Nhiều bài học kinh nghiệm được chỉ ra sau cơn bão số 3

Sáng 28-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được chỉ ra.

Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: VIẾT CHUNG

Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu không có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 và mưa lũ sẽ còn lớn hơn nữa.

Bộ trưởng cho rằng, thiệt hại do bão, lũ quét, sạt lở đất vẫn còn rất lớn, với những khó khăn, tồn tại. Trong đó, các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt... chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công tác cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, công sở, kho tàng, biển báo, biển quảng cáo… dẫn đến bị tốc mái, gãy đổ rất nhiều.

 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan báo cáo tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan báo cáo tại hội nghị

Bộ trưởng cũng nêu, khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt.. Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5% nhưng đã chịu tác động của bão cấp 11-12, giật cấp 14 vượt mức thiết kế...

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp, nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) chưa kịp thời, chưa bám sát thực tế và yêu cầu của công tác chỉ đạo điều hành; chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó...

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong việc khai thác, sử dụng bãi sông.

Nhiều bài học kinh nghiệm cũng được Bộ trưởng chỉ ra, đó là bài học kinh nghiệm chính quyền các cấp và người dân chủ động trong ứng phó, phát hiện nguy cơ và kịp thời di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người (điển hình như Anh Ma Seo Chứ - Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất; 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống)…

Bộ trưởng cho rằng, bão số 3 đi qua đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về người và tài sản, đồng thời để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống thiên tai liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực… Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Về lâu dài, để công tác phòng, chống thiên tai chuyển biến mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ hướng đến mục tiêu "từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy cũng cho rằng, công tác dự báo bão số 3 cơ bản, chính xác, kịp thời và tương đồng với các cảnh báo của các cơ quan khí tượng thủy văn trong khu vực và thế giới, nhưng chúng ta chưa tính toán, dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền (chưa từng xảy ra trong lịch sử) và thời gian tồn lưu bão kéo dài hơn bình thường.

 Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy

Với công nghệ hiện nay, Việt Nam chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200mm/h, các thông tin tính toán hiện nay chưa xác định được cường độ mưa lớn trong thời đoạn ngắn và khu trú được lượng mưa tập trung trên lưu vực sông Thao, sông Lô; chưa tính toán, dự báo sớm được lũ lịch sử lên nhanh với cường suất lớn tại một số vị trí trên sông Thao; chưa cảnh báo được chi tiết đến thôn, bản, điểm lũ quét, sạt lở đất…

Đánh giá chung, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, công tác dự báo chỉ số cực đoan, bất thường và dự báo chi tiết lũ quét sạt lở đất ở từng thôn bản chưa được như mong muốn.

Bộ trưởng đề nghị rà soát các phương án vận hành hồ chứa với kịch bản mưa lũ cực đoan, đặc biệt là khu vực miền Trung đang được cảnh báo khả năng xảy mưa lũ dồn dập và mùa lũ kết thúc muộn trong các tháng 10, 11-2024 do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mức nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường..

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-bai-hoc-kinh-nghiem-duoc-chi-ra-sau-con-bao-so-3-post761145.html