòa phối điện tử, dựng hình điện ảnh và trình diễn hiện đại - chính là cách Việt Nam nói chuyện với thế giới bằng chính tiếng nói văn hóa của mình. Nếu tiếp tục được đầu tư bài bản và định vị đúng hướng, âm nhạc dân gian Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một dòng nhạc “ethnic pop” đặc trưng, có sức cạnh tranh và lan tỏa như K-pop, flamenco-pop hay bollywood remix đã từng làm được.

Phải chăng chất liệu dân gian đang là đề tài dễ “viral” trong âm nhạc hiện nay, thưa bà?

Họa sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Điều này rất dễ nhận thấy trong bối cảnh thị trường âm nhạc hiện đại đang bão hòa với những giai điệu và hình ảnh mang tính đại chúng, việc khai thác chất liệu dân gian - đặc biệt là các truyền thuyết, câu chuyện, âm nhạc dân gian mang lại sự mới mẻ, độc đáo và bản sắc riêng. Không chỉ riêng Bóng Phù Hoa với câu chuyện Người con gái Nam Xương, thời gian gần đây, nhiều chương trình âm nhạc quy mô lớn cũng đã khai thác sâu chất liệu dân gian Việt Nam và gặt hái được những thành công ấn tượng. Các tiết mục như Trống Cơm, Mưa Trên Xứ Huế, Bèo Dạt Mây Trôi, hay Lý Ngựa Ô... lần lượt được làm mới trong các chương trình truyền hình thực tế cũng như các concert âm nhạc, như Anh trai Vượt ngàn Chông gai, The Masked Singer, Xuân Hạ Thu Đông Rồi Lại Xuân.

Nắm bắt được sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc, nhiều sân khấu âm nhạc lớn đã khéo léo tôn vinh chất liệu dân gian, biến vốn quý truyền thống thành linh hồn của chương trình và gặt hái thành công khi chinh phục được trái tim của đông đảo khán giả. (Ảnh: Lê Vượng)

Nắm bắt được sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc, nhiều sân khấu âm nhạc lớn đã khéo léo tôn vinh chất liệu dân gian, biến vốn quý truyền thống thành linh hồn của chương trình và gặt hái thành công khi chinh phục được trái tim của đông đảo khán giả. (Ảnh: Lê Vượng)

Lý do khiến dân gian “lên ngôi” đầu tiên chính là tính bản sắc trong bối cảnh toàn cầu hóa.Khi âm nhạc quốc tế tràn ngập, việc tìm lại bản sắc thông qua dân ca, nhạc cổ truyền trở thành một hướng đi thông minh. Nó không chỉ giúp khán giả trong nước “tìm lại mình” mà còn tạo nên sự khác biệt khi đưa sản phẩm ra quốc tế.

Thứ hai là tính biểu cảm vượt thời gian: Dân ca và nhạc truyền thống vốn đã chứa đựng những giá trị nghệ thuật cao - giai điệu dễ nhớ, ca từ giàu hình ảnh và cảm xúc. Khi được phối khí lại bằng nhạc cụ hiện đại, những tác phẩm này vẫn giữ được hồn cốt, đồng thời khoác lên lớp áo mới - dễ tiếp cận với giới trẻ.

Thứ ba là tính trình diễn mạnh mẽ trên sân khấu: Các ca khúc khai thác âm nhạc dân gian khi được tái hiện trên sân khấu thường gắn liền với vũ đạo, trang phục truyền thống và ánh sáng hiện đại, tạo nên tổng thể biểu diễn hấp dẫn, giàu màu sắc văn hóa.

Xu hướng sử dụng chất liệu dân gian trong âm nhạc đương đại không chỉ đơn thuần là làm mới những gì xưa cũ, mà còn là một hành trình tái sinh văn hóa dân tộc trong trái tim thế hệ trẻ. Khi nghệ sĩ và nhà sản xuất biết cách kể lại câu chuyện truyền thống bằng ngôn ngữ hiện đại, âm nhạc dân gian không những sống lại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong tương lai, nếu xu hướng này tiếp tục được đầu tư bài bản, có chiều sâu và trách nhiệm văn hóa, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một dòng chảy âm nhạc riêng biệt, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa có khả năng hội nhập và lan tỏa toàn cầu. Điều này không chỉ gợi sự tò mò mà còn đánh thức niềm tự hào văn hóa trong mỗi người nghe, nhất là thế hệ trẻ đang tìm cách kết nối lại với cội nguồn. Sự “viral” đến từ tính chất bản địa nhưng được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, dễ tiếp cận.

Ca sĩ Soobin Hoàng Sơn đã cùng bố là NSND Huỳnh Tú mang di sản xẩm và dân ca Bắc Bộ lên sân khấu hiện đại qua giọng hát và tiếng đàn bầu do chính anh thể hiện. (Ảnh: Lê Trung)

Ca sĩ Soobin Hoàng Sơn đã cùng bố là NSND Huỳnh Tú mang di sản xẩm và dân ca Bắc Bộ lên sân khấu hiện đại qua giọng hát và tiếng đàn bầu do chính anh thể hiện. (Ảnh: Lê Trung)

Bà có cho rằng chất liệu dân gian đang trở thành chất liệu tốt cho các sản phẩm âm nhạc lên xu hướng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ?

Họa sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Hoàn toàn có cơ sở để nhận định như vậy. Các quốc gia châu Á hiện đang chứng kiến một làn sóng quay về với văn hóa truyền thống, từ thời trang, điện ảnh cho đến âm nhạc. Những chất liệu dân gian mang tính biểu tượng - như ca trù, quan họ, cải lương hay thậm chí là sử thi - khi được kết hợp khéo léo với kỹ thuật sản xuất hiện đại, không những hấp dẫn khán giả nội địa mà còn có khả năng tiếp cận quốc tế nhờ yếu tố "độc đáo" và "bản địa hóa" giữa một thế giới toàn cầu hóa. Sự thành công của Bóng Phù Hoa, ban đầu là một MV sau đó được trình diễn LIVE trên sân khấu SING! ASIA là một ví dụ rất cụ thể.

Trong thời đại toàn cầu hóa, khi âm nhạc phương Tây có xu hướng lấn sân mạnh mẽ và công nghệ AI đang đe dọa sự “cá nhân hóa nghệ sĩ”, nhiều nghệ sĩ trên thế giới đã chủ động quay về với cội nguồn văn hóa, khai thác các yếu tố dân gian như nhạc cụ truyền thống, ngôn ngữ bản địa, thang âm dân tộc và cả chuyện kể dân gian để tạo ra những tác phẩm vừa mới lạ vừa sâu sắc. Đây không chỉ là một xu hướng nghệ thuật, mà còn là tuyên ngôn văn hóa - khẳng định bản sắc riêng giữa một thế giới ngày càng đại trà hóa.

Trong MV Idol, nhóm nhạc BTS đã gây chú ý toàn cầu khi kết hợp nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc như gayageum, buk cùng tiết tấu trap (hiphop)/EDM. Phần hình ảnh cũng gợi nhắc đến hội họa dân gian Minhwa. Sự pha trộn này giúp sản phẩm vượt qua ranh giới âm nhạc đại chúng và trở thành “biểu tượng văn hóa mềm” của Hàn Quốc.

Rosalía (Tây Ban Nha) đã thổi một làn gió mới vào nhạc flamenco truyền thống khi pha trộn với trap, R&B và reggaeton trong album El Mal Querer. Đây là một bước ngoặt đưa flamenco ra khỏi hình ảnh “già nua”, đến gần với khán giả Gen Z toàn cầu, mà không đánh mất bản sắc Tây Ban Nha. A.R. Rahman (Ấn Độ), người đứng sau thành công của nhạc phim Slumdog Millionaire, được mệnh danh là “Mozart của Ấn Độ” nhờ cách kết hợp nhạc cụ dân tộc như sitar, tabla với âm nhạc điện tử, pop và dàn nhạc giao hưởng. Ông biến dân gian thành “nguyên liệu toàn cầu”, dễ thẩm thấu mà vẫn mang đậm màu sắc phương Đông.

Việc đội ngũ sản xuất là những người trẻ có phải là yếu tố quan trọng giúp các sản phẩm âm nhạc kiểu này thành công, thưa bà?

Họa sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Đây chính là một trong những yếu tố then chốt. Thế hệ trẻ hiện nay có tư duy cởi mở, nắm bắt tốt xu hướng và đặc biệt thành thạo các công cụ công nghệ, từ sản xuất âm nhạc đến truyền thông số. Nhóm DTAP là minh chứng rõ nét: họ không chỉ hiểu truyền thống mà còn biết cách làm mới nó bằng hơi thở thời đại. Chính vì vậy, sản phẩm của họ dễ dàng “chạm” đến cả khán giả trẻ lẫn người yêu văn hóa truyền thống. Sự trẻ trung mang lại tính đột phá, điều mà những ê-kíp cũ có thể không dễ thực hiện.

Bên cạnh một số giám đốc âm nhạc, giám đốc sản xuất thế hệ Millennials đã thành danh như Slim V với phong cách kết hợp truyền thống và âm thanh điện tử như EDM, symphonic, Nguyễn Quốc Hoàng Anh kết hợp tuồng với múa đương đại, dân gian, breakdance cùng phong cách điện ảnh nghệ thuật, kể chuyện bằng ánh sáng, hay Đinh Hà Uyên Thư luôn có mắt thẩm mỹ thời trang, chắt lọc yếu tố thị trường để tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ thì DATP thuộc gen Z là thế hệ trẻ dấn thân vào truyền thống bằng tư duy mới và ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, thấu hiểu công nghệ và tâm lý giới trẻ. DTAP thường tự sáng tác, sản xuất, định hướng âm nhạc lẫn thông điệp, tạo nên tính liền mạch trong sản phẩm. Họ không ngần ngại kết hợp dân ca với hip-hop, electronic, hoặc những chất liệu nghe tưởng như "kỵ nhau". Họ là đại diện cho một lớp nghệ sĩ trẻ đang “kể lại chuyện xưa bằng tiếng nói hôm nay”.

Họ đều đang gặp nhau ở điểm chung - tinh thần làm mới văn hóa Việt. Mỗi ê-kíp có một hướng đi riêng, một hệ thẩm mỹ và một đối tượng khán giả cụ thể. Nhưng điểm chung lớn nhất của họ là nỗ lực đưa bản sắc văn hóa Việt Nam hòa vào âm nhạc hiện đại, dù là qua EDM, pop thị trường, hay điện ảnh nghệ thuật. Sự xuất hiện của những người trẻ như vậy cho thấy: âm nhạc dân gian không còn là “chuyện xưa” - mà đang thật sự hồi sinh qua bàn tay của các nghệ sĩ đương đại.

Ở góc độ chuyên môn về truyền thông, theo bà đâu là lý do để Bóng Phù Hoa thành công đến vậy?

Họa sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Tôi cho rằng có 3 lý do chính:

Thứ nhất, đó là chiến lược kể chuyện bằng âm nhạc - việc lấy cảm hứng từ truyền thuyết tạo nên chiều sâu và khiến khán giả không chỉ “nghe” mà còn “cảm”. Bóng Phù Hoa không đơn thuần là một bản nhạc, mà là một hành trình cảm xúc dẫn dắt người xem vào không gian văn hóa dân tộc - nơi thân phận người phụ nữ, nỗi oan khuất, tình mẫu tử và sự hy sinh được kể lại bằng âm nhạc. Truyền thuyết Người Con Gái Nam Xương vốn đã rất giàu tính nhân văn, khi kết hợp với giọng hát truyền cảm của Phương Mỹ Chi - vốn gắn liền với dòng nhạc dân ca - đã tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ về cảm xúc. Phương Mỹ Chi đã thể hiện khả năng “kể chuyện bằng giọng hát” - truyền tải nỗi đau, sự dằn vặt, và vẻ đẹp tinh thần của người phụ nữ xưa thông qua từng câu chữ. Đây không còn là "trình diễn" đơn thuần mà là "nhập vai", từ đó lay động khán giả vượt ra ngoài ngôn ngữ âm nhạc. Đoạn đầu được Phương Mỹ Chi hát bằng giọng tự sự, như tiếng nấc nghẹn của người thiếu nữ, và khi đẩy giọng lên cao, không đơn thuần là một nốt nhạc mà là tiếng gào thét, tiếng khóc nức nở. Phương Mỹ Chi đã biến từng câu hát thành từng mạch cảm xúc sống động.

Thứ hai, là sự kết hợp chặt chẽ giữa âm nhạc, hình ảnh và thông điệp văn hóa. MV được đầu tư chỉn chu, sử dụng ngôn ngữ hình ảnh mang tính điện ảnh, có chiều sâu thẩm mỹ, tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ. MV và sân khấu trình diễn đều sử dụng tông màu cổ điển, ánh sáng ấm và đạo cụ truyền thống để tái hiện không khí xưa. Những chi tiết như khói lam chiều, ánh đèn dầu, trang phục cổ truyền... không chỉ thẩm mỹ mà còn kích thích ký ức của người Việt, từ đó tạo ra sự đồng cảm sâu sắc nơi khán giả. Đó là sự kết hợp giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác giàu biểu cảm.

Thứ ba, là khả năng tạo hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội. Họ biết cách sử dụng TikTok, Reels, YouTube Shorts, và các nền tảng để đưa ra những điểm nhấn (hook) dễ nhớ, dễ chia sẻ. Từ đó kéo lượt xem về cho toàn bộ MV. Không chỉ dừng lại ở việc khai thác yếu tố truyền thống, Bóng Phù Hoa có tính giải trí cao khi có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. DTAP đã “remix” truyền thống thành hiện đại một cách khéo léo: nhịp điệu, hòa âm, cách dựng hình đều phù hợp với thị hiếu đương đại. Chính điều này giúp "Bóng Phù Hoa" không chỉ gây xúc động mà còn dễ tiếp cận với giới trẻ, từ đó tạo thành hiện tượng lan tỏa rộng rãi. Trình diễn tại SING! ASIA là một show thực thụ, nơi âm nhạc - ánh sáng - vũ đạo - trang phục hòa quyện trong một bản diễn sống động. Điều này khiến tiết mục không chỉ để nghe, mà còn để “xem” và “thưởng thức”, từ đó nâng cao tính giải trí toàn diện. Sau khi biểu diễn, Bóng Phù Hoa nhanh chóng được cắt clip ngắn để viral trên TikTok và Reels. Phần điệp khúc, ánh mắt của ca sĩ, những câu hát đầy chất thơ… đều dễ dàng trở thành "trend" bắt chước hoặc bàn luận, giúp sản phẩm lan tỏa mạnh không chỉ nhờ chất lượng mà còn nhờ tính giải trí lan truyền.

Dù mang đậm yếu tố văn hóa, Bóng Phù Hoa không hề “kén người nghe”. Trái lại, ca khúc lại có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ tính giải trí cao: phần nhạc có tiết tấu vừa đủ hấp dẫn, đoạn điệp khúc dễ nhớ, dễ lan truyền trên nền tảng số. Sự kết hợp giữa sân khấu hóa, âm nhạc điện ảnh và truyền thông số đã biến sản phẩm thành một hiện tượng giải trí đích thực - nơi khán giả vừa thưởng thức nghệ thuật, vừa có thể tương tác, chia sẻ và sáng tạo nội dung liên quan.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nội dung: Quỳnh Hoa | Thiết kế: Thu Trang

Tú Chân (Thực hiện)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hanh-trinh-tai-sinh-van-hoa-dan-toc-trong-trai-tim-the-he-tre-tu-nhung-san-pham-am-nhac-mang-chat-lieu-dan-gian-post1758403.tpo