Nhiều bất cập cần khắc phục về chăm sóc sức khỏe người di cư
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, việc chăm sóc sức khỏe người di cư phải đối mặt với rất nhiều bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.
Vấn đề di cư ở Việt Nam rất đa dạng, có quy mô lớn và xu hướng ngày càng tăng, càng xa và càng tập trung. Đặc biệt, sức khỏe người di cư chịu nhiều rủi ro hơn người không di cư, do họ sống ở nơi có mật độ cao dễ lan truyền dịch bệnh…
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, việc chăm sóc sức khỏe người di cư phải đối mặt với rất nhiều bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) nhấn mạnh di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Người di cư là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương, nhất là trong đại dịch COVID-19 hiện nay.
"Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số. Số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng chắc chắn là một thách thức tác động lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam," Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh.
Bà Mihyung Park - Trưởng phái đoàn Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) cho biết Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư hợp pháp lấy sức khỏe làm ưu tiên xuyên suốt về vấn đề của người di cư. Cùng với các mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ, việc triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư và sức khỏe của người di cư sẽ đem đến cơ hội to lớn để thúc đẩy chăm sóc toàn diện cho người di cư và những chính sách liên quan.
Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 đã nhấn mạnh bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ y tế-dân số./.