Nhiệt độ vượt 46°C, châu Âu triển khai loạt biện pháp khẩn cấp
Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang đối mặt với đợt nắng nóng dữ dội nhất trong lịch sử, buộc các chính phủ phải khẩn cấp triển khai loạt biện pháp ứng phó, từ cấm lao động ngoài trời, đóng cửa trường học đến tạm ngưng các điểm du lịch nổi tiếng.

Đỉnh tháp Eiffel đã đóng cửa với khách du lịch do nhiệt độ cao ở Paris. Ảnh: Reuters
Nhiệt độ tại nhiều khu vực đã vượt mốc 46°C, gây ra tình trạng sốc nhiệt, cháy rừng và lũ quét. Ít nhất ba người được cho là đã tử vong vì nắng nóng, trong đó có một bé trai tại Catalonia (Tây Ban Nha), nghi do bị bỏ lại trong xe ô tô giữa thời tiết oi bức.
Italia: Cấm làm việc ngoài trời giữa trưa
Hơn một nửa các vùng tại Italia, bao gồm Lombardy và Emilia-Romagna – những trung tâm công nghiệp lớn – đã ban hành lệnh cấm lao động ngoài trời từ 12h30 đến 16h, nhằm bảo vệ người lao động trước nguy cơ sốc nhiệt.
Biện pháp này được đưa ra sau cái chết của một công nhân xây dựng 47 tuổi ở Bologna và hai ca ngất xỉu tại công trình gần Vicenza, trong đó một người đang hôn mê.
Các nghiệp đoàn như CGIL và Fillea CGIL kêu gọi doanh nghiệp đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, khi điều kiện lao động ngoài trời trở nên khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu. Số ca nhập viện cấp cứu tại Italia đã tăng 15–20% trong những ngày gần đây, chủ yếu do người già mất nước.
Pháp: Gần 2.000 trường học đóng cửa
Tại Pháp, hơn 1.896 trường học phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trong ngày 1.7. Riêng Paris được đặt trong tình trạng cảnh báo nắng nóng cao nhất. Chính quyền khuyến cáo phụ huynh giữ trẻ ở nhà trong hai ngày đầu tuần. Nhiều trường ở Troyes và Melun đóng cửa toàn bộ.
Thủ tướng Pháp François Bayrou đã hủy lịch họp để theo sát tình hình. Ông cam kết sẽ làm việc với các thị trưởng để cải tạo hệ thống cách nhiệt vốn rất kém trong các trường học. Trong khi chờ đợi, một số giáo viên phải dùng bình xịt nước để làm mát học sinh ngay trong lớp.
Tàu cao tốc nối Pháp và Italia cũng bị tạm dừng "ít nhất vài ngày" sau trận giông lốc lớn hôm 30.6.

Một số vùng của Tây Ban Nha đang trong tình trạng báo động về nhiệt độ cao bất thường. Ảnh: EPA
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha: Nhiệt độ vượt 46°C, phá vỡ mọi kỷ lục tháng 6
Tây Ban Nha ghi nhận nhiệt độ cao nhất lịch sử tháng 6: 46°C tại tỉnh Huelva, trong khi cơ quan khí tượng quốc gia Aemet xác nhận tháng 6.2025 là tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay, với nhiệt độ trung bình 23,6°C – vượt 3,5°C so với mức trung bình 1991–2020.
Tại Bồ Đào Nha, thị trấn Mora (tỉnh Évora) ghi nhận mức 46,6°C, cao nhất trong lịch sử tháng 6 nước này, theo Viện Biển và Khí quyển Bồ Đào Nha.
Các nước khác cũng không thoát nắng nóng
Tại Đức, đợt nóng mang tên Bettina được dự báo bao trùm gần như toàn quốc trong tuần này, với nhiệt độ tiệm cận 40°C. Các tổ chức cảnh báo rằng hệ thống trường học, viện dưỡng lão và bệnh viện chưa đủ khả năng thích ứng với thời tiết cực đoan đang ngày càng thường xuyên.
Tại Bỉ, điểm du lịch nổi tiếng Atomium ở Brussels buộc phải đóng cửa sớm vì nhiệt độ lên tới 37°C. Đỉnh tháp Eiffel ở Paris cũng đóng cửa khi nền nhiệt chạm mốc 38°C.
Nhiều thành phố lớn tại châu Âu cũng hứng chịu nắng nóng vượt ngưỡng: Zaragoza (39°C), Rome, Madrid, Athens (37°C), Frankfurt (36°C), Tirana (35°C), London (33°C).
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với 263 vụ cháy rừng trong những ngày gần đây, chủ yếu ở các vùng rừng phía nam. Tại Italia và Pháp, các đảo như Sardinia và Sicily cũng đang xảy ra cháy rừng, buộc hàng nghìn người sơ tán.
Giới chuyên gia cảnh báo, tần suất và cường độ các đợt nắng nóng tại châu Âu đang gia tăng rõ rệt do biến đổi khí hậu. Các biện pháp tạm thời như cấm lao động ngoài trời hay đóng cửa trường học chỉ mang tính đối phó, trong khi nhiều quốc gia vẫn thiếu chiến lược lâu dài để thích nghi.