Nhiếp ảnh Hà Nam cần sự đổi mới
Sự phát triển của nhiếp ảnh trong thời đại công nghệ số không chỉ góp phần làm nên những thành công cho nhiều nghệ sỹ, mà còn tạo ra một cuộc cạnh tranh rất đáng quan tâm trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh Hà Nam đã từng trăn trở về các giải pháp để có những tác phẩm chất lượng cao. Và, một trong những giải pháp được lưu ý chính là đổi mới hoạt động sáng tạo nhiếp ảnh hiện nay.
Sự phát triển của nhiếp ảnh hiện nay không còn biên giới bởi công nghệ kỹ thuật số và internet, để trở thành một loại hình nghệ thuật gần gũi với công chúng, dành cho công chúng với một không gian sáng tạo gần như vô hạn. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Hội, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nam khi đề cập tới vấn đề này cho rằng, hiện nay, tỷ lệ người dùng mạng xã hội và internet cao, riêng ở Hà Nam, trên 95% dân số đã được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G và 80% dân số dùng internet truy cập bằng thiết bị di động (smartphone). Chỉ cần một chiếc smartphone trong tay, người ta dễ dàng có những bức ảnh ghi lại từng khoảnh khắc của cuộc sống muôn màu sinh động, tươi mới… Mỗi ngày, trên các nền tảng mạng xã hội, chúng ta có thể chiêm ngưỡng rất nhiều bức ảnh được cập nhật, trong đó không ít người đã sử dụng các phần mềm kỹ thuật số, công nghệ để xử lý hình ảnh, tạo ra những bức ảnh mới mẻ và ấn tượng hơn. Với những nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, đây chính là thử thách đòi hỏi phải có sự trau dồi, đổi mới để thích ứng với xu thế và sự phát triển của công nghệ hiện nay. Bởi, ở Chi hội Nhiếp ảnh Hà Nam hiện có nhiều hội viên tuổi đã cao, việc tiếp cận công nghệ cũng như quá trình thực tế cuộc sống, trải nghiệm sáng tác gặp khó khăn… nên để thích ứng với thời cuộc và sự phát triển của nhiếp ảnh hiện đại không dễ dàng như lớp trẻ.

Các đại biểu tham quan trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh tại không gian Đại hội Chi hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Hà Nam.
Nếu nghệ sỹ nhiếp ảnh thế hệ trước luôn quan tâm đến kỹ năng chụp ảnh thì thế hệ trẻ hiện nay luôn coi trọng công nghệ, từ công cụ chụp ảnh đến kỹ thuật chỉnh sửa hình ảnh, truyền ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Rõ ràng, khoa học kỹ thuật, công nghệ số ra đời như thể nhắm vào giới trẻ, dành cho giới trẻ. Nghệ sỹ lớn tuổi khó cạnh tranh với lớp trẻ ở điểm này. Cho nên, một trong những giải pháp hiện nay được Hội VHNT Hà Nam hướng tới trong nhiệm kỳ 2023-2028 chính là trẻ hóa đội ngũ nhiếp ảnh.
Ông Trần Đức Duy, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: Chi hội Nhiếp ảnh hiện có 20 hội viên, số hội viên trẻ được kết nạp mỗi năm không nhiều. Mặc dù Hội VHNT tỉnh có điều chỉnh trong tiêu chí xét kết nạp hội viên nhưng nhiều người trẻ vẫn không có mong muốn tham gia hội vì nhiều lý do. Thứ nhất, họ thích chụp ảnh, nhưng chỉ để chơi, để trải nghiệm sự thay đổi của công nghệ chứ không muốn gắn bó với một tổ chức nào. Thứ hai, để vào hội, nghệ sỹ phải có ít nhất hai lần có tác phẩm được chọn treo, hay được giải ở các triển lãm, cuộc thi nhiếp ảnh từ cấp tỉnh trở lên (cuộc thi, triển lãm phải có sự bảo trợ của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam- PV). Thứ ba, để làm một nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên nghiệp đòi hỏi phải đầu tư thiết bị, máy móc, trong khi điều kiện kinh tế của nhiều người còn gặp khó khăn...
Chi hội Nhiếp ảnh hiện có 20 hội viên, số hội viên trẻ được kết nạp mỗi năm không nhiều. Mặc dù Hội VHNT tỉnh có điều chỉnh trong tiêu chí xét kết nạp hội viên nhưng nhiều người trẻ vẫn không có mong muốn tham gia hội vì nhiều lý do. Thứ nhất, họ thích chụp ảnh, nhưng chỉ để chơi, để trải nghiệm sự thay đổi của công nghệ chứ không muốn gắn bó với một tổ chức nào. Thứ hai, để vào hội, nghệ sỹ phải có ít nhất hai lần có tác phẩm được chọn treo, hay được giải ở các triển lãm, cuộc thi nhiếp ảnh từ cấp tỉnh trở lên (cuộc thi, triển lãm phải có sự bảo trợ của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam- PV). Thứ ba, để làm một nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên nghiệp đòi hỏi phải đầu tư thiết bị, máy móc, trong khi điều kiện kinh tế của nhiều người còn gặp khó khăn...
Ông Trần Đức Duy, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh
Cũng theo ông Trần Đức Duy, thực tế đang chứng minh: nhiếp ảnh đang đến gần với công chúng, được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau nhờ sự phát triển của công nghệ và cuộc sống. Trước thực tế đó, Hội VHNT nói chung, Chi hội Nhiếp ảnh nói riêng phải làm thế nào để thích ứng, khai thác hiệu quả nhất tính ưu việt của công nghệ để phát triển nhiếp ảnh? Và câu trả lời chính là phải đổi mới, cần định hướng hoạt động nhiếp ảnh phù hợp với thời đại công nghệ số.
Tuy nhiên, việc định hướng phát triển nhiếp ảnh, theo quan điểm của ông Trần Đức Duy, phải dựa trên cơ sở Điều lệ của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam và các nghệ sỹ phải phát huy bản chất truyền thống nhiếp ảnh cũng như đạo đức nghề nghiệp của người nghệ sỹ. Thời đại công nghệ số luôn tạo ra những cơ hội và tiết giảm những đầu tư về thời gian, công sức cho nghệ sỹ, sản phẩm tạo ra đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu của công chúng. Nhưng nếu việc khai thác, sử dụng công nghệ số làm thay đổi bản chất của nhiếp ảnh thì việc sử dụng công nghệ trong nhiếp ảnh không có giá trị bởi hình ảnh đã bị sử dụng sai mục đích, sai sự thật, làm mất đi tính lịch sử của bức ảnh. Nghệ sỹ trẻ là những người tiên phong và thích ứng nhanh với sự đổi mới này nên nếu đứng trong tổ chức hội, họ cần hiểu và nắm bắt rõ định hướng phát triển nhiếp ảnh của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam và trách nhiệm chính trị, xã hội của mình với nền nhiếp ảnh cách mạng: chụp cho ai xem, chụp cái gì, chụp như thế nào?... Nhiếp ảnh phải phản ánh sinh động hiện thực đất nước, con người trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước, gìn giữ hòa bình, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống…
Từng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh lâu năm, là một trong những nghệ sỹ được đào tạo bài bản về nhiếp ảnh, nghệ sỹ Ngân Liên có quan điểm về đổi mới: Nhiếp ảnh không chỉ là kỹ thuật mà còn là cách mà bạn cảm nhận, quan sát và thể hiện thế giới qua ống kính như thế nào. Mỗi bức ảnh không chỉ là khoảnh khắc mà còn chứa đựng cảm xúc, câu chuyện bạn muốn truyền đạt.
Tại Đại hội Hội VHNT Hà Nam lần thứ VI, trong tham luận của mình, nghệ sỹ Ngân Liên vào thẳng vấn đề “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao. Đó là điều luôn trăn trở của nhiều nghệ sỹ và người yêu thích, đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh”. Theo đó, điều ông và nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh mong muốn, coi đó là một trong những giải pháp có thể đổi mới hoạt động nhiếp ảnh chính là việc đổi mới công tác tổ chức và điều hành hoạt động của hội; các chi hội trong sáng tác và đầu tư cho sáng tác cần có sự bứt phá, thay đổi mạnh mẽ, biến “cái chung” thành cái bộ phận, “cái riêng” thành cái toàn thể. Có nghĩa là, các tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao, điển hình cần được nhân lên, thành cái chung, cái toàn thể. Cái lỗi thời, cũ mòn hãy mạnh dạn bỏ đi, làm mới, bởi nó đã trở thành cái bộ phận.