Nhiệt điện Công Thanh đề xuất chuyển sang điện khí LNG: Ích nước, lợi doanh nghiệp

Đề xuất vừa được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, cho thấy hướng đi và bước chuyển quan trọng của dự án này.

Phù hợp với định hướng cơ cấu nguồn điện

Dự án Nhiệt điện Công Thanh được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 04/11/2010, điều chỉnh lần 02 ngày 05/6/2018.

Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường GPMB và san lấp mặt bằng cho khu vực Nhà máy chính của dự án, đã tiến hành đầu tư 80% hạ tầng cho khu vực cảng nhà máy; đồng thời, Công ty đã cơ bản hoàn tất các hồ sơ cho dự án, như được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất thực hiện dự án; được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thẩm định thiết kế cơ sở. Công ty cũng đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn của dự án gặp rất nhiều khó khăn do nhiệt điện than hiện nay không còn là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư của các tổ chức tín dụng; đồng thời, việc phát triển nhiệt điện than không còn phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh), đó là cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Dự án Nhiệt điện Công Thanh có công suất 600MW tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa được triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030, nhưng đồng thời cũng nằm trong Danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Bộ Công Thương làm việc với nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật”.

Cũng tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, có nội dung: “Với các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển khai sẽ cập nhật quá trình xử lý để thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo”; tại điểm 2 mục 3.6 (trang 19) Tờ trình số 2842/TTr-BCT ngày 14/5/2023, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII có nội dung: “xem xét đề nghị chuyển đổi nhiên liệu sang LNG của dự án Công Thanh trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Các dự án đã quá hạn theo quy định không xem xét kéo dài, các dự án khác nếu sau 2 năm trong thể triển khai được thì đề xuất thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo”.

Chuyển sang điện khí: Ích nước, lợi doanh nghiệp

Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch Tập đoàn Công Thanh cho biết, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu than sang khí LNG nhập khẩu. Đề xuất này dựa trên thực tế triển khai dự án như đã nói ở trên, đồng thời, tại Bảng 1 - Danh mục các nhà máy nhiệt điện LNG tại Phụ lục II gửi kèm Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ có nội dung: “Các vị trí tiềm năng, dự phòng cho các dự án chậm tiến độ hoặc không thể triển khai” có vị trí thị xã Nghi Sơn (thuộc tỉnh Thanh Hóa). Điều đó có nghĩa là, vị trí mà nhà máy Nhiệt điện than Công Thanh đang triển khai cũng phù hợp với quy hoạch, định hướng triển khai nhà máy điện khí LNG.

Chủ tịch Tập đoàn Công Thanh (thứ 3 từ phải sang) Nguyễn Công Lý tại lễ ký kết hợp tác đầu tư dự án LNG Công Thanh - Thanh Hóa.

Chủ tịch Tập đoàn Công Thanh (thứ 3 từ phải sang) Nguyễn Công Lý tại lễ ký kết hợp tác đầu tư dự án LNG Công Thanh - Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Công Lý chia sẻ thêm, Dự án Nhiệt điện Công Thanh đã cơ bản hoàn thành việc GPMB, san lấp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng để đầu tư nhà máy; Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh đã tích cực làm việc với các nhà đầu tư uy tín nước ngoài (như các Tập đoàn BP, GE, Quỹ đầu tư Actis) để nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư dự án Nhiệt điện Công Thanh bằng nhiên liệu khí LNG.

Vì vậy, dự án Nhiệt điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đầu tư và hoàn thành đưa dự án đi vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028) nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG, đảm bảo các mục tiêu theo Quy hoạch điện VIII của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía UBND tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa xét thấy việc đề xuất chuyển đổi nhiên liệu than sang khí LNG của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh là phù hợp với chiến lược phát triển nguồn năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu theo hướng bền vững của Bộ Chính trị, Chính phủ và đã có Văn bản số 9651/UBND-CN ngày 04/7/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất nhà máy 1.500MW.

Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ “phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương”; đồng thời, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng “đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, mà trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo”; tỉnh Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án điện khí LNG nhằm tận dụng lợi thế của Cảng nước sâu Nghi Sơn và hạ tầng đồng bộ của Khu kinh tế Nghi Sơn, nhằm sớm hiện thực hóa chủ trương nêu trên của Bộ Chính trị, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm về năng lượng của cả nước.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chính thức gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xem xét, thống nhất cho dự án Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu và cập nhật dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Vị trí nhà máy điện khí LNG Công Thanh sẽ đặt trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn tại xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (vị trí hiện trạng của dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh); công suất nhà máy sau khi chuyển đổi nhiên liệu sẽ tăng từ 600 MW lên 1.500 MW; sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9,0 tỷ kWh; tổng diện tích sử dụng đất của dự án: tăng từ 92,99ha lên 197,3ha (khu vực Nhà máy chính giữ nguyên 64 ha; tuyến ống cấp thải nước làm mát và tuyến ống khí là 15ha (giảm so với 23,99ha làm tuyến kênh thải nước làm mát, băng tải than và kho than ngoài nhà máy của dự án Nhiệt điện Công Thanh); Khu vực kho cảng LNG là 18,3ha (so với bãi thải xỉ 5ha của dự án Nhiệt điện Công Thanh); diện tích mặt nước cảng LNG là 100 ha (phát sinh mới).

Về nhiên liệu, nhà máy sẽ chuyển đổi từ than sang khí LNG nhập khẩu, dự kiến tiêu thụ: 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm và sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp.

Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2,0 tỷ USD. Thời gian vận hành thương mại chuyển từ giai đoạn 2021-2025 sang năm 2028.

P.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhiet-dien-cong-thanh-de-xuat-chuyen-sang-dien-khi-lng-ich-nuoc-loi-doanh-nghiep-d196492.html