Nhiều bất cập trong quản lý người nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy
Bà Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng công tác quản lý người nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy còn nhiều bất cập, một số nơi vẫn còn tình trạng thẩm lậu ma túy
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, về vụ việc học viên cai nghiện ma túy có dấu hiệu cố ý gây thương tích và bỏ trốn tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH, UBND tỉnh Sóc Trăng cần khẩn trương triển khai các giải pháp cần thiết và phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định tình hình. Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 10-3.
Chú trọng công tác quản lý, kiểm soát ma túy ở cơ sở cai nghiện
Ngày 4-3, trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằnghiện cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập với công suất tiếp nhận khoảng 3.000-4.000 người. Hầu hết các cơ sở cai nghiện chưa đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Phòng, chống ma túy và khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 116/NĐ-CP.
Cùng với đó, còn khoảng trống trong việc tổ chức học văn hóa cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy, trong khi đây là quy định bắt buộc thực hiện. Bộ LĐ-TB-XH đã có một số giải pháp nhưng theo bà Lam, đó chỉ là giải pháp để giải quyết tình thế.
Bà Lam đánh giá nguồn nhân lực phục vụ cho công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy còn thiếu về số lượng trên tổng số người nghiện đang được quản lý; trình độ, chuyên môn đào tạo chưa thực sự phù hợp. Chế độ đãi ngộ, chính sách ưu đãi đối với viên chức, người lao động tại các cơ sở thấp gây khó khăn trong tuyển dụng, đặc biệt đối với việc tuyển dụng người có chuyên ngành y, dược. Cán bộ đang công tác chưa yên tâm gắn bó lâu dài tại cơ sở cai nghiện.
Nữ Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nhìn nhận công tác quản người nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy còn nhiều bất cập. Một số nơi vẫn còn tình trạng thẩm lậu ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy, chưa nắm sát tình hình diễn biến tư tưởng học viên, công tác lao động trị liệu, đào tạo nghề hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện cần tiếp tục được quan tâm đúng mức.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy trong thời gian tới,bà Trần Thị Thanh Lamkiến nghịcơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy cần tăng cường rà soát tổ chức, bộ máy, nhân lực phòng chống tệ nạn xã hội nói chung, phòng chống ma túy nói riêng từ trung ương tới địa phương để báo cáo Chính phủ xem xét quy định phù hợp đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ…
"Chú trọng công tác quản lý, kiểm soát ma túy, nâng cao kỷ luật kỷ cương thực thi nhiệm vụ tại các cơ sở cai nghiện ma túy; cần xử lý nghiêm các trường hợp tại các địa phương còn để xảy ra tình trạng thẩm lậu ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy" - bà Lam nói.
Nâng cao chất lượng công tác phân loại học viên, bố trí quản lý phù hợp, cần quan tâm đời sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt, đặc biệt phải kiên quyết đấu tranh kịp thời với các hành vi thủ lĩnh, đại ca, ức hiếp, chèn ép, gây rối mất đoàn kết lẫn nhau.
Công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện cần nâng cao trách nhiệm công vụ, đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ, rà soát, phân công nhiệm vụ phù hợp theo sát từng học viên, đảm bảo hiệu quả công tác cai nghiệp tại các cơ sở cai nghiện được chặt chẽ và hiệu quả.
Bà Trần Thị Thanh Lam đề nghị cần sớm có giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực để nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy; chú trọng công tác dạy nghề, lao động trị liệu, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.