Nhiệt độ cao kỷ lục khiến tỷ lệ tử vong tăng cao ở châu Âu
Ngày 21/11, theo một nghiên cứu mới, nhiệt độ cao vào năm 2022 là nguyên nhân gây ra hơn 70.000 ca tử vong ở châu Âu.
Mô hình dữ liệu nhiệt độ hàng ngày và tỷ lệ tử vong
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tác động của sóng nhiệt đến năng suất lao động và việc làm bền vững, nhiệt độ trên 39 độ C có thể gây tổn hại nghiêm trọng sức khỏe và tử vong cho người lao động. Vào mùa hè năm nay, nền nhiệt này đã trở nên thường xuyên hơn ở châu Âu.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) đã sửa đổi ước tính ban đầu về tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt của mùa hè năm 2022 trong một phân tích mới được công bố trên tạp chí The Lancet Regional Health - Europe.
Theo Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus, chương trình quan sát trái đất của EU, năm 2022 là năm nóng thứ hai được ghi nhận ở châu Âu. Nhiệt độ cao hơn mức trung bình khoảng 0,9 độ C, với nhiệt độ mùa hè ở châu Âu cao hơn mức trung bình 1,4 độ C.
Các nhà khoa học ISGlobal và Inserm trước đây ước tính có hơn 61.000 người chết trong đợt nắng nóng mùa hè năm 2022, trong đó Ý là quốc gia EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ đã sửa đổi ước tính của mình sau khi phát triển một tiêu chí đo lường mới về tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt.
Khung mới dựa trên hồ sơ nhiệt độ hàng ngày và tỷ lệ tử vong từ 147 khu vực ở 16 quốc gia châu Âu và cho phép họ sửa lại các tính toán của mình cho năm 2022 dựa trên dữ liệu lịch sử.
Các nhà nghiên cứu nói rằng, ước tính trước đó của họ, dựa trên dữ liệu hàng tuần, đã đánh giá thấp số ca tử vong vì nắng nóng - chỉ 10,28%. Họ nhận thấy, các mô hình dữ liệu hàng tuần, hai tuần và hàng tháng đã cho tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ thấp hơn so với mô hình dựa trên số liệu hàng ngày. Trong khoảng thời gian càng dài thì số liệu đánh giá càng thấp.
Giáo sư Joan Ballester Claramunt, nhà nghiên cứu tại ISGlobal và là tác giả nghiên cứu cho biết, việc tổng hợp dữ liệu hàng ngày về nhiệt độ và tỷ lệ tử vong hiện là một “nỗ lực to lớn” và có thể mất nhiều năm, đồng thời cho rằng Liên minh châu Âu nên điều phối các bộ dữ liệu này để thúc đẩy nghiên cứu của châu Âu.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều ca tử vong liên quan đến nhiệt
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Copernicus cho biết trong một báo cáo chung hồi đầu năm nay rằng, châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới, nóng lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980.
Tiến sĩ Carlo Buontempo, Giám đốc Copernicus cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 6: “Căng thẳng nhiệt độ kỷ lục mà người châu Âu trải qua vào năm 2022 là một trong những nguyên nhân chính gây ra số ca tử vong cao quá mức liên quan đến thời tiết ở châu Âu”. Ông nói thêm: “Hiểu biết hiện tại của chúng tôi về hệ thống khí hậu và sự thay đổi của nó cho chúng tôi biết rằng, những hiện tượng kiểu này là một phần của mô hình sẽ khiến tình trạng căng thẳng nhiệt độ cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn trên toàn khu vực”.
Các nhà nghiên cứu tại ISGlobal và Inserm cho biết vào tháng 7 rằng, châu Âu sẽ phải đối mặt với trung bình hơn 68.000 ca tử vong liên quan đến nhiệt mỗi mùa hè vào năm 2030 và hơn 94.000 vào năm 2040, trừ khi có biện pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Giáo sư Ballester nói rằng, trong khi các nhà nghiên cứu có thể dự đoán nhiệt độ trong tương lai và tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ, tương lai lại phụ thuộc vào hành động của chúng ta.
Chúng ta có thể giảm phát thải khí nhà kính và giảm sự gia tăng nhiệt độ. Các chính phủ có thể thực hiện một số hành động, bao gồm giám sát sức khỏe chặt chẽ hơn những người mắc những bệnh có nguy cơ tử vong do nhiệt và các công cụ dự báo cũng như hệ thống cảnh báo sớm tốt hơn; có “những cải tiến về chất lượng nhà ở, khả năng cách nhiệt, thông gió và cả thiết kế thành phố thông minh hơn".
Giáo sư Ballester cho biết, có nhiều biện pháp ở các cấp độ khác nhau có thể được triển khai để tăng khả năng phục hồi và giảm thiểu tác động của nhiệt độ lên sức khỏe con người.