Nhiếp ảnh gia người Mỹ, tình bạn với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bức ảnh 'để đời'
Catherine Karnow, nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ, chia sẻ với TG&VN về tình thân với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Bức ảnh tôi chụp chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được sử dụng để minh họa cho mọi cuốn sách viết về Tướng Giáp. Hàng trăm người đã ôm bức ảnh đó trong lễ tang của ông. Bức ảnh có mặt ở mọi nơi, đó là ảnh của tôi, nhưng không ai xin phép tôi. Tôi không nhận được một xu nào tiền nhuận ảnh”.
Catherine Karnow, nhiếp ảnh gia người Mỹ đã chia sẻ rất thật khi tôi thực hiện bài phỏng vấn bà về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (25/8/1911-25/8/2021).
Nhưng lúc nói những lời này, bà không hề lên án, hay chỉ trích, mà ánh mắt bà lấp lánh, nụ cười vốn rất tươi cũng như tỏa sáng. Tôi nhận thấy dường như bà đang hạnh phúc, hãnh diện...
Trong cuộc trò chuyện, tôi cũng cảm nhận được sự ngưỡng mộ của một phóng viên nước ngoài dành cho Đại tướng, sự trân trọng tình thân mà bà có được với gia đình ông cũng như sự gắn bó đối với Việt Nam, đất nước mà bà coi như là “quê hương thứ hai”.
Bà nói rằng bố mình chỉ “cung cấp thông tin liên lạc cần thiết” trước khi bà sang Việt Nam để chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng sau đó, bà trở thành người bạn thân thiết của gia đình Đại tướng, bà có thể chia sẻ thêm về điều này? Có một điều khá “bất thường” đã xảy ra khi tôi sang Việt Nam. Đó là ngay lần đầu tiên, tôi đã được thu xếp đến nhà riêng của Đại tướng. Điều này khác hẳn với bố tôi, người nhiều lần phỏng vấn Đại tướng nhưng chủ yếu tại văn phòng. Sau chuyến đi đó, tôi trở lại Việt Nam nhiều lần, năm 1991, 1994… Nhưng mãi đến năm 2014, tức là hơn 20 năm sau, trong một cuốn phim tài liệu về Tướng Giáp, con trai của Đại tướng, ông Võ Điện Biên nói rằng, tình thân giữa tôi và gia đình Đại tướng giống như là "duyên định" (destiny). Tôi không biết rằng bản thân Tướng Giáp, con trai ông, hay cả gia đình ông đã nghĩ như vậy từ bao lâu. Nhưng Võ Điện Biên nói rằng ngay từ lần đầu tiên tôi đến nhà họ, ông đã biết rằng chúng tôi sẽ trở thành bạn bè thân hữu, bởi “có một sự kết nối chặt chẽ sâu sắc nào đó” giữa chúng tôi. Tình bạn giữa tôi và gia đình Tướng Giáp ngày càng trở nên sâu sắc, với cả các con và cháu của ông. Thỉnh thoảng, tôi lại gửi cho họ những bức ảnh mà tôi đã chụp về gia đình, bằng bản in, và qua email. Mỗi lần sang Việt Nam, tôi lại đến thăm nhà ông và chúng tôi luôn có những bữa tối quây quần, ấm áp, thân tình. Vì thế, tôi có thể nói rằng tình bạn giữa tôi và gia đình ông đến rất tự nhiên. Tôi cũng khá thân với con gái, cháu gái của Tướng Giáp. Chúng tôi rất hay chia sẻ với nhau và tìm thấy nhiều điểm chung về nhận thức các giá trị và các mối quan tâm. Tôi cảm thấy chúng tôi như là chị em. Tôi đặc biệt thân với chị Võ Hòa Bình, con gái ông. Chị như một người bạn tâm giao của tôi. Chúng tôi có thể nói với nhau rất nhiều chuyện, chia sẻ rất nhiều điều, kể cả nỗi buồn, sự mất mát, tình yêu, hay cái chết, và cả những gì sẽ xảy ra sau khi con người ta chết đi. Chúng tôi có sự gần gũi nhau còn có lẽ vì bố tôi và Tướng Giáp đã mất trong cùng một năm 2013, chỉ cách nhau vài tháng. Bởi vậy, những mất mát, nỗi đau mà tôi trải qua cũng giống như những thành viên trong gia đình Tướng Giáp khi họ mất người bố, người ông của mình. Tình yêu của tôi đối với bố cũng giống tình cảm của họ với Đại tướng. Trò chuyện với họ, tôi cảm thấy mình được an ủi.
Những bức ảnh về Tướng Giáp mà bạn cho là nổi tiếng đó thực ra lúc chụp, tôi không nhận ra mình có được sản phẩm để đời.
Bức ảnh Đại tướng mặc bộ lễ phục màu trắng đó thực ra tôi chụp là theo đề nghị của bà Bích Hà, vợ ông.
Đó là vào năm 1991, khi tôi quay trở lại Việt Nam, chị Hà bảo muốn có một bức ảnh chân dung ông mặc trang phục đẹp, nghiêm túc!
Với tôi, chụp một bức ảnh như vậy quá dễ. Đại tướng lại là người rất hợp tác khi chụp ảnh và biết cách “tạo dáng” để có bức ảnh ưng ý.
Và tôi đã chụp tấm ảnh đó chỉ trong vòng khoảng… 3 phút. Thậm chí còn không cần phải chỉnh đèn, mà chỉ chỉnh độ sáng cho bức ảnh sau khi chụp.
Sau đó thì tôi in ảnh và gửi cho gia đình Tướng Giáp. Và họ, thì không một chút lưỡng lự, gửi cho Nhà xuất bản Thế giới.
Kể từ đó, Nhà xuất bản Thế giới bắt đầu sử dụng tấm ảnh này cho tất cả các cuốn sách viết về Tướng Giáp. Vài năm sau đó, tôi mới phát hiện điều này, khi thấy tấm ảnh đã xuất hiện ở mọi nơi.
Khi nhìn thấy mọi người ôm tấm ảnh trong lễ tang, tôi cũng không cảm thấy buồn phiền nữa, bởi vì bức ảnh đó như đã ở đó, có sẵn cho mọi người ai cũng có thể sử dụng.
Có lẽ bức ảnh đã phản ánh đúng những gì mọi người vẫn nhìn thấy, cảm nhận về Tướng Giáp. Trong ảnh, ông rất nhân từ, phúc hậu.
Nhưng tôi phải nói rằng Tướng Giáp không hẳn thích tấm ảnh chân dung đó. Ông thích nhất là bức ảnh tôi chụp ông đang vui đùa cùng một người cháu.
Tôi nghĩ chắc là do ông rất yêu cháu, yêu cả gia đình của mình. Bởi vì trong ảnh, ông đúng là một người ông, chứ không phải là một vị Tướng.
Thế còn bức ảnh chụp Đại tướng như một “ngọn núi lửa phủ tuyết”, trông không hề giống với bất kỳ tấm ảnh nào khác của Đại tướng. Bà đã chụp ảnh này trong bối cảnh như thế nào?
Trước hết phải nói rằng tôi hài lòng với tấm ảnh này. Mặc dù tất cả những bức ảnh khác tôi chụp Tướng Giáp đều rất ổn nhưng tôi thấy đây là bức ảnh thú vị nhất, "bất bình thường" nhất.
Bất bình thường bởi Tướng Giáp trong ảnh là hình ảnh mà tôi chưa bao giờ thấy ở các bức ảnh khác.
Như bạn thấy đấy, với tấm hình chụp chân dung Đại tướng theo đề nghị của vợ ông như đã nói ở trên, tôi nghĩ rằng nhiều người thích, và sử dụng nó bởi trong ảnh trông ông rất đẹp, rất hiền từ, nhân từ.
Nhưng chụp bức “núi lửa phủ tuyết” hoàn toàn khác. Như tôi đã nói, mục đích sang Việt Nam lần đầu tiên của tôi năm 1990 là để chụp ảnh Tướng Giáp. Và khi đến nhà ông, tôi rất chăm chú vào mục tiêu này.
Tôi muốn chụp chân dung ông trong ánh sáng tự nhiên. Nhưng lúc vào nhà, ngồi trong phòng khách, tôi loay hoay mãi.
Một phần vì lần đầu tiên gặp Đại tướng nên tôi không biết phải nói gì, bắt đầu từ đâu. Phần nữa là tôi không biết phải chụp ảnh ông ở chỗ nào và như thế nào. Trong phòng khách không hề có ánh sáng tự nhiên, các cửa sổ thì đóng.
Sau đó, tôi quyết định xin phép đi quanh nhà để tìm địa điểm thích hợp. Và tôi đã đi loanh quanh, ngó nghiêng, khiến các nhân viên bảo vệ và an ninh bối rối không hiểu tôi muốn làm gì.
Cuối cùng, tôi đi xuống cầu thang và phát hiện có ánh sáng tự nhiên chiếu xuống ở trong bếp.
Tôi quay lại phòng khách, nói với Đại tướng là mình đã tìm thấy điểm thích hợp. Và ông đứng dậy, đi theo tôi. Một lần nữa, tôi khiến các anh bảo vệ an ninh hoang mang!
Sau đó thì ông - một Đại tướng, một nhân vật vĩ đại của dân tộc Việt Nam, ngồi xuống bậc thang, nhà bếp ngước lên nhìn tôi - một nhiếp ảnh gia còn trẻ tuổi, để cho ánh sáng tự nhiên đó chiếu vào mắt, theo đúng như yêu cầu và ý đồ của tôi.
Lúc đó, tôi càng cuống hơn, Tôi chật vật đứng trên cầu thang, cố gắng lắp đặt chân máy ảnh trên cầu thang. Nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện ý định của mình. Còn ông thì rất hiền từ, kiên nhẫn, vẫn ngồi yên trên bậc thang, và nhìn thẳng vào camera khi tôi chụp.
Tôi đã bấm không biết bao nhiêu tấm hình. Và cũng không phải như thời nay có máy ảnh kỹ thuật số, lúc đó tôi không biết các tác phẩm của mình sẽ như thế nào. Tôi đã cảm ơn ông, và thầm hy vọng sẽ có tấm ảnh đúng như mong muốn.
Vậy gia đình Đại tướng đã đón nhận tấm ảnh như thế nào?
Vài tuần sau, tôi mới in ảnh ra và gửi bằng email cho gia đình Đại tướng. Vì không trao ảnh trực tiếp nên tôi cũng không biết gia đình ông nghĩ gì và bình luận như thế nào.
Tuy nhiên, cuối năm 2019, khi tôi đang tham gia một bộ phim tài liệu, tôi đã hỏi Võ Điện Biên về tấm ảnh, rằng ông có thấy hai vẻ mặt ở trong tấm ảnh không - một mặt trắc ẩn, ấm áp và quan tâm còn một mặt quyết liệt và dữ dội đúng như một vị tướng trên chiến trường. Và câu trả lời rất ngắn gọn của Võ Điện Biên là: “Có”.
Có được bức ảnh ưng ý, vậy bà đã sử dụng nó thế nào? Người xem đã đón nhận nó ra sao?
Tôi đã đưa tấm ảnh này vào cuốn sách “Việt Nam 25 năm của một đất nước đang thay đổi” lần đầu tiên được xuất bản vào 4/2015. Và trưng bày cả trong cuộc triển lãm. Ngoài ra, tôi không công bố hay phát hành tấm ảnh này ở bất kỳ nơi đâu. Nó cũng chỉ là một trong số rất nhiều tấm ảnh tôi chụp trong một dự án cá nhân.
Khi tấm ảnh được trưng bày trong triển lãm, và xuất hiện cả trên tivi và các báo, cũng có nhiều người ấn tượng về nó. Nhưng tôi không nhận được lời bình luận nào, ngoài nhận xét về “hai vẻ mặt trong một bức ảnh” như tôi đã nói.
Bà đã có hơn 30 năm gắn bó với Việt Nam. Một triển lãm ảnh, cuốn sách ảnh về Việt Nam được tái bản nhiều lần. Hẳn bà có nhiều tình cảm với đất nước chúng tôi. Tình cảm này bắt nguồn từ đâu? Từ nhiều thứ. Từ lúc sinh ra, tôi đã nghe nhiều đến Việt Nam. Tôi từng lớn lên ở Hong Kong và ở đó gia đình tôi đã có nhiều người bạn Việt Nam. Tôi chắc chắn rằng chuyến đi sang Việt Nam lần đầu tiên năm 1990 đó thực sự là chuyến đi thú vị, tuyệt vời và mang lại nhiều cảm xúc nhất trong cuộc đời tôi. Tuy nhiên, theo nhận thức của tôi lúc đó thì Việt Nam là nơi rất đáng sợ, và còn ở rất gần, cùng tại châu Á. Và tôi chỉ nghĩ rằng bố tôi đang đi đến đó, như đi vào trong cơn bão. Tôi không sống ở Mỹ khi xảy ra chiến tranh Việt Nam, nên tôi cũng không biết đến các phong trào phản đối chiến tranh tại Mỹ. Tôi cũng không hiểu nhiều về Việt Nam. Bởi theo tôi, hiểu biết về một quốc gia có nghĩa là phải biết về lịch sử, đất nước, con người nước đó. Nhưng tôi chắc chắn rằng chuyến đi sang Việt Nam lần đầu tiên năm 1990 đó thực sự là chuyến đi thú vị, tuyệt vời và mang lại nhiều cảm xúc nhất trong cuộc đời tôi. Bởi tôi yêu Hong Kong, nhưng tôi cảm thấy mình không được yêu, không được công nhận. Còn lúc đến Việt Nam, tôi cảm thấy như tìm thấy điều gì đó đã đánh mất.
Rất khó giải thích... Tôi cảm mình thấy khá thân thuộc với Việt Nam.
Đặc biệt là người dân, họ luôn hướng về tôi, chào đón với đôi tay rộng mở. Thực sự rất ấm áp.
Tôi cũng ấn tượng về những giá trị của người Việt về gia đình, về số phận, về tính cần cù, sự thân thiện. Tôi có cảm giác như được trở về nhà.
Khi bạn gặp ai đó, ấn tượng cơ bản nhất, ban đầu nhất, đó là hai bên có trở thành bạn bè được hay không.
Với Việt Nam, tôi có được cảm giác này. Cảm nhận được sự thân thiện, sự quan tâm, sự sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ.
Và khi tôi nỗ lực, chăm chỉ, cố gắng hoàn thành công việc của mình, tôi cảm thấy được ghi nhận, được đánh giá cao.
Với những người bạn Việt Nam, tôi cũng thoải mái thể hiện cảm xúc của mình mà không sợ bị quay lưng, bị đánh giá.
Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người Việt Nam. Năm nào vào mùa Thu, tôi cũng đến Việt Nam để dự các sự kiện kỷ niệm về Tướng Giáp.
Tôi nhớ rất rõ những địa điểm ở Hà Nội của thời rất lâu trước đây. Rất quen thuộc, như một ngôi nhà thứ hai của tôi.
Bà định khi nào trở lại Việt Nam, và có kế hoạch tương lai nào dành cho Việt Nam?
Lần cuối cùng tôi ở Việt Nam là cuối năm 2019, đến nay cũng đã gần 2 năm. Vì dịch bệnh Covid-19, tôi đã không thể trở lại Việt Nam. Nhưng tôi hy vọng tôi có thể sớm quay lại khi hết dịch.
Tôi mong trở lại vì tôi có rất nhiều ý tưởng, nhiều dự án muốn thực hiện ở Việt Nam. Tôi cũng muốn được đi chụp ảnh nhiều nơi, gặp nhiều bạn bè.
Bên cạnh các bộ phim tài liệu, tôi sẽ chụp những bức ảnh để nâng cao nhận thức về bom mìn, về chất độc màu da cam. Đến Việt Nam, tôi nhận ra rất nhiều điều, và muốn kể các câu chuyện qua ảnh. Và cả ăn món phở rất yêu thích nữa.
Hy vọng tôi sẽ có thể sớm quay trở lại.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện đầy thú vị này!