Đại sứ Brazil: Việt Nam sẽ góp phần làm nổi bật tầm quan trọng của BRICS
Là hình mẫu về sự năng động, tăng trưởng và ổn định, đồng thời luôn nỗ lực hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế, môi trường và xã hội, Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp thiết thực tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17, làm nổi bật tầm quan trọng của BRICS trên trường quốc tế.

Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 (Hội nghị) sẽ được tổ chức từ ngày 6-7/7 tại Rio de Janeiro, dưới sự chủ trì luân phiên của Brazil, với chủ đề chính "Tăng cường hợp tác Nam - Nam vì quản trị toàn cầu bền vững và bao trùm".
Chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ thảo luận về 6 vấn đề chính: Cải cách cấu trúc gìn giữ hòa bình và an ninh đa phương; hợp tác trong lĩnh vực y tế; cải thiện hệ thống tài chính quốc tế; khủng hoảng khí hậu; trí tuệ nhân tạo; tăng cường thể chế hóa BRICS, bao gồm việc mở rộng sự tham gia và đối thoại với các nhóm xã hội khác nhau.
Hoan nghênh Việt Nam trở thành quốc gia đối tác của BRICS
Theo Đại sứ, BRICS tập hợp những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới và đã trở thành một cơ chế ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn kinh tế đang đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển của các nền kinh tế đang phát triển. Do đó, việc hình thành các quan hệ đối tác thương mại, tiếp cận công nghệ đổi mới, cải thiện kết nối và thu hút đầu tư vào hạ tầng là những chủ đề luôn hiện diện trong chương trình nghị sự của BRICS.
Vai trò của BRICS ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ quốc tế đầy bất ổn, đặc biệt là sự leo thang của các cuộc xung đột và những biến động kinh tế, cùng với sự trỗi dậy của các xu hướng chủ nghĩa bảo hộ nhằm cản trở sự phát triển của dòng chảy thương mại bình thường và sự thịnh vượng của các quốc gia.
Có thể thấy rõ tiềm năng to lớn của BRICS: Khối hiện đang chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, 23% GDP toàn cầu, 18% thương mại quốc tế, 42% dân số thế giới, 30% diện tích lãnh thổ hành tinh với 3,2 tỷ người, 36% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP) và 72% trữ lượng đất hiếm của thế giới.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi các quốc gia công nghiệp hóa đang chứng kiến sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế (từ 2,7% năm 2022 xuống còn 1,4% năm 2023), thì các quốc gia đang phát triển thuộc nhóm "Phương Nam toàn cầu" lại ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế khoảng 4% trong năm nay. Các thị trường mới nổi của BRICS ngày càng củng cố vị thế là những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Những mục tiêu phát triển của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các hành động và thực tiễn tích cực của BRICS, đồng thời góp phần củng cố hợp tác đa phương.
Thông qua việc tham dự Hội nghị BRICS lần này, bên cạnh việc thúc đẩy kết nối và tăng cường chuỗi cung ứng, Việt Nam sẽ có thể tăng cường hợp tác với các thành viên khác trong lĩnh vực môi trường và đẩy mạnh quan hệ đối tác trong chuyển đổi năng lượng, cũng như trong các sáng kiến nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận công nghệ đổi mới. Ở cấp độ chính trị và ngoại giao, cũng như Brazil, Việt Nam đã thể hiện cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu, cũng như ủng hộ một nền quản trị toàn cầu mang tính đại diện hơn trên trường quốc tế.
Đại sứ nhấn mạnh, thông qua một tuyên bố chính thức, Chính phủ Brazil, với vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS, hoan nghênh quyết định của Việt Nam gia nhập BRICS với tư cách là quốc gia đối tác.
"Việc này sẽ đóng góp vào việc tăng cường hơn nữa tiềm năng của khối, làm nổi bật tầm quan trọng của BRICS trên trường quốc tế và vai trò trung tâm của khối trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, đồng thời củng cố tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương. Việt Nam là một quốc gia ổn định, với nền kinh tế năng động, hiệu quả và có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng, đồng thời hòa nhập hài hòa vào các chuỗi sản xuất giá trị", Đại sứ Marco Farani chia sẻ.
Đại sứ cũng bày tỏ kỳ vọng, Việt Nam sẽ tích cực hợp tác cùng các nước thành viên để đạt được những mục tiêu trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững về môi trường và xã hội, kết nối và tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận đổi mới sáng tạo.
Chuyến thăm của Thủ tướng thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Brazil
Đề cập tới ý nghĩa về chuyến thăm Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil, Đại sứ nhận định, chuyến thăm này là một vinh dự lớn đối với Brazil, thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ hữu nghị cũng như mức độ tin cậy trong quan hệ Việt Nam - Brazil.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm đầu tiên tới Brazil vào năm 2023, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương. Trong chuyến thăm đó, Thủ tướng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Lula da Silva, thăm các doanh nghiệp quan trọng của Brazil và tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp.
Năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Rio de Janeiro. Trong chuyến thăm này, hai nước tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới trong nhiều lĩnh vực như thể thao, hàng không, nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi năng lượng.
Nhân dịp đó, cùng với Tổng thống Lula da Silva, hai bên đã công bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
"Lần này, Thủ tướng sẽ trở lại đất nước chúng tôi lần thứ 3. Tôi đặc biệt tin tưởng rằng, thông qua chuyến thăm này, Thủ tướng sẽ có những đóng góp quan trọng trong các cuộc thảo luận của chương trình nghị sự tại Hội nghị. Với tầm nhìn hiện đại và kinh nghiệm quốc tế, Thủ tướng sẽ mang đến những quan điểm mang tính xây dựng về các vấn đề then chốt đang ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, như chuyển đổi năng lượng, hợp tác kinh tế và tài chính, cũng như tiếp cận bình đẳng với đổi mới sáng tạo", Đại sứ bày tỏ.
Về hợp tác song phương thời gian qua, Đại sứ cho biết, Việt Nam và Brazil từ lâu đã duy trì mối quan hệ đối thoại chính trị và kinh tế tích cực, cân bằng trong suốt 36 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
"Trong những năm gần đây, quan hệ song phương đã có những bước tiến mạnh mẽ, với sự gia tăng các chuyến thăm cấp cao và sự quan tâm của cả hai nước trong việc tìm kiếm cơ hội cũng như đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác", Đại sứ nhấn mạnh.
Nhờ vậy mà kim ngạch thương mại song phương đã đạt mức kỷ lục mới 8 tỷ USD; đối thoại trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được tăng cường; kế hoạch hành động trong lĩnh vực quốc phòng đã được ký kết, và các mối liên hệ chặt chẽ hơn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng đã được thiết lập; các sáng kiến trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Mối quan hệ đối tác song phương ngày càng phát triển là minh chứng rõ ràng cho thấy mức độ "trưởng thành" mà hai quốc gia đã đạt được trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác của mình, Đại sứ nhận định.
Năm nay là một năm đặc biệt đầy hứa hẹn đối với quan hệ song phương, đánh dấu với chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, cùng với một đoàn doanh nghiệp lớn và các quan chức cấp cao từ Quốc hội và Chính phủ Brazil tới Việt Nam.
Trong dịp đặc biệt này, hai chính phủ đã ra Tuyên bố chung, mở đường cho thúc đẩy hợp tác như mở cửa thị trường Việt Nam đối với thịt bò nhập khẩu từ Brazil và việc Brazil công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, đặc biệt là với việc từng bước triển khai Kế hoạch hành động trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược.
Tương lai hợp tác rộng mở trong quan hệ Việt Nam – Brazil
Đề cập tới định hướng quan hệ song phương thời gian tới, Đại sứ chia sẻ, trong năm 2025, các mục tiêu của Kế hoạch hành động được hai nước ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Lula da Silva vào tháng 3 vừa qua sẽ tiếp tục được triển khai, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng thị trường theo cả hai chiều.
Brazil và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng cũng như tính bổ trợ lẫn nhau, những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng quan hệ đối tác ngày càng bền chặt và thúc đẩy thương mại song phương. Trong bối cảnh các quy trình trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh và việc ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển nhanh chóng, việc đưa đổi mới sáng tạo vào chương trình hợp tác kinh tế và thương mại đang trở nên ngày càng cấp thiết.
"Tôi tin rằng Brazil và Việt Nam có nhiều triển vọng hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, lĩnh vực mà Brazil có nhiều kinh nghiệm nổi bật và đã trở thành hình mẫu toàn cầu trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong việc triển khai và phổ biến chương trình ethanol", Đại sứ cho biết.
Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng đang ở một giai đoạn quan trọng. Việc Tập đoàn JBS, một trong những tập đoàn lớn nhất của Brazil trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, vừa công bố quyết định đầu tư vào hai nhà máy chế biến thịt tại Việt Nam, với tổng giá trị ban đầu là 100 triệu USD, sẽ tạo điều kiện để Việt Nam trở thành trung tâm phân phối trong lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, hai quốc gia còn có tiềm năng rất lớn trong các lĩnh vực hợp tác như an ninh mạng, chất bán dẫn, số hóa, nông nghiệp xanh, nhiên liệu sinh học và các công nghệ trồng trọt mới, bao gồm cả phục hồi rừng.
"Tôi hoàn toàn tin tưởng vào những kết quả tích cực trong những năm tới từ cuộc đối thoại hiệu quả hiện nay giữa hai chính phủ, cũng như mối quan hệ hợp tác vững chắc không chỉ ở cấp song phương mà còn trên cả bình diện đa phương", Đại sứ Marco Farani nhận định.