Nhiều bất cập trong phát hành tài liệu giáo dục địa phương

Mặc dù đã ở năm thứ 4 triển khai Chương trình GDPT 2018, nhưng một số địa phương vẫn còn vướng mắc về công tác thẩm định giá, in ấn và phát hành tài liệu môn giáo dục địa phương.

Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 với giáo dục tiểu học do Bộ GD&ĐT tổ chức đã được diễn ra chiều nay (23/7). Nội dung liên quan đến tài liệu cho môn giáo dục địa phương vẫn là một trong những hạn chế cần khắc phục trong năm học tới đây.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá năm học vừa qua, với sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các cán bộ quản lý, giáo viên; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.

Sự phối hợp, giúp đỡ, chỉ đạo của các cục vụ thuộc Bộ GD&ĐT, giáo dục tiểu học đã đạt được kết quả khá toàn diện.

Trong đó, một số điểm sáng phải kể đến là công tác chuyển đổi số; công tác thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương; việc tổ chức chỉ đạo dạy học theo Chương trình GDPT 2018; công tác tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên; thực hiện quản trị, quản lý nhà trường ở tiểu học…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận sự nỗ lực của các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận sự nỗ lực của các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT.

Bên cạnh các kết quả còn có một số tồn tại, hạn chế; trong đó hầu hết là vấn đề chung của các cấp học như những khó khăn về cơ sở vật chất và vấn đề đội ngũ.

Báo cáo kết quả thực hiện năm học với giáo dục tiểu học, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết những năm qua, các địa phương đã chú trọng rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp hơn cho việc trẻ em đến trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giúp các cơ sở giáo dục ngày càng được hoàn thiện và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Thời điểm này, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỉ lệ 100%. Trong đó có 34/63 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỉ lệ 54% (tăng 4 đơn vị cấp tỉnh, tương ứng 6% so với cùng thời điểm năm trước).

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học báo cáo kết quả năm học vừa qua.

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học báo cáo kết quả năm học vừa qua.

Trên cơ sở Chương trình GDPT 2006, các Sở GD&ĐT giao quyền chủ động cho các trường tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đến nay, các cơ sở giáo dục đã hoàn thành chương trình, kế hoạch dạy học đối với lớp 5 và đạt được mục tiêu đề ra.

Về nội dung giáo dục địa phương, đến nay cơ bản các địa phương đã hoàn thành việc biên soạn tài liệu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Tuy vậy, công tác in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn những khó khăn, bất cập khác nhau ở mỗi địa phương.

Việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương ở một số địa phương còn chậm, muộn; một số địa phương chưa thực hiện được do vướng mắc về công tác xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành.

Thực hiện chuyển đổi số, đến nay, công tác tổ chức thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học đã và đang được toàn ngành triển khai thực hiện theo lộ trình. 63 sở đã hoàn thành việc tạo học bạ dưới dạng số và sẵn sàng kết nối về Bộ GD&ĐT.

Năm học 2024-2025, giáo dục tiểu học sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học; tăng cường bảo đảm an toàn trường học; thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện kế hoạch năm học theo quy định và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhieu-bat-cap-trong-phat-hanh-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong-204240723170529692.htm