Nhiều bất cập trong quy định về nhà ở, đất đai

i biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn, trong khi hàng ngàn ha đất bỏ hoang, bỏ không, không triển khai được dự án thì hàng ngàn gia đình không có đất mà ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông... tiềm ẩn rủi ro, hiểm nguy rình rập.

Nhiều lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch “treo”

Chiều 2/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng, dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một giải pháp cơ bản, tối ưu. Tuy nhiên, ở nơi này nơi khác, lĩnh vực này lĩnh vực khác, việc lãng phí còn diễn ra trong một thời gian dài chưa có giải pháp khắc phục.

“Về quy hoạch treo, đây là nội dung "biết rồi, nói mãi", nhưng "không nói không được" vì qua tiếp xúc cử tri, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc, của Ban Dân nguyện thì nhiều lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo. Dù rất bức xúc, được đề cập nhiều trong các báo cáo nhưng năm tháng qua đi quy hoạch treo vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt”, đại biểu ví von.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau).

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận, nước ta là nước nông nghiệp với tỷ trọng nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, do đó đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng và có tính chất quyết định để tạo ra các giá trị vật chất cho xã hội.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đề cập thực tế: “Ông bà ta có câu "tấc đất tấc vàng", thì nhiều dự án treo, đất bỏ hoang khiến lãng phí bao nhiêu tấc vàng; trong khi hàng ngàn ha đất bỏ hoang, bỏ không, không triển khai được dự án thì hàng ngàn, hàng chục ngàn gia đình không có đất mà ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông... tiềm ẩn rủi ro, hiểm nguy rình rập”.

Vì thế, đại biểu đề nghị cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án; có quy hoạch phù hợp, bám sát nhu cầu xã hội.

Phiên họp chiều 2/6.

Cùng với đó, việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế; nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện nhưng vẫn được phân bổ vốn; trong khi đó nhiều dự án dở dang, bức xúc thì không được bố trí, dẫn đến không phát huy được tác dụng, mà dự án đường Hồ Chí Minh là một minh chứng. Mặc dù đã có chủ trương đầu tư từ cách đây 22 năm nhưng dự án vẫn tiếp tục được Quốc hội thảo luận để quyết định xem có đầu tư xây dựng các đoạn đường còn lại hay không...

Bất cập trong quy định về nhà ở, đất đai

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, với nhiều nỗ lực quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đối với vấn đề hoàn thiện thể chế để sát với thực tế, phát huy hiệu quả nguồn lực, đại biểu cho biết, những quy định của Khoản 3, Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 6 Nghị định 100 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã thể hiện chủ trương đúng đắn và nhân văn trong giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo chủ trương này, chủ đầu tư phải dành tối thiểu là 20 % diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê, sau thời hạn tối thiểu là 5 năm, nếu không có người thuê thì mới được bán nhà. Thực tế tại đô thị loại II, loại III thì nhu cầu người thuê nhà ở xã hội rất thấp.

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh).

Theo đại biểu, thực tế thí điểm nhà ở xã hội tại Hà Tĩnh, còn khoảng 80 căn hộ cho thuê nhưng không có người thuê, trong khi có đến 350 đơn xin mua nhưng không được mua. Đại biểu cho rằng đây là sự lãng phí lớn.

Vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh nêu rõ, những năm gần đây, giá đất lên cao, nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất để chuyển sang đất ở, đất công nghiệp, tổ chức đấu giá trả giá rất cao, người có nhu cầu đấu giá thì không có nhu cầu ở, người có nhu cầu ở thì không thể có tiền để đấu giá, dẫn đến đất sản xuất trở thành đất để hoang. Đại biểu kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục tình trạng trên.

Ngoài ra, một số quy quy định của pháp luật về định mức, tiêu chuẩn được ban hành đã lâu, không phù hợp với thực tiễn, nhưng chưa được rà soát và điều chỉnh. Trong báo cáo, có 60% các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật của chúng ta đã phù hợp với quốc tế và khu vực. Đại biểu cho rằng, hiện chi phí đầu tư công trình công và một công trình tư chênh lệch rất cao, đây cũng là một sự lãng phí, một điểm dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-bat-cap-trong-quy-dinh-ve-nha-o-dat-dai-post197587.html