Nhiếp ảnh gia Trần Thanh Thảo: 'Với chiếc máy ảnh, tôi được tự do cảm xúc'

Triển lãm ảnh cá nhân của Trần Thanh Thảo mang tên '224 by Tran Thanh Thao' có lẽ là một cuộc trưng bày bài bản bậc nhất của làng nhiếp ảnh Việt Nam.

Trần Thanh Thảo đã mở ra một cánh cửa mới bước vào niềm đam mê thứ hai mang tên nhiếp ảnh.

Trần Thanh Thảo đã mở ra một cánh cửa mới bước vào niềm đam mê thứ hai mang tên nhiếp ảnh.

“224 by Tran Thanh Thao” với trên 100 tác phẩm ảnh màu và trắng đen do nghệ sĩ Trần Thanh Thảo thực hiện và tuyển chọn về những miền cảm xúc ở Mông Cổ, Kyrgyzstan và Pakistan.

Những bức ảnh đẹp đến lạ thường không chỉ là những câu chuyện kể về hành trình đầy cảm xúc cá nhân của tác giả với tình yêu nhiếp ảnh, mà còn là một trải nghiệm ấn tượng cho người thưởng lãm.

Cánh cửa mới bước vào niềm đam mê

Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đánh giá “224 by Tran Thanh Thao” là triển lãm ảnh đầu tiên tại Việt Nam mang chất lượng bảo tàng. Tuy nhiên, ẩn sâu trong mỗi bức ảnh và xuyên suốt cuộc triển lãm, nghệ sĩ Trần Thanh Thảo dường như không nêu một tuyên ngôn nghệ thuật nào.

Các tác phẩm không mang sự diễn giải, không nhằm giới thiệu một không gian địa lý, không đánh giá, không đúng sai, mà chỉ là những nồng nàn cảm xúc. Tất cả như một cuộc tái sinh từ sâu thẳm bên trong, thể hiện bước ngoặt cho quyết định dấn thân tận cùng với nhiếp ảnh.

Trần Thanh Thảo bắt đầu thực hành nhiếp ảnh với chiếc máy ảnh Leica vào năm 2018.

Trần Thanh Thảo bắt đầu thực hành nhiếp ảnh với chiếc máy ảnh Leica vào năm 2018.

Trần Thanh Thảo tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM, cô có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo và thiết kế quảng cáo, hiện là Giám đốc sáng tạo của 2Res Event.

Năm 2018, Thanh Thảo bắt đầu thực hành nhiếp ảnh với chiếc máy ảnh Leica đầu tiên. Cô nói rằng: “Nếu như ngành thiết kế là một không gian rực rỡ sắc màu, giúp tôi tiếp cận những điều tươi mới với thế giới bên ngoài thì nhiếp ảnh lại là cuộc đối thoại âm thầm nhưng mãnh liệt với chính bản thân”.

Chia sẻ về triển lãm có cái tên thật lạ “224 by Tran Thanh Thao”, nữ nghệ sĩ xúc động nói rằng: “Mỗi con đường luôn bắt đầu từ một cột mốc. Với tôi, đó là ngày được sinh ra 30/11/1979. Còn 224 là con số được cộng lại - một phiên bản khác của chính mình, mở ra một cánh cửa mới bước vào niềm đam mê thứ hai của tôi mang tên nhiếp ảnh”.

Nữ nhiếp ảnh gia tin rằng, tình yêu sẽ tái sinh. Bởi thế mà những bức ảnh không mang sự diễn giải, không nhằm giới thiệu một không gian địa lý, không đánh giá, không đúng sai, mà chỉ là những nồng nàn cảm xúc trải nghiệm các vùng đất khác nhau, là cơ duyên gặp gỡ với con người, những câu chuyện buồn vui hay có thể gọi một tên khác là những “thân phận”.

Với hơn 100 tác phẩm ảnh màu và trắng đen được tuyển chọn, triển lãm mang đến một trải nghiệm ấn tượng cho người thưởng lãm qua 3 chủ đề: Miền tự do; Khoảng bình yên và Bản hùng ca, tương ứng với 3 quốc gia Mông Cổ, Kyrgyzstan và Pakistan.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm cho rằng, “224 by Tran Thanh Thao” là một triển lãm ảnh rất công phu trong trình bày, chiếu sáng với tính thẩm mỹ cao nhất trong một không gian thưởng lãm nghệ thuật ảnh chuyên nghiệp lần đầu tiên tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Mức độ đầu tư của một nhiếp ảnh gia nữ mới vào nghề thật sự ấn tượng qua sức lao động nghiêm túc với ngôn ngữ hình ảnh riêng biệt ở những vùng đất đã đi qua.

“Những tác phẩm ảnh được tác giả giới thiệu qua những bản in chất lượng cao nhất với những loại giấy ảnh đạt chuẩn fine art cũng như những khâu cuối cùng trong làm khung cũng được đầu tư đồng bộ về chất lượng.

Vượt qua chính mình để thực hiện một triển lãm ảnh cá nhân đầu tay ấn tượng và chỉn chu, đó chính là bước đệm để Trần Thanh Thảo có những bước tiến dài trên con đường trải nghiệm nghệ thuật nhiếp ảnh với ngôn ngữ hình ảnh của riêng mình cùng nhiều triển lãm mới trong tương lai không xa”, nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm cho hay.

“Lá thiên thu đẹp làm thinh bên đường”

Xem “224 by Tran Thanh Thao”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng nhận định: “Dù là triển lãm ảnh đầu tay nhưng bằng tài năng, sự cầu toàn, khắt khe và chỉn chu trong nghề, Trần Thanh Thảo đã thành công.

Xem từng bức ảnh Thảo chụp, qua nhiều không gian, nhiều vùng đất, ở nhiều thời điểm, mỗi bức ảnh đều chứa đựng những cảm xúc riêng biệt. Thảo đã đưa được những cảm xúc ấy vào trong bộ ảnh triển lãm bằng việc vận dụng những thủ pháp khác như chất lượng bản in, ánh sáng, âm thanh, bài trí”.

Thưởng lãm những tác phẩm đẹp lạ thường ấy, nhà nghiên cứu Lý Đợi lại chợt nhớ đến hai câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng: “Em về xứ cũ một mai/ Nhìn xem cố quận trúc mai hội hè”. Sau những chuyến đi Mông Cổ, Kyrgyzstan, Pakistan… qua những bức hình chụp dọc đường, Trần Thanh Thảo như nhận ra cố quận và con đường mới của mình - nhiếp ảnh.

Chính vì vậy, dù chụp phong cảnh và con người ở Mông Cổ, Kyrgyzstan, Pakistan, nhưng “224” không phải là triển lãm về con người và phong cảnh, mà là sự hốt nhiên tìm thấy lại cố quận ẩn sâu bên trong, tìm thấy lại một con đường sẽ dấn bước dài lâu hơn ở hiện tại và tương lai.

“Trong các câu chuyện về hốt nhiên nhận ra, thì “cây phướn trước chùa”, “uống trà đi” là những ví dụ như vậy. Cả đời tìm kiếm vẫn không thấy, đến khi tình cờ uống một hớp trà thì lại nhận ra cố quận của lòng mình, của tâm thức.

Cố quận ở đây - như quan niệm của Bùi Giáng không chỉ là cố xứ, là quê cũ, hoặc một nơi chốn cụ thể, mà là một cảnh giới, một tâm cảnh chạm đến. Vì vậy mà đôi khi đến xứ lạ, gặp điều bất ngờ, thì lại nhận ra cố quận. Đôi khi ở cố hương, quê cũ thì lại không”, ông Lý Đợi cho hay.

Đứng trước những tác phẩm do chính đôi tay mình bấm máy, ở mỗi khoảnh khắc do chính tâm trí mình chọn lựa, nghệ sĩ Trần Thanh Thảo bộc bạch rằng: “Đến Mông Cổ, Kyrgyzstan, Pakistan như có cảm giác trở về nhà, không phải với căn nhà của thời thơ ấu, mà là nhà ở trong cõi xa mờ nào đó, sau mỗi bức hình, nó dần dần hiện ra, ngày càng rõ ràng hơn”.

Và cũng bởi người sáng tạo luôn “Hào hoa bỏ lại bên mình/ Lá thiên thu đẹp làm thinh bên đường” như Bùi Giáng đã viết, thì trong triển lãm nhiếp ảnh đầu tay này, rất nhiều tác phẩm đang ở trạng thái “Lá thiên thu đẹp làm thinh bên đường” giống như vậy.

Có thể Trần Thanh Thảo không quan tâm đến điều này, nhưng trong “Từ điển biểu tượng” (A Dictionary of Symbols) của Juan Eduardo Cirlot, ở mục từ “Những con số”, thì số 4 được ghi là: Tượng trưng cho không gian địa cầu, cho thân phận con người, cho những giới hạn bên ngoài tự nhiên, cho những nhận thức “tối thiểu” về toàn thể tính và sau hết, về tổ chức thuần lý.

Nó đồng đẳng với hình vuông, hình lập phương và chữ thập, đại diện cho bốn mùa và các phương địa bàn. Một phần lớn các hình thức vật chất và tâm linh được mô thức theo bộ 4. Nó là số liên lạc với sự thành đạt hữu hình và với những nguyên tố. Trong tư tưởng huyền học, nó đại diện cho Tứ tượng (tetramorphs).

Với những ai chỉ quan tâm đến độ biểu cảm của Leica, đặc biệt là máy ảnh đen trắng, thì những bức ảnh phóng lớn ở “224 by Tran Thanh Thao” - nhiều bức chân dung tỷ lệ 1:1 với người thật - cũng rất đáng xem.

'224 by Tran Thanh Thao' được đánh giá là triển lãm ảnh đầu tiên tại Việt Nam mang chất lượng bảo tàng.

'224 by Tran Thanh Thao' được đánh giá là triển lãm ảnh đầu tiên tại Việt Nam mang chất lượng bảo tàng.

Triển lãm ảnh rất công phu trong trình bày, chiếu sáng.

Triển lãm ảnh rất công phu trong trình bày, chiếu sáng.

Việc vận dụng những thủ pháp như chất lượng bản in, ánh sáng, sắp đặt, bài trí cũng đem lại cho triển lãm những khác biệt.

Việc vận dụng những thủ pháp như chất lượng bản in, ánh sáng, sắp đặt, bài trí cũng đem lại cho triển lãm những khác biệt.

Miền tự do của tâm hồn

Ở mỗi chủ đề của triển lãm, Trần Thanh Thảo đầy dụng ý và dụng tâm sắp xếp, bài trí lẫn bố cục. Nhờ kỹ thuật ánh sáng, những bức ảnh nổi lên trong khung hình dẫn dắt người xem lạc vào thế giới khác lạ. Không mộng ảo, không khuếch trương, chỉ có sự thật, trầm tĩnh, lắng đọng quyện hòa trong “ghi chép” nhiếp ảnh.

Với “Miền tự do”, những tác phẩm đen trắng của Trần Thanh Thảo thể hiện nét đơn sơ và mộc mạc của thiên nhiên phía Bắc Mông Cổ xa xôi. Không gian đời sống đơn sơ của một gia đình chăn tuần lộc và những người nài ngựa giữa miền thảo nguyên bao la đã tạo ra những “cú va chạm” mạnh trong tâm hồn phiêu du của người thưởng lãm. Mọi thứ có lẽ cũng chỉ để dắt ta đi một vòng lớn rồi trở về chạm vào chính mình.

“Khi nhìn thấy đàn tuần lộc nằm rạp trên ngọn núi trong ánh hoàng hôn, tôi đã nghĩ có lẽ khung cảnh này sẽ chỉ được nhìn thấy một lần và mãi mãi. Những cặp sừng tuyệt đẹp lấp lánh trong nắng chiều bình yên, tôi quyết định buông máy, tiến đến chúng thật gần, vuốt ve thật lâu, rồi khi ngồi giữa đàn tuần lộc, tôi thấy cuộc đời mình thật hạnh phúc và tự do”, nữ nghệ sĩ Trần Thanh Thảo chia sẻ.

Trái với nét hoang sơ của “Miền tự do”, màu sắc và những cú máy trong các tác phẩm thuộc chủ đề “Khoảng bình yên” lại thể hiện một sắc màu tương phản – ấm áp và trữ tình tại Kyrgyzstan. Đó có thể là khung cảnh chiếc cabin màu xanh bình yên giữa núi non nghìn trùng hay nụ cười hồn nhiên của bé gái sau khung cửa sổ hoa văn và sắc màu sống động.

Trong khuôn khổ triển lãm còn có các talkshow trao đổi về nghiệp vụ nhiếp ảnh.

Trong khuôn khổ triển lãm còn có các talkshow trao đổi về nghiệp vụ nhiếp ảnh.

Một bức ảnh đen trắng nằm trong chủ đề 'Miền tự do'.

Một bức ảnh đen trắng nằm trong chủ đề 'Miền tự do'.

Tác phẩm trong chủ đề 'Bản hùng ca'.

Tác phẩm trong chủ đề 'Bản hùng ca'.

Tác phẩm trong chủ đề 'Khoảng bình yên'.

Tác phẩm trong chủ đề 'Khoảng bình yên'.

Trần Thanh Thảo nói rằng, cơn mưa lạnh bạt ngàn cuối xuân dường như cũng ấm dần bên bếp lửa, một bữa ăn chiều giản đơn cùng gia đình người địa phương, dù có chút bất đồng ngôn ngữ nhưng vẫn tràn ngập tiếng cười. Bình yên chính là những giây phút này.

Cuối cùng, “Bản hùng ca” Pakistan, nơi Thanh Thảo đã tự hỏi: “Vì sao vùng đất khắc nghiệt này lại cho tôi một nguồn năng lượng kỳ lạ: Mãnh liệt, tràn đầy sức sống nhưng lại vô cùng mộng mơ”. Và những tác phẩm của cô chính là câu trả lời tràn đầy sự quyến rũ cho bất kỳ ai chạm ánh mắt đầu tiên đến không gian nơi đây.

Một “Bản hùng ca” đích thực phô diễn hết thảy vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, với dòng sông ánh lên sắc lạ thường, với cơn bão cát dữ dội nhưng nhìn xa xa tựa như sương khói, với những rặng núi tuyết, với rừng cây lá chuyển mùa, hay đơn giản với đá, với hoa, với ánh mặt trời trong những khoảnh khắc lấp lánh đầy mê hoặc. Và dĩ nhiên, “Bản hùng ca” ấy sẽ không thể hoàn mỹ nếu thiếu đi chân dung đầy duyên dáng với ánh mắt sâu thẳm, ấn tượng của con người ở miền đất này.

“Tôi muốn đặt chân đến những vùng đất mênh mông để thấy lòng mình bớt đi chật hẹp, để tĩnh lặng ngắm nhìn thật gần những điều đẹp đẽ, những điều yêu dấu giản đơn có thể bị lãng quên. Với chiếc máy ảnh, tôi được tự do với cảm xúc của mình. Với chiếc máy ảnh, tôi được bình yên bên những vẻ đẹp ẩn khuất trong lòng. Nhiếp ảnh với tôi là một niềm an ủi”. Nhiếp ảnh gia Trần Thanh Thảo

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhiep-anh-gia-tran-thanh-thao-voi-chiec-may-anh-toi-duoc-tu-do-cam-xuc-post683380.html