Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản và 'biên niên sử' bằng hình

Ngay từ nhỏ, Nguyễn Bá Khoản (1917 - 1993) đã rất thích chụp ảnh và cha ông đã tạo mọi điều kiện để ông đạt được nguyện vọng.

Với chiếc máy ảnh, ông đã tìm ra một hướng đi mới với những cảm xúc vô tận cho cuộc đời mình, ghi tên mình vào lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam với bộ tư liệu lịch sử bằng hình ảnh độc nhất vô nhị.

Trung đoàn Thủ Đô đi đầu, về đến phố Hàng Gia, ngày 10-10-1954 khi tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Trung đoàn Thủ Đô đi đầu, về đến phố Hàng Gia, ngày 10-10-1954 khi tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

1. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản sinh ngày 3 tháng 7 năm 1917 ở thôn Liễu Viên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Đông (nay là xã Quyết Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội). Ông là con thứ trong một gia đình nghèo có bốn anh em gồm hai trai, hai gái. Thân sinh của ông là cụ Nguyễn Bá Cầu làm nghề thợ mộc ở phố Lò Sũ, Hà Nội; thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Tán cùng quê.

Nguyễn Bá Khoản giác ngộ cách mạng, tham gia công tác thanh niên từ những năm 1935 - 1936, là phóng viên cho nhiều tờ báo của Đảng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông là phóng viên của Tổng bộ Việt Minh, hoạt động ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, làm trưởng phái đoàn thanh tra các mặt trận Nam Bộ, hai lần Nam tiến làm đặc phái viên Thông tấn xã và phóng viên chiến tranh của báo Cứu Quốc. Ông từng có mặt ở các mặt trận liên khu I, II, III, IV trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là thành viên trong Ủy ban Quân chính Hà Nội về tiếp quản Thủ đô năm 1954.

Nguyễn Bá Khoản bị bệnh hen mạn tính, nhưng căn bệnh quái ác này đeo đẳng cũng không ngăn được bước chân người nghệ sĩ, chiến sĩ cách mạng. Vũ khí chiến đấu của ông là chiếc máy ảnh cổ Pronton II và cái bơm thuốc để chống lại những cơn hen suyễn bất thường. Thật kỳ lạ, vậy mà ông vẫn một mình đạp xe đạp vòng quanh Đông Dương (khoảng 5.000km), như con thoi tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc, không ngại hiểm nguy và luôn có mặt cùng các chiến sĩ ở những nơi chiến sự xảy ra ác liệt nhất, chụp những tấm ảnh mô tả chân thực nhất, sinh động nhất cuộc chiến đấu của quân và dân ta.

2. Hơn nửa thế kỷ cầm máy, cả cuộc đời dốc trọn tâm huyết làm một nhân chứng lịch sử, gia tài Nguyễn Bá Khoản để lại cho hậu thế là 14 cuộc triển lãm ảnh ở trong và ngoài nước. Vợ ông, bà Cao Bích Thu đã kỳ công lưu giữ được nguyên vẹn gần 50.000 bản phim gốc và hàng chục nghìn bức ảnh vô cùng quý giá được cho là bộ tư liệu lịch sử bằng hình ảnh độc nhất vô nhị. Những năm tháng chiến tranh, bà Thu lo sợ phim, ảnh của chồng bị thất lạc hoặc bị ẩm mốc nên bà đã gánh toàn bộ phim, ảnh của chồng về quê ngoại ở Ninh Bình cất giấu trong chiếc vò sành, lót vôi bột ở dưới, bịt thật kín để chống bị ẩm.

Khoảnh khắc và mãi mãi, vẫn còn đó những tấm ảnh ghi lại những thời điểm trọng đại của lịch sử đấu tranh cách mạng. Đó là hình ảnh 34 chiến sĩ, những người con quần nâu áo vải, chân đất, ruột tượng gạo quàng vai, đứng trang nghiêm dưới lá cờ đỏ sao vàng, nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Chỉ thị thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân” trong khu rừng Trần Hưng Đạo; là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra lễ đài đọc “Tuyên ngôn Độc lập” giữa Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Hay những bức ảnh như "Đánh chiếm Bắc Bộ phủ" (19-8-1945), "Hội nghị báo giới Bắc kỳ" (1937), "Mít tinh ở khu Đấu Xảo" (1938), "Đại hội truyền bá chữ Quốc ngữ" (5-1938), "Chiến đấu ở Ngã Tư Vọng" (2-12-1946), "Đánh chiếm Viện Pasteur" (12-1946), "Đánh địch ở Cầu Giấy" (1-1947), "Đường Trần Nhân Tông biến thành ụ súng" (1-1947), "Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" (1945), "Thanh niên Hà Nội xung phong vào Nam đánh giặc" (10-1945), "Đoàn quân Nam tiến" (10-1945), "Một tổ chiến đấu trên phố Hàng Chiếu" (12-1946), "Đoàn quân tiến về Giải phóng Thủ đô" (10-1954) và hình ảnh người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội trên cầu Long Biên...

Lần giở bộ sưu tập ảnh của ông, ta thấy tất cả như đang hiện ra khung cảnh một dân tộc vùng lên quyết chí bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất. Nguyễn Bá Khoản đã hiến tặng hàng nghìn bức ảnh lịch sử vô cùng quý giá cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Quân đội, Cục Lưu trữ Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức văn hóa, lịch sử của các nước bạn. Năm 1948 ông gửi một tập ảnh giới thiệu cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta tới Đại hội Thanh niên và Sinh viên thế giới tại Praha (Tiệp Khắc). Cũng trong năm đó ông tham dự triển lãm “Cần lao Quốc tế” ở Ba Lan. Năm 1952 ông tham dự triển lãm ảnh hữu nghị Việt - Trung - Xô tổ chức tại Thanh Hóa...

Để có được bộ “biên niên sử” đồ sộ của cách mạng Việt Nam bằng hình, ống kính của Nguyễn Bá Khoản liên tục hướng về những sự kiện quan trọng mang tính khai sinh ra lịch sử. Người nghệ sĩ, chiến sĩ Nguyễn Bá Khoản, bằng tài năng thiên bẩm và lòng quả cảm của mình đã biến những khoảnh khắc trở nên vĩnh hằng thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh.

3. Ngày 30-3-1993, Nguyễn Bá Khoản về với thế giới người hiền, hưởng thọ 76 tuổi. Gần 60 năm cầm máy, ngần ấy năm gắn bó với Hà Nội, chứng kiến bao biến cố và cả những thiệt thòi mất mát trong cuộc sống, nhưng ông vẫn một lòng trung kiên, tận hiến tất cả tài năng và lòng yêu nước. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Nhà nước. Năm 1996, sau khi mất được 3 năm ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Hiện nay ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) và ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có phố và đường mang tên cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản.

Nguyễn Thị Kim Oanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhiep-anh-gia-nguyen-ba-khoan-va-bien-nien-su-bang-hinh-680641.html