Nhiệt điện than - Hệ lụy cho môi trường và sức khỏe
Phát thải nhiệt điện than có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và môi trường, làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây, vô sinh, đẻ non, kém phát triển, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu.
Hậu quả bụi mịn từ điện than
Từ thế kỷ 18 đến nay, than được sử dụng trên quy mô lớn trong sinh hoạt, công nghiệp và phát điện, góp phần vào sự phát triển kinh tế toàn cầu hiện đại. Trong những năm gần đây, tác hại đến sức khỏe cộng đồng và môi trường liên quan đến than đá đã trở nên rõ ràng, đặc biệt là tác động do ô nhiễm bởi nhiệt điện than gây ra đối với biến đổi khí hậu, chất lượng không khí và nước, bệnh tật và tử vong ở người. Nguyên nhân là trong quá trình đốt sẽ giải phóng một lượng lớn bụi mịn PM2.5, CO2, NOx, SO2 và kim loại nặng vào khí quyển.
Đặc biệt là bụi mịn PM 2.5 và 1.0 với kích rất nhỏ là nguyên nhân gây nên những bệnh lý nghiêm trọng như: Viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, bệnh hen suyễn hay thậm chí là ung thư phổi; gây suy nhược hệ thần kinh, bệnh về tim mạch, nhiễm độc máu hay máu khó đông; gây ra tình trạng nhiễm độc máu nhau thai khiến thai chậm phát triển. Trẻ sau khi sinh ra có thể bị tự kỷ hoặc suy nhược hệ thần kinh. Bên cạnh đó, các kim loại nặng có trong bụi mịn có thể gây ung thư hoặc có tác động đến DNA và gây ra tình trạng đột biến gen.
Hàng năm, bụi mịn từ các nhà máy nhiệt điện than ước tính gây ra khoảng 52.000 ca tử vong sớm hàng năm ở Hoa Kỳ, đối với Ấn Độ là 80.000–115.000 ca. Tại Trung Quốc, năm 2011, 196 nhà máy nhiệt điện than ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc đã khiến 9.900 người chết sớm, 8.800 trường hợp trẻ em bị hen suyễn mới, 12.000 ca viêm phế quản mạn, 5.500 lượt nhập viện do hô hấp.
Còn tại Việt Nam, một nghiên cứu được thực hiện gần đây tại Hà Nội cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trên toàn TP Hà Nội năm 2019 vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia. Trong khi đó, nghiên cứu thực trạng sức khỏe môi trường tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) – nơi lắp đặt 5 nhà máy nhiệt điện than, do Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) và Viện khoa học sức khỏe, Đại học Quang Trung phối hợp thực hiện cho thấy, chỉ trong vòng 3 năm (2018-2020) số người ung thư, tai biến và đột quỵ chiếm tỷ lệ cao và tăng nhanh tại xã Vĩnh Tân từ 25,7% lên 70,6% số người bị đột quỵ, tai biến. Con số này cao hơn hẳn so với các vùng duyên hải Nam Trung Bộ và toàn quốc theo niên giám y tế năm 2018.
Nguy cơ từ dự thảo quy hoạch điện VIII
Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, tới năm 2045 sẽ thêm 24 nhà máy nhiệt điện than, nâng công suất hiện nay lên 40.899 MW vào 2030 và khoảng 51.000 MW. Với lộ trình này kịch bản phát triển điện than này sẽ đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có kế hoạch phát triển điện than lớn nhất toàn cầu. Kéo theo đó là kịch bản tác động đến sức khỏe và môi trường hết sức nghiêm trọng.
Theo dự báo, ô nhiễm từ các nhà máy được đề xuất sẽ gây ra hơn 750 ca hen phế quản mới, 370 ca sinh non và gần 1.500 người tử vong sớm mỗi năm, gây thiệt hại 270 triệu USD (gần 6.200 tỷ đồng) mỗi năm về chi phí y tế cùng tổn thất về năng suất sản xuất do nghỉ ốm.
Trong vòng 30 năm tới, Việt Nam ước tính sẽ có thêm gần 70.000 ca tử vong sớm, 25.000 ca hen phế quản mắc mới ở trẻ em và 19.000 ca cấp cứu do hen phế quản ở người lớn và hơn 8.300 ca sinh non. Một số địa phương sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề là Hà Nội (12.600 ca từ vong sớm), TP Hồ Chí Minh (5.000 ca), Hải Phòng (3.600 ca), Hải Dương (3.400 ca). Nếu không bổ sung những nhà máy điện than mới thì có thể tránh được những tác động và số ca tử vong sớm này.
Đề xuất các giải pháp
Vấn đề sức khỏe môi trường, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu cần được nhận thức và hành động một cách quyết liệt. Dựa trên những bằng chứng khoa học và thực tiễn, các chuyên gia thuộc Trung tâm CHERAD đề xuất: Thứ nhất, đánh giá một cách toàn diện chi phí thực của điện than bao gồm: hiệu quả công nghệ, dư địa phát triển, các chi phí sức khỏe và môi trường liên quan đến nhiệt điện than.
Thứ hai, chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia hướng đến năng lượng xanh, phù hợp xu hướng năng lượng thế giới. Cần có cơ chế chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhí nhà kính và phòng chống biến đổi khí hậu bởi Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn trong phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, sóng biển và mặt trời.
Thứ ba, xây dựng hệ thống quan trắc khí thải tự động ở tất cả các điểm phát thải công nghiệp, nhiệt điện than. Đánh giá thường xuyên và công khai kết quả giám sát chất lượng không khí và việc tuân theo các quy chuẩn quốc gia về phát thải. Thứ tư, nâng cấp tiêu chuẩn khí thải và công nghệ của các nhà máy nhiệt điện than, ngành công nghiệp sử dụng than để hạn chế ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhiet-dien-than-he-luy-cho-moi-truong-va-suc-khoe-439227.html