Nhiều bất cập trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều thiếu sót trong chấp hành chế độ tài chính, kế toán; quy định về đầu tư xây dựng và bất cập trong huy động, lồng ghép nguồn vốn, thực hiện mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 13 địa phương.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 hướng tới mục tiêu bảo đảm nông thôn mới phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 hướng tới mục tiêu bảo đảm nông thôn mới phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc.

Kiến nghị xử lý hàng trăm tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước vừa công khai kết quả kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), do Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV thực hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 địa phương trong cả nước.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 145 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách các khoản chi sai quy định 46,3 triệu đồng; thu hồi kinh phí thừa 36 tỷ đồng; giảm thanh toán 6,5 tỷ đồng; bố trí vốn ngân sách địa phương hoàn trả cho chương trình hơn 102 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý khác hơn 307 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là điều chỉnh không tổng hợp vào quyết toán kinh phí của Chương trình.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị phải chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành giai đoạn 2021-2025;

Kiểm tra, rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình (năm 2021, 2022) của địa phương; tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án trong Chương trình bảo đảm bố trí vốn thực hiện đầu tư đúng nội dung, đối tượng và bố trí nguồn vốn phù hợp với quy định Chương trình.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình để kịp thời tham mưu cho các cơ quan chức năng sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, phát huy hiệu quả của chính sách, bảo đảm thuận lợi cho các địa phương thực hiện Chương trình.

Phối hợp các địa phương thực hiện Chương trình rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình (năm 2021, 2022) của tỉnh, thành phố bảo đảm tính chính xác, có căn cứ để đánh giá, tổng hợp số liệu cho công tác quyết toán kinh phí của Chương trình.

Rà soát phương án phân bổ vốn của Chương trình đối với các địa phương còn sai sót về nguồn dữ liệu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới và số xã khu vực III trong phương án. Trên cơ sở đó phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chậm trình ban hành quyết định quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; chậm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình hỗ trợ, Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP; chưa hoàn thành việc xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá Chương trình theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ...

Những bất cập trong thực hiện mục tiêu của Chương trình

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều thiếu sót trong chấp hành chế độ tài chính, kế toán; quy định về đầu tư xây dựng và những hạn chế, bất cập trong chế độ, chính sách, huy động, lồng ghép nguồn vốn, thực hiện mục tiêu của Chương trình tại các đơn vị được kiểm toán.

Cụ thể, về công tác huy động, lồng ghép nguồn vốn, thực hiện mục tiêu của Chương trình, Kiểm toán Nhà nước đánh giá: Đối với nguồn ngân sách nhà nước, các địa phương không xác định được chính xác số liệu huy động vốn thực hiện Chương trình năm 2021, 2022 đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước giao hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, xã.

Nguyên nhân do không dự kiến mức vốn bố trí, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động, danh mục dự án đầu tư; không có quy định cụ thể về cơ chế lồng ghép, quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn ghép; chưa xác định giải pháp huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình...

Đối với nguồn vốn tín dụng, không xác định được chính xác các khoản tín dụng vay để đầu tư thực hiện cho các nội dung thành phần của Chương trình do nguồn vốn tín dụng được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố tổng hợp trên tất cả các khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại trên địa bàn nông thôn, không nêu cụ thể các chương trình vay, các khoản vay liên quan đến các nội dung của Chương trình.

Trong thực hiện cơ chế huy động vốn, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình, một số địa phương chưa ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; chưa lập danh mục chi tiết các dự án thuộc Chương trình, danh mục các dự án lồng ghép mục tiêu, đối tượng của Chương trình.

Về công tác chấp hành chế độ tài chính, kế toán; quy định về đầu tư xây dựng tại một số địa phương: Trong thực hiện kế hoạch đầu tư công, Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương chung cả cho Chương trình và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, không giao cụ thể kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chi tiết cho dự án;

Về giao dự toán, phân bổ vốn thực hiện Chương trình, công tác tổng hợp số liệu nguồn vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho Chương trình trong năm 2021, 2022 của các địa phương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tổng hợp chung toàn quốc (không bao gồm vốn lồng ghép) và Kho bạc Nhà nước trung ương theo dõi, tổng hợp còn có sự chênh lệch lớn.

Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương không phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương riêng để thực hiện Chương trình mà phân bổ chung cho cả các Chương trình, đề án, dự án khác nhưng có tác động gián tiếp đến việc thực hiện các tiêu chí của Chương trình…

Qua kết quả kiểm toán các dự án đầu tư tại các địa phương được kiểm toán cho thấy, còn một số tồn tại trong việc xác định tổng mức đầu tư dự án; công tác khảo sát, thiết kế tại một số dự án thuộc Chương trình chưa tuân thủ đầy đủ quy định về thiết kế; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán còn sai sót về khối lượng, chưa phù hợp với các quy định làm tăng giá trị dự toán đã được phê duyệt; công tác quản lý, thực hiện nghiệm thu, thanh toán tại nhiều dự án vẫn có sai sót về xác định khối lượng, đơn giá…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhieu-bat-cap-trong-trien-khai-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-xay-dung-nong-thon-moi-post771477.html