Nhiệt huyết, sáng tạo nơi đầu sóng ngọn gió

Trên những hải trình thực hiện nhiệm vụ, Thượng úy Phạm Văn Tú, Trợ lý kỹ thuật tàu thuyền, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) với niềm đam mê sáng tạo đã thực hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần cùng những con tàu của đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bằng sự tận tụy, hết lòng với công việc, cùng lối sống chân thành, giản dị, đồng chí luôn nhận được sự mến mộ, tin yêu của đồng đội và vinh dự được bầu chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2023.

Gian khó đắp bồi niềm đam mê tuổi trẻ

Chúng tôi vượt hàng trăm ki-lô-mét tìm về Lữ đoàn 649 nằm bên bờ sông Kinh Môn, huyện An Dương, TP Hải Phòng, nơi Thượng úy Phạm Văn Tú đang công tác. Được sự hỗ trợ của chỉ huy đơn vị, chúng tôi gặp đồng chí sau giờ làm việc buổi chiều. Người sĩ quan trẻ có vóc dáng đầy nam tính, dạn dày gió sương của biển cả. Phạm Văn Tú sinh năm 1995, tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình có 4 người con, bố và anh trai đều là bộ đội. Gia đình làm nông nghiệp và đông con nên vất vả.

 Thượng úy Phạm Văn Tú (bên phải) tỉ mỉ, sâu sát trong công tác kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị máy móc trên tàu.

Thượng úy Phạm Văn Tú (bên phải) tỉ mỉ, sâu sát trong công tác kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị máy móc trên tàu.

Ngoài giờ học trên lớp, bên cạnh giúp bố mẹ việc nhà, Tú có sở thích tự mày mò học hỏi, tìm hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật. Học xong THPT, Tú thi đỗ vào Học viện Hải quân. Tú chia sẻ: "Tốt nghiệp Học viện Hải quân, tôi được phân công về Lữ đoàn 649 công tác và sau đó được bổ nhiệm làm Phó thuyền trưởng Tàu 51-11-66. Nhiệm vụ gắn với những điều mới mẻ, nhiều thách thức đòi hỏi tôi phải cố gắng học hỏi, tìm hiểu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công việc. Tôi đã cùng đồng đội vượt sóng gió, gian khổ, đưa hàng từ đất liền ra đảo Trường Sa bảo đảm cho các đơn vị, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Bà Nguyễn Thị Lượng, mẹ của Thượng úy Phạm Văn Tú, xúc động nói: “Là người mẹ, mỗi khi trở trời, nghĩ về con và đồng đội trên con tàu vượt sóng gió trùng khơi, tôi thương lắm. Tuy nhiên, gia đình luôn ủng hộ và động viên con vượt khó, yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Tú là niềm vinh dự, tự hào của gia đình tôi”.

Bằng sự khát khao cống hiến và tinh thần xung kích, niềm say mê sáng tạo của tuổi trẻ, Phạm Văn Tú cùng nhóm nghiên cứu trong đơn vị luôn trăn trở làm sao để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng huấn luyện, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Các cán bộ, chiến sĩ Tàu 51-11-66 đã quen với hình ảnh đồng chí chỉ huy hằng đêm chăm chỉ đọc tài liệu, nghiên cứu kỹ thuật đến tận khuya. Trong một lần nghe được câu chuyện đồng đội gặp khó khăn khi tiếp thu hình ảnh trực quan về hoạt động của bánh lái và lái tàu, Tú nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tìm hiểu nguyên nhân và nghiên cứu tài liệu, quyết tâm giải bài toán khó này. Đồng chí Phạm Văn Tú kể: “Hằng tuần, tôi dành các ngày nghỉ, giờ nghỉ, dồn tâm huyết, trí lực vào công việc. Nhiều lần, tôi phải đi xe máy hoặc xe khách hàng trăm ki-lô-mét về Hải Dương, Nam Định, Hà Nội... để tìm kiếm tài liệu, chi tiết chế tạo máy”.

Cuối cùng, đồng chí nảy ra sáng kiến chế tạo “Mô hình hệ thống máy lái điện-thủy lực và lái sự cố trên tàu thủy” vào năm 2020. Sáng kiến này giúp quân nhân trong đơn vị có được hình ảnh, phương pháp trực quan, hiểu rõ cấu tạo, nguyên lý vận hành cũng như quy trình khai thác, bảo quản, bảo dưỡng đối với hệ thống máy lái trên tàu. Từ đó giúp đơn vị có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng huấn luyện, giảm chi phí phục vụ cho công tác huấn luyện thường xuyên.

Một tình huống đặc biệt khác, thông thường, để tàu cập được cảng, thuyền viên phải ném dây mồi để kéo dây lên bờ. Người trên bờ bắt lấy dây mồi, kéo dây buộc vào cọc bích. Cách làm này nếu gặp thời tiết xấu, không ném được dây, tàu sẽ mất thời cơ cập cảng. Tàu sẽ phải vòng ra khơi để quay lại cập cảng lần hai, vừa mất nhiều thời gian, tiêu tốn nhiên liệu, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của thủy thủ. Trước thực tế này, Phạm Văn Tú cùng đồng đội đã nghiên cứu và thực hành sáng kiến “Thiết bị phóng dây mồi bằng khí nén sử dụng trên tàu thủy”. Nhóm thiết kế do Tú phụ trách miệt mài làm việc.

Trải qua nhiều lần thử nghiệm, điều chỉnh, thay thế, sửa đổi bổ sung, thiết bị hoàn thiện, hiện thực hóa giấc mơ, giúp cho các con tàu cập cảng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn, phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Sáng kiến giúp giải phóng sức lao động của con người, tiết giảm hơn 50% chi phí so với nhập khẩu sản phẩm cùng chủng loại. Sản phẩm được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao và được trao giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22 và được Cục trưởng Cục Vận tải ký quyết định sản xuất 10 thiết bị cung cấp cho các đơn vị thuộc Cục Vận tải, sau đó được Cục Vận tải đề xuất Bộ Quốc phòng sản xuất hàng loạt, cung cấp cho các đơn vị vận tải thủy trong toàn quân.

Tiếp nối niềm đam mê sáng tạo, Phạm Văn Tú tiếp tục cho ra đời các sản phẩm mới. Đó là sáng kiến: “Mô hình huấn luyện nhận dạng tàu, thuyền bằng đèn, dấu hiệu, tín hiệu âm thanh và ánh sáng”. Năm 2023, sáng kiến “Hệ thống tời hàng bằng điện-thủy lực kết hợp cơ-thủy lực sử dụng trên tàu vận tải thủy” được Hội đồng Khoa học Tổng cục Hậu cần nghiệm thu, đánh giá xuất sắc. Sáng kiến này được đơn vị lựa chọn tham gia cuộc thi Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24. Năm 2024, đồng chí tiếp tục hoàn thành sáng kiến “Thiết bị cứu sinh, tìm kiếm cứu nạn trên sông, biển ở hai chế độ tự động và điều khiển từ xa”...

Điểm tựa, niềm tin của đồng đội

Hành trình trên biển đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Mỗi hải trình vận chuyển thường kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng và gặp nhiều tình huống phức tạp, đòi hỏi những người lính biển phải luôn vững tâm và giàu bản lĩnh, vượt qua những tâm lý căng thẳng. Những ngày biển động, sóng to, gió lớn, Tú thường động viên đồng đội trên tàu: “Say sóng đến mức nào đi nữa thì chúng ta vẫn phải làm chủ mọi tình huống, đưa tàu về bến an toàn”.

Trung úy QNCN Phạm Minh Dương, thủy thủ Tàu 51-11-66, chia sẻ: “Đồng chí Tú là người sâu sát, tỉ mỉ, khi đã làm việc gì thì làm đâu ra đó, đạt hiệu quả rất cao. Trong cuộc sống hằng ngày, đồng chí luôn dân chủ, gần gũi, quan tâm, trao đổi thoải mái mọi vấn đề với thuyền viên, trực tiếp xuống buồng máy bảo quản, bảo dưỡng, miệng nói tay làm, là điểm tựa tinh thần, niềm tin của đồng đội...”.

Những ngày công tác tại Lữ đoàn 649, tiếp xúc với Thượng úy Phạm Văn Tú, thấy đồng chí hăng say tham gia vào các hoạt động tăng gia sản xuất của đơn vị cũng như vệ sinh, bảo dưỡng tàu, với bộ đồ bảo hộ, chân tay dính đầy dầu mỡ, chúng tôi hiểu, đây là con người của ý chí và hành động, sẵn sàng vượt lên mọi khó khăn để cống hiến, tận hiến vì nhiệm vụ...

Đoàn cán bộ Tổng cục Hậu cần tham quan sáng kiến “Thiết bị phóng dây mồi bằng khí nén sử dụng trên tàu thủy” của Thượng úy Phạm Văn Tú.

Đoàn cán bộ Tổng cục Hậu cần tham quan sáng kiến “Thiết bị phóng dây mồi bằng khí nén sử dụng trên tàu thủy” của Thượng úy Phạm Văn Tú.

Nhận xét về Thượng úy Phạm Văn Tú, Thượng tá Thiều Văn Thành, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 649 đánh giá: “Đồng chí Tú là một cán bộ trẻ có ý chí, chịu khó say mê nghiên cứu khoa học. Nhiều sáng kiến của đồng chí đoạt giải cao Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội. Các sáng kiến của đồng chí được sử dụng rộng rãi tại đơn vị, giúp tiết kiệm thời gian, ngân sách, mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm điều kiện kỹ thuật máy móc trên tàu hoạt động tốt trong điều kiện công tác dài ngày trên biển, góp phần tích cực giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong mọi công việc, đồng chí Tú luôn thể hiện sự nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, hết lòng với nhiệm vụ được giao”.

Tuổi trẻ, tràn trề ước mơ và khát vọng, Phạm Văn Tú không ngừng rèn luyện bản thân, nỗ lực học hỏi, tích lũy kiến thức, nghiên cứu, sáng tạo để cùng đồng đội tạo ra nhiều sản phẩm, sáng kiến có giá trị cho đơn vị và Quân đội. Chúng tôi cảm nhận ở đồng chí sự nhiệt huyết, đam mê cống hiến của tuổi trẻ, không ngừng phấn đấu vươn lên đạt nhiều thành tích mới. Đó cũng chính là sự thể hiện sinh động lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng nơi đầu sóng ngọn gió, giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng úy Phạm Văn Tú được trao tặng nhiều danh hiệu như: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2023; Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2022. Năm 2023, đồng chí vinh dự được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng Bằng khen; đại diện cho thanh niên trong Quân đội tham gia gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc và là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2023.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nhiet-huyet-sang-tao-noi-dau-song-ngon-gio-788494