Nhiều bất cập trong dạy và học trực tuyến

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố phải tạm dừng đến trường.

Học sinh Trường tiểu học số 2 Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên học trực tuyến tại nhà.

Học sinh Trường tiểu học số 2 Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên học trực tuyến tại nhà.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố phải tạm dừng đến trường.

Vì vậy, hình thức dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm này để bảo đảm an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, việc dạy và học trực tuyến không phải cấp bậc học nào, khu vực nào cũng thực hiện suôn sẻ.

Tại tỉnh Ðiện Biên thầy Lò Văn Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lạn, huyện Mường Ảng cho biết: Năm 2020 thực hiện giãn cách xã hội, Ban Giám hiệu nhà trường triển khai đầy đủ công văn, hướng dẫn chỉ đạo dạy học trực tuyến đến tất cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Thế nhưng, khi đưa vào triển khai, chỉ duy nhất ở bản Lạn ngay trung tâm xã áp dụng được, bởi nơi này có điện, có in-tơ-nét và đời sống nhân dân khá hơn nên trang bị điện thoại, máy tính cho con em mượn học. Cùng thời điểm ấy, toàn huyện có 22 trường tiểu học, THCS với tổng số hơn 8.000 học sinh, nhưng theo thống kê của Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) huyện Mường Ảng, chỉ có hơn 20% số học sinh trong hai cấp học tham gia học trực tuyến. Kết quả tiếp thu bài của số học sinh này không đạt hiệu quả bởi các em học thụ động, nhiều em ngồi cho có chờ cô giáo điểm danh và cũng rất nhiều em lực học kém nên dù có nghe giảng cũng không nắm bắt được. Tại huyện Tủa Chùa, thống kê dạy học trực tuyến cả đợt chỉ có gần 20% số học sinh theo học; huyện Mường Nhé, chỉ đạt hơn 10% tổng số học sinh. Thầy giáo Trần Danh Tương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hua Thanh (thuộc huyện Ðiện Biên) thẳng thắn: Mặc dù trường chỉ cách trung tâm TP Ðiện Biên 3 km, nhưng rất nhiều học sinh là con em đồng bào H’Mông ở các bản Nậm Ty, Xá Nhù đều chưa có điện. Bình thường giáo viên dạy học tại các điểm bản không điện đã rất vất vả, nói gì đến việc dạy và học trực tuyến.

Không chỉ Ðiện Biên, ngành giáo dục tỉnh Sơn La cũng gặp khó khăn chung giống như các tỉnh miền núi. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Sơn La, Nguyễn Văn Chiến, bất cập lớn nhất là hạ tầng mạng viễn thông cung cấp dịch vụ in-tơ-nét ở đây còn yếu, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới. Sơn La còn hơn 30 trong số 204 xã, phường chưa có in-tơ-nét. Những địa phương kết nối được in-tơ-nét thì chất lượng đường truyền cũng hạn chế nên việc truy cập, phục vụ việc dạy và học trực tuyến gặp khó khăn. Năm 2020, trong đợt phòng, chống dịch Covid-19, Sơn La chỉ có khoảng 20% số trường thực hiện được chương trình dạy và học trực tuyến. Ngoài ra, máy móc, trang thiết bị phục vụ dạy học qua mạng ở tỉnh chưa đồng bộ, chỉ một số ít trường ở thành phố, các trường trung tâm, trường phổ thông dân tộc nội trú đáp ứng được.

Ðáng chú ý, trong các cấp bậc học, tính tự học của học sinh tiểu học chưa cao, nhất là đối với học sinh lớp 1. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Diêm Ðiền, huyện Thái Thụy (Thái Bình) chia sẻ: Do lứa tuổi tiểu học còn nhỏ cho nên giáo viên rất vất vả trong việc tập trung, thu hút được học sinh học đúng giờ. Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, kinh tế của các bậc cha mẹ không đồng đều, vì vậy nhiều học sinh chưa tham gia đủ. Chưa kể nhiều gia đình nông thôn, bố mẹ đi làm thêm đến tối muộn mới về. Mặc dù giáo viên nhà trường đã rất nỗ lực nhưng việc học trực tuyến chưa đạt hiệu quả cao. Còn cô giáo Vũ Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: Do ở vùng nông thôn, nhiều gia đình chưa có mạng in-tơ-nét, cho nên nhiều gia đình đã phải đưa con sang nhà hàng xóm để học ghép với những bạn cùng khối trong trường. Tuy nhiên, việc này cũng rất bất tiện bởi tình hình dịch bệnh phức tạp, bên cạnh đó, buổi tối học sinh phải đi lại không an toàn. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ sử dụng công nghệ thông tin không thành thạo, nên buổi học ồn ào, không hiệu quả.

Tại TP Hải Phòng, nhận thấy việc dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1, lớp 2 có nhiều khó khăn, không thuận lợi cho bậc cha mẹ và học sinh, mới đây Sở GD và ÐT thành phố đã cho dừng dạy học trực tuyến với hai khối lớp này và không dạy kiến thức mới bằng hình thức trực tuyến với học sinh lớp 3, 4, 5. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Hải Phòng, Vũ Văn Trà cho biết, qua quá trình kiểm tra thực tế và báo cáo của các cơ sở giáo dục, việc dạy học trực tuyến đối với cấp tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp đã phát sinh quá nhiều bất cập. Với học sinh lớp 1, 2, lứa tuổi này còn nhỏ, bố mẹ đi làm, tự ở nhà học sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không an toàn, nhất là ở các huyện khó khăn chưa có điều kiện để học trực tuyến.

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay các trường chưa giám sát được chất lượng học trực tuyến mà chỉ giám sát được số lượng học sinh vào học. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như máy tính, đường truyền chưa đồng bộ, song song với đó là trình độ công nghệ của giáo viên, các bậc cha mẹ, học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu. Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD và ÐT) Thái Văn Tài cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, phương án dạy học trực tuyến đã được các trường thực hiện để bổ trợ, bổ sung, tạo thói quen học tập cho học sinh. Trong trường hợp bất khả kháng, học sinh không thể đến trường trong một giai đoạn dài thì lúc đó mới đặt vấn đề học trực tuyến để thay thế một số nội dung, một số bài học theo quy định của chương trình. Tuy nhiên, đối với cấp tiểu học, việc học trực tuyến có những đặc trưng như tâm lý lứa tuổi, kỹ năng cần thiết để học sinh sử dụng thiết bị học trực tuyến cần sự phối hợp của gia đình. Vì vậy, phương pháp dạy học trực tuyến chưa thật sự phát huy hiệu quả với những đối tượng nhỏ tuổi như lớp 1, 2, 3.

Thời gian tới, Bộ GD và ÐT sẽ ban hành thông tư về dạy học trực tuyến, nhất là với cấp tiểu học và xác định dạy học trực tuyến chỉ là một phương án bổ sung và bổ trợ để nâng cao chất lượng dạy học trực tiếp. Bộ GD và ÐT sẽ làm việc với các đối tác doanh nghiệp, nhà mạng đã ký hợp tác để hỗ trợ hạ tầng, đường truyền… phục vụ cho hoạt động dạy và học; có giải pháp kết nối nguồn lực hỗ trợ giáo viên, học sinh các địa bàn khó khăn, không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.

TUẤN KỲ và QUỲNH LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/nhieu-bat-cap-trong-day-va-hoc-truc-tuyen-636472/